Lựa chọn trở về phụng sự tổ quốc của bác sĩ Trần Hữu Tước

Thứ ba, ngày 14/04/2020 14:34 PM (GMT+7)
“Có những người không hiểu, tại sao tôi lại về. Tôi chỉ mỉm cười, hay trả lời ngắn ngủi: “Về Đất Nước”!. Đó là một cái gì thiêng liêng khôn tả, khó nói ra lời, như khi trái tim đang ấm ủ một mối tình tràn ngập bao la, cần phải hạ giọng, dịu lời trong đêm khuya vắng!"
Bình luận 0

LTS: Tháng 9/1946, sau khi ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14/9, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về nước, kết thúc chuyển thăm Pháp 4 tháng (6/9/1946). Cùng về nước với Người có 4 trí thức gồm 3 kỹ sư là Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và một bác sĩ là Trần Hữu Tước. Trần Hữu Tước khi đó là một bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, lại quen biết nhiều người trong y giới các nước, ông có thể sống một cuộc sống khá giả và lại có đủ mọi điều kiện để nghiên cứu khoa học. Có rất nhiều người không hiểu tại sao ông lại quyết định trở về và bài viết sau đây sẽ lý giải phần nào về lựa chọn của ông.

Trở về nước phụng sự Tổ quốc

Cũng giống như nhiều trí thức khác đã sống ở Pháp, bác sĩ Trần Hữu Tước lựa chọn trở về nước để phụng sự Tổ quốc sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Có thể lấy câu nói của Giáo sư Hồ Đắc Di để diễn giải cho suy nghĩ chung của những trí thức lúc bấy giờ: “Những ai đã từng sống kiếp đọa đầy tủi nhục trong đêm dài nô lệ, hay ít ra cũng đã trải qua những năm tháng nhọc nhằn day dứt vì lương tâm, nhân phẩm, ắt sẽ lao theo cơn lốc cách mạng một khi ánh lửa của nó đã rọi sáng tâm hồn”.

Ở một khía cạnh sâu xa, ngoài sức lan tỏa của Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trí thức lớn, một lãnh tụ lớn đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc thu hút các trí thức trong và ngoài nước trở về nước tham gia kháng chiến cùng Chính phủ và nhân dân.

img

Bác Hồ nói chuyện với Giáo sư Trần Hữu Tước và các đại biểu trí thức là đại biểu Quốc hội. Ảnh chụp năm 1964.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban, ngày 10/1/1946, Người khẳng định: “Còn các ngài, đã đem tài năng trí thức, lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong. Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ”.

Những quan lại cũ như Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, Phan Kế Toại hay đã từng làm việc cho Nhật như luật sư Phan Anh được Người mời ra giúp nước. Việc làm ấy cho thấy tấm lòng quảng đại của Người cũng như tầm nhìn xa trong việc huy động sức mạnh toàn dân vào cuộc trường kỳ kháng chiến.

Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Chuyến thăm của Người là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam trong những năm 1945-1946 để cứu vãn nền hòa bình trong khi thực dân Pháp đang quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa.

img

Thủ tướng Pháp Georges Bidault chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Pháp. Ảnh chụp ngày 2/7/1946.

Ở Pháp, sau khi nghe tin Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nhiều trí thức muốn mau chóng trở về quê hương để đồng cam cộng khổ với nhân dân. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946, nhiều người bày tỏ nguyện vọng được trở về nước, nhưng khi ấy chỉ có 4 người được theo Bác cùng về là bác sĩ Trần Hữu Tước và ba kỹ sư là Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và Trần Đại Nghĩa.

Sự lựa chọn của bác sĩ Trần Hữu Tước

Trong những năm ở Pháp, Trần Hữu Tước đã sống cuộc sống của một sinh viên nghèo. Ông liên tưởng tới những người thân trong gia đình, đồng bào mình ở Việt Nam phải sống cuộc sống nghèo khổ, bị đè nén và do vậy càng quyết tâm học tập hơn để hy vọng một ngày nào đó trở về giúp ích cho nhân dân.

Năm 1937, khi tốt nghiệp bác sĩ với một bản khóa luận xuất sắc, Trần Hữu Tước được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Lơmie, chuyên gia về tai mũi họng danh tiếng ở Pháp thời bấy giờ. Hai năm sau đó Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, bị cắt đứt liên lạc với nước nhà, ông tiếp tục làm việc trong các bệnh viện ở Paris.

img

Chân dung Giáo sư, Bác sĩ Trần Hữu Tước.

Trong suốt những năm tháng ấy, ông miệt mài làm việc, nghiên cứu, đi sâu vào nghiệp vụ chuyên môn và tìm cách tiếp xúc với bạn bè tiến bộ người Việt Nam, người Pháp, trong đó có một số là đảng viên cộng sản.

Paris xa hoa và tráng lệ, nhưng những bệnh viện ở Paris không thiếu bệnh nhân nghèo. Là một thầy thuốc, đã từng sống cảnh nghèo khổ, phải đi làm thêm để kiếm sống và học tập nên việc gần gũi và tận tình chăm sóc những bệnh nhân nghèo khổ đối với Trần Hữu Tước như một nguồn an ủi và ông được coi là người thầy thuốc chân thành, đáng mến… Nhưng dưới góc nhìn của xã hội Pháp và của một số bạn đồng nghiệp Pháp lúc bấy giờ, những hành động và cử chỉ của ông không được nhìn nhận, đánh giá đúng.

img

Bác sĩ Trần Hữu Tước tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Thế rồi, tin Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời làm bừng lên hi vọng về một ngày mai tươi sáng trong lòng những người Việt Nam ở Pháp. Bác sĩ Trần Hữu Tước mong muốn được trở về nước ngay để góp sức nhỏ bé của mình vào phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Khi ấy, là một bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, lại quen biết nhiều người trong y giới các nước, ông có thể sống một cuộc sống khá giả và lại có đủ mọi điều kiện để nghiên cứu khoa học. Nhưng sau này, như ông lý giải: “Mục đích cuộc sống đâu cứ phải là tiền tài và danh vị, hơn nữa, đâu có phải là cuộc đời nô lệ của một người dân mất nước.

Những quyến rũ vật chất tầm thường đó, đâu có thể làm phai mờ được nguyện vọng tôi hằng ấp ủ bao năm, chờ mong ngày nước nhà độc lập để được trở về. Trong những ngày vinh quang, tươi đẹp, hạnh phúc đó của Tổ quốc và của bản thân mình, lẽ nào tôi cam chịu quay lại những ngày sống tủi nhục cũ”.

img

Giáo sư Trần Hữu Tước (người thứ hai từ trái sang) trong một ca hội chẩn với các bác sĩ và sinh viên nội trú. Ảnh chụp ngày 26/9/1974.

Nguyện vọng tha thiết của bác sĩ Trần Hữu Tước là được trở về nước phục vụ đồng bào. Và khi cơ hội đến, ông không mảy may suy tính mà đưa ra ngay quyết định xin Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cùng về nước trên chuyến tàu cuối năm 1946.

Trong thư gửi ông Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Fontainebleau, bác sĩ Trần Hữu Tước đã bày tỏ tình cảm của mình: “Các anh em bên nước nhà đã phải qua bao nhiêu thời kỳ kịch liệt gian truân, chúng tôi chẳng may chưa được gánh vác trực tiếp, rất lấy làm hổ thẹn; nguyện rằng sẽ dùng hết tâm cơ để đền bồi dòng máu chảy thiết tha cho nền độc lập”.

Ông Phạm Văn Đồng đã gây một ấn tượng mạnh với bác sĩ Trần Hữu Tước. Và như ông thú thực sau này, thông qua đồng chí Phạm Văn Đồng mà Đảng đã đến với ông, thông qua việc được gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông muốn quay về phục vụ Tổ quốc. Ông viết lại sau này: “Có những người không hiểu, tại sao tôi lại về. Tôi chỉ mỉm cười, hay trả lời ngắn ngủi: “Về Đất Nước”!. Đó là một cái gì thiêng liêng khôn tả, khó nói ra lời, như khi trái tim đang ấm ủ một mối tình tràn ngập bao la, cần phải hạ giọng, dịu lời trong đêm khuya vắng! Người ngoài có thể không hiểu đến tâm tình chan chứa ấy, tưởng có mưu đồ gì đây, mà phải bỏ cả tiền tài, địa vị, về, trong lúc gian khổ khó khăn? Có gì khác là về để phục vụ!”.

Quyết định trở về nước là một quyết định tự nguyện, một quyết định tất yếu của một người con yêu nước, tin vào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và sau này, suốt trong những năm kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Trần Hữu Tước cũng không phải hối hận vì điều đó, dù cuộc sống có gian khổ, hiểm nguy có thể rình rập, nhưng ông luôn nhận được sự quan tâm, tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bức thư gửi bác sĩ Tước tháng 2/1947, Người viết: “Bác sĩ Tước. Đã lâu không gặp, nhớ chú luôn. Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Y tế báo cáo: Chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ cố gắng. Kháng chiến nhất định thắng lợi… Chào thân ái và quyết thắng”.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các trí thức năm 1964 (GS Trần Hữu Tước ngồi bên trái Bác Hồ).

Những bức thư Người gửi cho bác sĩ Tước những lần sau đó vào cuối năm 1947, 1948, 1951… cũng đều thể hiện sự quan tâm, động viên đối với bác sĩ Trần Hữu Tước. Có lẽ bởi thế mà bác sĩ Trần Hữu Tước nói riêng và tất thảy những trí thức về nước kháng chiến đều một lòng một dạ trung thành phục vụ, ngay cả khi bệnh tật, hiểm nguy cũng không hề nản lòng...

Từ Sơn (Khám Phá)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem