Luật chơi ở "thiên đường" than thổ phỉ

Thứ sáu, ngày 16/09/2011 15:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hoạt động khai thác than thổ phỉ ở Quảng Ninh theo như cách nói dân dã thì đúng là xưa... như diễm. Nhưng, xưa như diễm, ai cũng biết mà vẫn ngang nhiên tồn tại thì đó mới là điều lạ.
Bình luận 0

Trên thực tế, ngay tại khu vực đèo Sen, thuộc phường Hà Khánh, TP. Hạ Long đang có hàng trăm lò khai thác than thổ phỉ diễn ra công khai. Vì sao? Dân làm lò thổ phỉ vẫn gọi khu vực đèo Sen là thiên đường vàng đen, vì nó tiện về giao thông, bán than dễ dàng, và nếu biết làm luật đầy đủ thì chẳng bao giờ bị các cơ quan chức năng sờ đến.

Dày đặc lò than

Trong vai người đi tìm mộ ở nghĩa địa, chúng tôi dễ dàng lọt vào trung tâm của khu vực đèo Sen, vốn nổi tiếng về những lò than thổ phỉ cả chục năm nay. Lượn quanh khu vực chân đèo tôi gặp Tùng và mấy anh em thợ đang thu gom đồ nghề máy móc, cột chống trước 1 bãi đất bị xới lộn lên.

img
Cảnh lên than công khai ở lò của Dũng vàng ở Hà Khánh (TP. Hạ Long).

Sau mấy câu mào đầu, thấy chúng tôi quan tâm đến chuyện than ở khu vực này, Tùng chỉ tay xuống đống đất vẫn còn nhiều vết cào của gầu máy xúc, nói: “Hơn tỷ đồng của bọn em đấy, làm 3 tháng bị đập 5 lần rồi, hết lực đành giải nghệ”. Thì ra đống đất giống như bình địa này vốn là 1 cửa lò than của nhóm Tùng.

Nhìn những thứ ngổn ngang còn lại, hắn nói: “Cũng tại bọn em còn thấp cổ, bé họng chưa kịp kiếm tiền sửa lễ đóng luật tháng nên cứ mở ra là bị đập. Hơn nữa lại ăn được đúng vỉa than đẹp nên nhiều đại gia muốn mượn tay tổ liên ngành giữ hộ. Ở đây mạnh vì gạo bạo vì tiền, ai có lực người đó thoải mái mà làm”.

Thấy chúng tôi có vẻ quan tâm đến mấy cái hầm than, Tùng bỏ hẳn việc thu dọn đống phế tích của mình, dẫn chúng tôi đi một vòng trong khu vực. Trước khi cất bước, Tùng giao hẹn: “Em chỉ đưa anh đi 2 đồi thôi nhé, trời tối rồi, nếu anh đi đếm lò cả khu vực này thì có khi 1 năm mới hết”.

Chúng tôi theo chân Tùng chui vào thế giới than thổ phỉ ở khu vực đèo Sen. Ngay dưới chân nghĩa trang là lò của ông chủ Hoàng khỉ, đang được đám công nhân người Tứ Kỳ, Hải Dương khai thác.

Tranh thủ đợi gầu than được kéo lên, Dũng - một thợ lò phụ trách xúc than lên xe nói: “Lò này đào 4 năm rồi, bây giờ sâu khoảng 150m, còn bên dưới ngang dọc theo từng vỉa than thì đến cả cây số. Điện lưới được dòng xuống tận nơi, do làm kiểu lò đứng nên lúc nào cũng phải dùng máy quạt để bơm hơi xuống.

Trước kia phải đội từng thúng than chứ bây giờ dùng tời chạy mô tơ điện, mỗi gầu than kéo lên cũng đôi ba tạ. Ngày làm 2 ca, mỗi ngày cũng khai thác được chừng 60 tấn, lên được xe nào là chuyển ngay đi xe đó cho gọn. Bọn tôi chỉ là người làm thuê, mỗi ngày công được từ 400 - 700 nghìn đồng, còn chủ lò thỉnh thoảng mới ngó qua thôi”.

Lò than- lò tiền

Ngược dốc một đoạn 70m về phía bãi chứa rác thải của Công ty Môi trường Quảng Ninh là 2 lò than của ông chủ Hiếu. Hai hầm này được đánh giá vào loại ngon ăn và lớn nhất ở đây, lúc nào dưới hầm cũng có khoảng 30 thợ làm việc, cho ra lò đều đều khoảng 100 tấn than mỗi ngày. Hiện ông Hiếu đã giao cho con trai tên là Hưng, 23 tuổi, đứng ra cai quản.

Dẫn chúng tôi đi, Tùng như một hướng dẫn viên du lịch thực sự. Đúng như lời giới thiệu của tay chủ lò thất thế này, ở đây chỗ nào có than là có hầm. Bởi ngay dưới chân đồi nằm trong khu vực bãi thải của Công ty Môi trường Quảng Ninh cũng có 2 cửa lò đang ra than tấp nập.

Ông chủ của 2 lò này là Dũng vàng. Trước kia Dũng đã có 6 năm làm quản lý ở bãi rác này. Hiện tại Dũng đang làm quản lý nhà máy nước thải thuộc Công ty Môi trường Quảng Ninh, được sự hậu thuẫn của một ông chủ trong làng than thổ phỉ, Dũng tranh thủ vươn ra làm than.

img
 

Dũng kể, anh mới đầu tư vào 2 hầm này ngót tỷ bạc, dự kiến sẽ lấy khoảng 1.000 tấn là “ấm”. Lấy nhanh rút nhanh vì hầm này nằm ngay dưới chân cột điện lực đưa điện từ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh hoà lưới điện quốc gia, nhỡ sụt 1 cái có mà đi “kho”.

Tuy nhiên, trung tâm của than thổ phỉ vẫn là ở phía bắc của đèo Sen. Nơi đó có đến 6 cửa lò nối tiếp nhau, của các ông chủ như Hùng Cẩn, Hoàng Thuỳ, Trường Tráng… Chỉ một vòng sơ qua chúng tôi đã đếm được 14 lò đang đua nhau hoạt động.

Theo Tùng, với giá than bây giờ 1,4 triệu đồng/tấn bán ngay tại cửa lò lúc nào cũng có xe chờ sẵn, thì đổi giá nào những ông chủ than thổ phỉ cũng chơi. Để bốc than nhanh họ còn đưa cả mìn xuống hầm để khoan nhồi phá vỉa, dùng cả cọc thuỷ lực để chống bảo vệ, đầu tư tời kéo, xe goòng hiện đại để tăng năng suất. Với kiểu làm này thì năng suất chẳng kém gì ở các mỏ lớn như Núi Béo hay Hà Lầm, mà tiền công lại gấp 2 lần. Tất nhiên những ông chủ lò ở đây không quên phần chăm sóc các cơ quan chức năng để được tự do khai thác, vì nếu làm đều, trừ mọi chi phí, mỗi đầu lò có than cũng cho 1,5 tỷ đồng/tháng.

Con đường làm luật

Theo Tùng, sở dĩ những lò than thổ phỉ này khai thác công khai từ năm này sang năm khác mà không bị phá là vì những ông chủ ở đây làm luật đều như vắt chanh, và thành lập hẳn một “hợp tác xã” để đứng ra lo việc này. Đứng đầu hợp tác xã này là ông chủ Hoàng Thuỳ với câu nói nổi tiếng: “Thành lập hợp tác xã than thổ phỉ là để hợp tác với các cơ quan liên ngành chứ không phải là hợp tác xã xã hội đen”.

Theo quy định và cũng là luật chơi bất thành văn ở thiên đường than thổ phỉ này là, hàng tháng mỗi đầu lò phải nộp từ 60 - 80 triệu đồng, tuỳ theo sản lượng than ra của mỗi lò, sau đó ông Hoàng Thuỳ ôm gói tiền đó gọi là nộp tẩy, đi giao dịch với một nhân vật có tên là Kh để người này đứng ra phân chia cho các đầu mối khác, khi có động thì báo trước.

Không chỉ là thiên đường của những lò than mà khu vực đèo Sen còn được nhiều nhóm “ong ve” chọn làm đại bản doanh để ẩn náu. Chính tại đây đã nhiều lần xảy ra những vụ tính sổ lẫn nhau bằng vũ khí nóng của nhiều nhóm côn đồ. Ngay cả vụ bắn nhau tối 6.9 vừa qua cũng có một nhóm côn đồ ở khu vực này tham gia đọ súng.

Nói về chuyện đóng luật thì chính ông chủ Dũng vàng đã nói với chúng tôi: “Mỗi tháng anh nộp vào hợp tác xã 80 triệu đồng, không kể tiền giao lưu, có vậy mới làm được chứ”.

Do đã làm luật kỹ càng nên mỗi khi chính quyền địa phương hay các cơ quan chức năng ra quân thì các chủ lò đều biết trước, chỉ cần 1 thao thác nhỏ là đậy miệng lò lại, đổ đất lên ngụy trang, thu dọn lán trại, nằm im mấy hôm đợi hết đợt kiểm tra lại yên tâm làm. Nếu không, mỗi lần bị dùng máy múc đập lò thì có khai thác được lại cũng tốn kém đến 200 triệu đồng và mất đến 10 ngày không ra than được.

Nói về việc bị đập lò, Tùng cho biết: “Có phải các ông ấy mắt kém đâu mà không biết trên quả đồi này có đến hàng chục lò than, nhưng họ chỉ đập mỗi lò của tụi em là rút quân, còn các lò khác vô tư hoạt động. Đã có lần chúng em xin dẫn các ông ấy đến những lò xung quanh, nhưng chẳng ai nói gì, chỉ đập mỗi lò bọn em xong là về.

Do chúng em chưa có tiền đóng luật, cũng không được vào hợp tác xã nên họ rất chăm vào đập lò. Lò của bọn em bị ghi sổ đen rồi, đập để làm gương cho các lò khác chịu khó đóng tiền, và đuổi chúng em đi để các ông chủ tay to còn có chỗ mà làm khi lò của họ hết than.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem