Ngày 5.5, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng hứa thưởng liên quan đến căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM (hiện là hội sở Ngân hàng ACB). HĐXX phúc thẩm đã tuyên sửa án sơ thẩm, chỉ giữ nguyên phần bản án sơ thẩm quyết định về phần hứa thưởng giữa nguyên đơn và bị đơn hơn 54 tỷ đồng.
Sơ thẩm: Thắng kiện nhưng... rối rắm
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, căn nhà trên thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đắc Kha và bà Vương Thị Khanh. Năm 1980, ông Kha, bà Khanh lập tờ ủy quyền cho người khác để xuất cảnh. Đến năm 1999, UBND TP xác lập sở hữu nhà nước đối với căn nhà này theo diện nhà vắng chủ. Ông Kha chết, bà Khanh và con trai Nguyễn Đắc Quang về Việt Nam xin lại nhà.
Năm 2007, bà Khanh và ông Quang ủy quyền cho ông Đặng Đình Thịnh (là luật gia) thay mặt gia đình liên hệ với nhiều bộ, ngành đòi lại căn nhà này và ký thỏa thuận hứa thưởng cho ông Thịnh với mức thưởng là 35% trên tổng giá trị nhà và đất. Ông Thịnh cho rằng sau khi được Nhà nước trả nhà, gia đình bà Khanh bội ước, trốn tránh nghĩa vụ trả thưởng và bán căn nhà này cho nhiều người. Vì vậy, ông khởi kiện bà Khanh và ông Quang ra tòa.
Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xác định căn nhà nói trên theo định giá 156 tỷ đồng nên buộc bị đơn phải trả cho ông Thịnh hơn 54,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, bản án của tòa này còn giải quyết nhiều tranh chấp khác liên quan tới căn nhà này như việc chủ nhà đã nhận tiền cọc của một người 210 tỷ đồng để bán căn nhà với giá 250 tỷ đồng nên người liên quan này có yêu cầu độc lập với bị đơn là đòi trả lại tiền cọc. Còn ông Quang thì kiện ngược lại mẹ mình (bà Khanh) về “hợp đồng hứa thưởng cho tặng toàn bộ nhà, đất”. Bà Khanh thì yêu cầu hủy bỏ tờ khai di sản mà ông Quang khai vì bỏ sót thừa kế (bà có chín người con)... Một người liên quan khác thì đòi ông Quang 22 tỷ đồng tiền đặt cọc mua nhà. Ngân hàng ACB đang sử dụng căn nhà này cũng kiện hai mẹ con bị đơn về “hợp đồng cho thuê nhà 50 năm”, tiền sửa chữa...
Theo tòa, các tranh chấp đều liên quan đến căn nhà này nên không tách các quan hệ ra để giải quyết riêng mà giải quyết trong một vụ án nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đương sự. Ngay sau đó, các bên đều kháng cáo và có cả kháng nghị của VKS.
Luật gia Đặng Đình Thịnh sau phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hoàng Yến
Phúc thẩm: Chỉ xử việc hứa thưởng
Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định quan hệ pháp luật đầu tiên của vụ án là tranh chấp hợp đồng hứa thưởng. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu hứa thưởng cho ông Thịnh là có cơ sở, được các bị đơn thừa nhận. Ông Thịnh là người trực tiếp, duy nhất thực hiện ủy quyền của bà Khanh đòi lại nhà... Các đồng bị đơn không chứng minh được việc đã hủy hợp đồng hứa thưởng với ông Thịnh. Việc hủy bỏ hợp đồng được lập của hai bên không thể do một bên thông báo hủy là được... Tại giai đoạn sơ thẩm, các bên không có thỏa thuận, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ.
Tuy nhiên, cấp phúc thẩm cho rằng việc giải quyết nhiều quan hệ tranh chấp trong cùng vụ án là vi phạm tố tụng. Hai đồng bị đơn vì lợi ích của mình phát sinh tranh chấp quay lại đối lập. Lẽ ra cấp sơ thẩm phải hướng dẫn cho các bên khởi kiện theo thủ tục khác... Và các tranh chấp quan hệ mua bán, chuyển nhượng nhà chưa được cấp giấy công nhận nhưng lập giao dịch, cấp phúc thẩm không thể xác định được nên phải điều tra, xem xét lại. Tất cả các quan hệ này là quan hệ độc lập, không liên quan đến quan hệ hứa thưởng… nhưng cấp sơ thẩm đã đưa vào cùng giải quyết là không chính xác, không đúng luật nên cần hủy.
Từ đó, tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm phần hứa thưởng với ông Thịnh, công nhận thỏa thuận hứa thưởng giữa ông Quang, bà Khanh với ông Thịnh, tuyên cả hai trả cho ông Thịnh 54 tỷ đồng. Các quan hệ còn lại tòa hủy để xử lại theo đúng luật.
Hoàng Yến (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.