Luật sư chờ câu trả lời "quyết định sinh mạng" của Nguyễn Xuân Sơn

Thứ bảy, ngày 23/09/2017 10:42 AM (GMT+7)
Trước các phần đối đáp của đại diện cơ quan công tố, luật sư của bị cáo bị đề nghị án tử hình - Nguyễn Xuân Sơn - cho rằng chưa thoả mãn, ông chờ 6 câu trả lời cụ thể.
Bình luận 0

Các bị cáo trong đại án Oceanbank được áp giải vào phòng chờ xử TAND Hà Nội dự kiến xét xử đại án Oceanbank trong 20 ngày. Tới phòng chờ xử ngày thứ 19, Nguyễn Xuân Sơn lộ vẻ mệt mỏi.

Sáng 23.9, phiên xử đại án Oceanbank diễn ra phần tranh luận của luật sư với các đối đáp lại của VKS chiều hôm trước.

Luật sư chờ câu trả lời 'quyết định sinh mạng'

8h30, HĐXX mời các luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phạm Danh Tín… lên bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) - người vừa bị VKS đề nghị mức án tử hình cho 3 tội danh.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm bày tỏ không thoả mãn với phần đối đáp của cơ quan công tố. Ông cho rằng các luật sư đã trình bày từng điểm rất rõ ràng nhưng VKS chưa đối đáp cụ thể các vấn đề đó.

Hôm nay, luật sư Tâm lưu ý lại 2 đề nghị quan trọng của các luật sư trong phần bào chữa.

img

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là người duy nhất trong đại án Oceanbank bị đề nghị án tử hình. Ảnh: Việt Hùng

Thứ nhất của luật sư Nguyễn Thị Minh Phương (bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn), đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung số tiền mà Sơn và một số người khác khai nhận chuyển cho Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng PVN), Vietsovpetro và Lọc hóa dầu Bình Sơn…

Thứ hai, ông Tâm nhắc đến lời vị luật sư bảo vệ cho Ninh Văn Quỳnh đề nghị HĐXX tách 2 tội Tham ô và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của các bị cáo bị cáo buộc, để nhập với 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP), mà Bộ Công an vừa thông báo khởi tố hôm 13.9.

"Tôi xin VKS ghi nhận và trả lời cho câu hỏi, VKS chấp nhận hay không chấp nhận 2 ý kiến của luật sư. Nếu không chấp nhận thì vì sao", ông Tâm nói.

Theo luật sư, đây là yếu tố quan trọng quyết định sinh mạng đến tính mạng thân chủ của mình - Nguyễn Xuân Sơn. VKS cần trả lời để đảm bảo giải quyết khách quan, toàn diện, tránh oan sai cho thân chủ của ông cũng như các đồng phạm.

6 câu hỏi chờ VKS hồi âm

Luật sư bào chữa cho bị cáo vừa bị VKS đề nghị án tử hình nói, việc giao nhận tiền giữa Sơn và Ninh Văn Quỳnh là giao dịch trong vụ án hình sự, không phải dân sự. Do đó, việc đánh giá, chứng minh lời khai của Sơn là nghĩa vụ của vị công tố, nếu không trả hồ sơ để nhập vào 3 vụ án Bộ Công an vừa khởi tố.

Luật sư Tâm cho rằng nếu kết án Sơn tham ô thì quá vội vã bởi các cơ quan xét xử coi như bác lời khai của Sơn rằng ông này không nhận tiền. Đồng thời, thừa nhận lời khai của Quỳnh nhận 20 tỷ của Sơn. Kết tội Sơn tham ô thì cũng coi như thừa nhận lời khai những người khác không nhận tiền của Sơn là đúng. “Kết tội Sơn chiếm đoạt sau khi trừ đi 20 tỷ thì thật vội vã”, luật sư nói.

Vị luật sư bào chữa nêu luận cứ rằng, giả xử HĐXX kết án Sơn chiếm đoạt thì việc Bộ Công an khởi tố điều tra 3 vụ án xảy ra ở các công ty con của PVN không có nghĩa lý gì trong việc xác nhận sự thật khách quan vụ án.

Rồi ông nêu câu hỏi: Nếu quá tình điều tra 3 vụ án trên cho thấy lời khai của Sơn là đúng. Giả xử Sơn bị tử hình theo đề nghị xử VKS thì giải quyết hậu quả sai lầm này thế nào...

Câu hỏi thứ 2 vị luật sư đặt ra cho VKS là có sự khác nhau nào giữa hành vi của một số người khác đưa tiền chăm sóc khách hàng cho các đơn vị của PVN không? Ông Tâm nói VKS đã tách hành vi của Sơn ra để quy buộc Sơn chiếm đoạt tiền của PVN và Ocenabank và cho rằng "không thể tách hành vi của Sơn ra để xử lý về hành vi chiếm đoạt".

"Mục đích, phương thức đưa tiền như nhau, có khác chăng là đối tượng đưa và nhận tiền. Vậy căn cứ pháp lý nào để tách hành vi ra, cáo buộc Sơn chiếm đoạt", luật sư hỏi VKS.

Đề cập đến câu hỏi thứ 3, luật sư nói trong phiên tòa Sơn khai không chiếm đoạt tài sản và bản thân Thắm cũng tin tưởng cựu Tổng giám đốc Oceanbank không chiếm đoạt tiền mình đưa. Luật sư Tâm cho rằng lời khai của Thắm có giá trị như chứng cứ chứng minh cho lời khai của Sơn. “Chúng tôi dùng nó làm tài liệu chứng cứ để chứng minh tính xác thực lời khai của Sơn. Vậy VKS chứng minh lời khai của Thắm thế nào?”

Nhắc đến câu hỏi thứ 4, ông Tâm cho rằng thực trạng xã hội về biếu quà Tết là có, nó cho thấy lời khai “biếu quà” của thân chủ mình Sơn là phù hợp và đề nghị VKS cho biết ý kiến quan điểm đó của luật sư có giá trị chứng minh không?

Ông Tâm tiếp tục hỏi câu thứ 5 với đại viện VKS rằng cơ sở pháp lý nào để VKS chứng minh số tiền 20 tỷ Ninh Văn Quỳnh nhận không phải từ 49 tỷ mà Sơn bị cáo buộc tham ô, mà nằm trong số còn lại.

Câu hỏi cuối ông Tâm đặt ra với VKS là số tiền 246 tỷ mà cơ quan giữ quyền công tố quy buộc Sơn chiếm đoạt “là chiếm đoạt của ai, của khách hàng hay Oceanbank, căn cứ nào để xác định việc đó”.

Trước đó, trong phiên xử ngày 22.9, đại diện cơ quan công tố có gần 2 giờ đối đáp với các ý kiến tranh luận của luật sư, người bảo vệ cho các đương sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Kết thúc phần đối đáp của mình, đại diện VKS nói có một số quan điểm thay đổi so với bản luận tội cách đây một tuần. Theo đó, cơ quan này đề nghị áp dụng miễn hình phạt, giảm nhẹ một phần hình phạt, trả lại tài sản đã nộp để khắc phục hậu quả..., cho gần 30 bị cáo trong đại án. Trong số người được VKS đọc tên không có Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank) và Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank).

Nhóm phóng viên (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem