Lừa đảo mạo danh trên không gian mạng: Cục An toàn thông tin cảnh báo "nóng"

PV Thứ hai, ngày 06/05/2024 14:38 PM (GMT+7)
Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đã chỉ ra 3 hình thức lừa đảo nổi bật trên không gian mạng Việt Nam.
Bình luận 0

1. Cảnh báo lừa đảo giả danh nhân viên Công ty Xổ số kiến thiết Thủ đô

Lừa đảo mạo danh trên không gian mạng: Cục An toàn thông tin cảnh báo "nóng"- Ảnh 1.

Các đối tượng quảng cáo, nhắn tin, giả danh là nhân viên công ty xổ số kiến thiết Thủ đô, yêu cầu khách hàng nếu muốn được cung cấp số lô, số đề, phải chuyển tiền vào tài khoản kiểm soát viên do chúng cung cấp để chiếm đoạt.

Theo đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an thị xã Nghi Sơn phát hiện một số đối tượng thông qua mạng xã hội Facebook và Zalo, giới thiệu mình là nhân viên công ty xổ số kiến thiết Thủ đô, cam kết cung cấp số lô, số đề chắc chắn trúng thưởng và có thu phí trước. Khi có cá nhân tương tác vào nhóm, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền và chiếm đoạt số tiền mua phí.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã nhanh chóng thu thập được các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của các đối tượng, đồng thời tiến hành bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Hà Phương Anh (SN 1993, Hà Nội) và Bùi Thị Hiền Vi (SN 2005, Hòa Bình) là thủ phạm đã giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết Thủ đô để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, 2 đối tượng đã bàn bạc với nhau mua rất nhiều số tài khoản của các ngân hàng khác nhau mang tên Lê Thị Thùy Trang, các bộ máy tính cây, cục phát wifi để kết nối mạng, máy in màu, mua con dấu tròn màu đỏ có nội dung “Xổ số kiến thiết miền Bắc” và dấu tên kiểm soát viên Lê Thị Thùy Trang. Sau đó, 2 đối tượng đã quảng cáo, nhắn tin, giả danh là nhân viên công ty xổ số kiến thiết Thủ đô, yêu cầu khách hàng nếu muốn được cung cấp số lô, số đề, phải chuyển tiền vào tài khoản kiểm soát viên do chúng cung cấp để chiếm đoạt. Khi khách chuyển tiền, các đối tượng sẽ cung cấp cho khách một số bất kỳ liên quan đến số lô, số đề và nói dối khách hàng đây là số do Công ty xổ số cung cấp.

Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ tháng 2/2024 đến nay, 2 đối tượng này đã lừa đảo hơn 30 người tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với số tiền chiếm đoạt hơn 150 triệu đồng.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân không nên tham gia đầu tư tài chính hay giao dịch chuyển tiền với những đối tượng không rõ danh tính. Người dân cần lựa chọn những nguồn thông tin hay website chính thống để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị cài cắm mã độc. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang website lạ hoặc cho những đối tượng gọi điện mạo danh. Cần thực hiện kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng trước khi thực hiện bất cứ một giao dịch chuyển tiền nào.

Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an; cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.

2. Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge International

Lừa đảo mạo danh trên không gian mạng: Cục An toàn thông tin cảnh báo "nóng"- Ảnh 2.

Công an TP. Hà Nội ngày 15/4 cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc cấp chứng chỉ tiếng Anh.

Theo đó, từ tháng 9/2022 đến ngày 18/6/2023, các đối tượng bao gồm Lê Văn Vàng (43 tuổi), Lương Việt Anh (37 tuổi), Nguyễn Văn Giảng (37 tuổi), Nguyễn Trường Doanh (41 tuổi), Trần Trọng Đại (31 tuổi) và Hoàng Thị Quỳnh Anh (41 tuổi) đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Cụ thể, các đối tượng sử dụng danh nghĩa tổ chức Cambridge International - là tổ chức không có thật - chấp thuận cho Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam để tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Anh theo khung tham chiếu chung châu u (CEFR) bằng hình thức thi online và cấp chứng chỉ mang tên tổ chức Cambridge International. Sau đó, chiếm đoạt tiền của người dân.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần đặc biệt cẩn trọng khi đăng ký tham gia bất kỳ chương trình, dịch vụ của tổ chức/ doanh nghiệp nào trên mạng xã hội. Chỉ nên tìm đến các trang thông tin uy tín, người dùng cần thực hiện các bước xác minh danh tính đối tượng/ tổ chức/ doanh nghiệp trước khi thực hiện bất cứ giao dịch tài chính nào. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh sập bẫy lừa đảo chiếm đoạt.

Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an; cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.

3. Giả danh cảnh sát, sử dụng App hẹn hò để lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng hàng loạt phụ nữ

Lừa đảo mạo danh trên không gian mạng: Cục An toàn thông tin cảnh báo "nóng"- Ảnh 3.

Ngày 1/5, Công an TP Long Khánh (Đồng Nai) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Quang (SN 1990, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mạo danh công an nhân nhân để tạo lòng tin.

Theo đó, đối tượng hành nghề sửa chữa điện máy và đang gặp những khó khăn về tài chính. Cuối năm 2022, nhằm tạo thuận lợi cho việc làm quen rồi chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ cả tin, Quang đã đặt mua trang phục công an nhân dân, còng số 8,... trên qua mạng xã hội. Sau đó, Quang đã sử dụng chức năng hẹn hò của mạng xã hội Facebook để làm quen với nhiều phụ nữ, trong đó có chị N.T.N.H (ngụ TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Khi làm quen, Quang sử dụng thông tin giả là Nguyễn Đình Chung đang công tác tại phòng ma túy thuộc Công an TP Hà Nội.

Một thời gian, chị H. đồng ý làm quen và nảy sinh tình cảm. Từ tháng 3/2023 đến tháng 4/2024, Quang thường xuyên đưa ra nhiều thông tin như bản thân phải đi công tác vùng sâu, biên giới nguy hiểm, cần tiền đóng thuế đất, cần tiền để bồi thường thiệt hại và sửa chữa xe do bị tai nạn trong quá trình đi công tác, cần tiền để xin chuyển công tác từ lĩnh vực ma túy về lĩnh vực kinh tế để thuận tiện cho việc kết hôn.

Từ đó, đối tượng tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản của chị H. tổng cộng hơn 242 triệu đồng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Đến tháng 4, chị H. phát hiện Quang không phải là cảnh sát nên đã tố cáo đến công an địa phương.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng khi có những đối tượng lạ làm quen trên nền tảng mạng xã hội hay những ứng dụng hẹn hò online. Người dân không nên tuyệt đối tin tưởng những đối tượng lạ trên mạng, cần xác minh rõ danh tính đối tượng; không nghe theo những lời dụ dỗ đầu tư tài chính hay giao dịch vay mượn tiền với đối tượng trên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh bị đánh cắp phục vụ cho những mục đích phạm pháp.

Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an; cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem