Luật Công nghiệp công nghệ số: Động lực phát triển kinh tế số và đột phá công nghệ cho Việt Nam

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 26/12/2024 13:50 PM (GMT+7)
Luật Công nghiệp công nghệ số tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam.
Bình luận 0

Công nghiệp công nghệ số đã được Trung ương Đảng xác định là một ngành công nghiệp nền tảng, để thúc đẩy cuộc cách mạng Chuyển đổi số.

Công nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động. 

Luật Công nghiệp công nghệ số: Động lực phát triển kinh tế số và đột phá công nghệ cho Việt Nam- Ảnh 1.

Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết để thúc đẩy trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo môi trường thuận lợi nhất để “nuôi dưỡng” và phát triển doanh nghiệp công nghệ số - Ảnh: VGP/LS

Năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: (1) Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; (2) Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; (3) Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; (4) Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; (5) Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Tháng 9 năm 2024, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Chính phủ trình Quốc hội số gồm 08 Chương, 72 Điều.

Để phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Luật CNCNS hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Góp ý về Luật này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần nghiên cứu và bổ sung một số quy định vượt trội hơn cho các dự án về công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là những dự án rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nên quy định rõ lộ trình, tổng thể các chính sách hỗ trợ đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn triển khai áp dụng. Đồng thời, quan tâm tới chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao về miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ visa…

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm, chưa bảo đảm theo quy định.

Nhắc đến tài sản số, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong Luật CNCNS là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Ngày 30/11/2024, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại…

Dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển toàn diện ngành công nghiệp công nghệ số như: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số, Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số toàn diện, Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

Về chính sách ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, quy định ưu đãi đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số: ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao, … 

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số. 

Xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số (CN CNS) xuất phát từ nhu cầu cần thiết về một hành lang pháp lý nhằm định hướng thúc đẩy sự phát triển của ngành và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem