Người ta đã kịp biến chúng thành nơi trưng bày đồ gỗ quý. Người dân xem TV cũng say mê học theo. Nhà giàu thì ỷ tiền, đua nhau sắm. Có tiền thì mua tiên cũng được huống gì gỗ. Trắc, gõ, đàn hương, căm xe, cẩm lai, pơmu...
Nhà những ông trọc phú dù không phải trăm phần trăm tiền tham nhũng chăng nữa, thì đến cái ghế ngồi thái rau làm bếp cũng bằng gỗ nhóm một. Cửa lim dày 5 phân, 10 phân để khoe của và dọa thiên hạ nhiều hơn là chống trộm. Quan tài cho người chết mỗi năm một dày thêm, đắt thêm. Thiên hạ thi đua dùng gỗ, mỗi ngày một nâng cấp mới sành điệu(!)
Rừng chỉ còn biết than khóc cho ngày đất nước phải liên tục hứng chịu bão lụt, hạn hán do thói hợm hĩnh của con người. Tất nhiên, quốc gia nhiều rừng như nước ta cũng nên có một số phòng khách, phòng trưng bày làm toàn gỗ quý để lại cho con cháu. Những công trình gỗ có sẵn thì nên giữ, bảo tồn như đình chùa, nhà cổ Hội An...
Nhưng hoàn toàn không nên khuyến khích mà phải chặn lại những công trình bằng gỗ khi có thể dùng vật liệu khác thay thế hoặc lạm dụng quá nhiều gỗ trong thời đại bê tông và nhôm kính hiện nay.
Có lẽ, đã đến lúc luật pháp phải quy định cơ quan cấp nào thì có quyền dùng gỗ loại nào để xây dựng hay trang trí nội thất, trụ sở cơ quan cấp nào thì dùng gỗ tương xứng cấp ấy. Loại nhà nào thì dùng gỗ, loại nào thì buộc phải dùng sắt hay nhôm thậm chí tre nứa.
Những lâu đài dinh thự có giá trị lịch sử, những cơ quan phòng ốc là bộ mặt quốc gia, những công trình văn hóa đặc biệt v.v. thì có thể dùng những thứ gỗ quý giá nhất, hiếm nhất để giới thiệu và tự hào về tài nguyên rừng của đất nước.
Nhưng trụ sở một UBND tỉnh hay quận huyện, các sở, các hội rày đây mai đó thì có nên dùng thiết mộc hay chỉ cần cửa nhôm kính? Ngay cả với cá nhân cũng cần quy định và kiểm soát khi cấp phép xây dựng, không phải cứ có tiền là muốn làm gì thì làm. Làm sai thì phải phạt thật nặng.
Hễ còn kẻ hợm hĩnh nghiện dùng gỗ quý trăm năm thì tất có lâm tặc phá rừng ngàn năm để bán gỗ cho họ. Có cầu thì sẽ có cung. Chúng ta đánh lâm tặc không thôi là chỉ mới chặt cái đuôi con rắn. Còn đầu rắn thì đuôi lại mọc ra. Luật hóa, hoặc quy định việc dùng gỗ để cứu rừng có lẽ còn cấp bách hơn nhiều quy định khác trước khi quá muộn.n
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.