Lúa đông xuân 2020-2021 ở Nam Bộ: Né hạn, mặn để giữ sản lượng

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 10/10/2020 12:49 PM (GMT+7)
Mặc dù vụ lúa đông xuân 2020-2021 ở khu vực Nam Bộ tới đây được dự báo thiếu hụt nguồn nước, có thể bị nước mặn tấn công và xảy ra khô hạn, nhưng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết sẽ giữ vững diện tích, năng suất và sản lượng.
Bình luận 0

Sẽ gieo sạ 1,63 triệu ha

Hôm qua (9/10), tại TP.Cần Thơ, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2020 và triển khai vụ đông xuân năm 2020-2021 vùng Nam Bộ.

Theo báo cáo tại hội nghị, vụ lúa thu đông 2020, vùng ĐBSCL gieo sạ 800,5 nghìn ha (tăng 76.000ha), năng suất ước đạt 55 tạ/ha (tăng 0,13 tạ/ha) và sản lượng đạt 4,40 triệu tấn (tăng 429.000 tấn so vụ thu đông 2019). 

Trong đó, diện tích tăng chủ yếu ở các tỉnh vùng thượng nguồn do lũ về muộn, lũ nhỏ và giá bán lúa thương phẩm cao, việc mở rộng diện tích thuận lợi. Tiến độ thu hoạch ước đến ngày 10/10 đạt 300.000ha.

Lúa đông xuân 2020-2021 ở Nam Bộ: Né hạn, mặn để giữ sản lượng - Ảnh 1.

Các địa phương ở ĐBSCL cần chỉ đạo gieo sạ sớm vụ lúa đông xuân 2020-2021 để “né” hạn mặn. Ảnh: Diện tích lúa bị thiệt hại do hạn, mặn năm 2019 - 2020. Ảnh: H.X

Theo Tổng cục Thủy lợi, do mực dòng chảy từ thượng nguồn đổ về khu vực ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm nên khả năng xâm nhập mặn đến sớm vào cuối năm 2020, cụ thể là đến muộn hơn mùa khô 2019-2020 từ 15-20 ngày, sớm hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-2 tháng. Do đó, các địa phương cần hết đề phòng và cần có giải pháp ứng phó kịp thời.

Cục Trồng trọt đánh giá, vụ thu đông 2020 có thời vụ chậm hơn cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. 

Bên cạnh đó, việc lũ năm nay nhỏ hơn so với mọi năm nên diện tích gieo trồng lúa thu đông tăng, dẫn đến một số diện tích lúa thu đông xuống giống muộn đến cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10.

Riêng vụ mùa, Cục Trồng trọt cho hay, đã gieo sạ 266,7 nghìn ha (giảm 1,9 nghìn ha), năng suất ước đạt 48,03 tạ/ha (tăng 0,74 tạ/ha) và sản lượng 1,28 triệu tấn (tăng 10,8 nghìn tấn so với vụ mùa 2019).

Dự báo mùa khô 2020-2021 tới, tình trạng xâm nhập mặn ở Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm (nhiều khả năng sẽ không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020). Theo đó, vùng ven biển ĐBSCL sẽ có khoảng 55.000ha lúa có khả năng chịu ảnh hưởng, tập trung ở các địa phương như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang. Ngoài mặn xâm nhập, các cơ quan chuyên môn còn nhận định, có thể sẽ thiếu nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân tới đây.

Ngoài những vùng có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp nêu trên, xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng vùng phù sa ngọt cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang gây hạn, mặn cục bộ cho các trà lúa.

Mặc dù vậy, Cục Trồng trọt cho biết, vẫn chỉ đạo giữ vững diện tích, năng suất và sản lượng. Theo đó, vùng Nam Bộ sẽ gieo trồng 1,63 triệu ha (vùng ĐBSCL là 1,55 triệu ha, vùng Đông Nam Bộ là 80.000ha), ước sản lượng đạt được trên 11,3 triệu tấn.

Không để xảy ra thiệt hại do chủ quan

Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: Trong mùa khô tới, dự báo nguồn nước thấp, dòng chảy nhỏ nên sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp thành phố sẽ chỉ đạo gieo sạ trên 76.000ha lúa đông xuân tập trung 2 đợt, trong tháng 10 và tháng 11. Cơ cấu giống chủ yếu giống đặc sản, chất lượng cao, lúa thơm.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, để giữ vững diện tích, năng suất và sản lượng nêu trên, các địa phương vùng ven biển ĐBSCL như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang phải tranh thủ xuống giống sớm trong tháng 10. Những vùng giữa nên xuống giống trong tháng 11 và 12, không xuống giống vào tháng 1/2021.

"Dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa đông xuân 2020-2021 sẽ gặp nhiều khó khăn nên việc xuống giống sớm trong tháng 10 sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng có nhiều khả năng bị thiệt hại do hạn mặn. Mặc dù gieo sạ trong tháng 10 thường cho năng suất không cao nhưng khá an toàn. Đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay" - ông Tùng lưu ý.

Theo ông Tùng, về giống lúa, người dân nên ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày (90 ngày) đối với vùng ven biển, các vùng giữa, cách biển từ 30-70km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90-105 ngày. Các giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt hiện nay là OM5451, OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài thơm 8, Hương châu 6, OM7347, OM18, IR50404, Nàng hoa 9...

Tại hội nghị, Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án và huy động lực lượng ứng phó khi có các tình trạng tiêu cực xảy ra đối với sản xuất, kịp thời báo cáo và đề xuất các biện pháp bảo vệ sản xuất. Đặc biệt là kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiệt hại do chủ quan. 

Về trước mắt, các địa phương tranh thủ nạo vét các trục kênh chính, sửa chữa bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, từ đầu năm đến nay, ngành lúa gạo đã xuất khẩu ấn tượng, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 489,2 USD/tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ và nhiều năm mới đạt được. Do dự báo sắp tới, hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và nghiêm trọng, do vậy, theo kinh nghiệm nhiều năm qua, các địa phương cần quyết liệt phải đẩy sớm lịch thời vụ, ưu tiên giống lúa ngắn ngày và chịu hạn mặn tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem