“Bắt mạch” vẫn đắt hàng
Chị Nguyễn Thị Hảo (SN 1985, trú tại xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) tay bồng tay bế 2 đứa con, 1 đứa khác đang ngủ lăn lóc trên nền nhà. Hai con gái chị Hảo một đứa lên 5, một đứa 3 tuổi, cậu con trai cũng mới được 13 tháng tuổi. Chị Hảo cho biết, sinh 2 con đầu là gái nên anh chị cũng muốn sinh thêm mụn con trai. Vì thế, khi bị lỡ mang thai, chị đi bắt mạch ở ông lang Phương gần đó, được ông lang chẩn đoán là con trai nên chị để đẻ.
Cộng tác viên dân số xã Nhân Hòa (Quế Võ, Bắc Ninh) hướng dẫn kỹ năng chăm sóc con cho chị Nguyễn Thị Hảo. Ảnh: Tuấn Kiệt
Bà Dương Thị Hương – cán bộ chuyên trách dân số xã Nhân Hòa cho biết, gia đình chị Hảo là 1 trong 10 gia đình sinh con thứ 3 tại xã trong năm 2014. Cả 10 gia đình trước đó đều sinh con gái 1 bề, 10 trẻ là con thứ 3 thì có đến 8 trẻ là trai. “Cho dù các gia đình sinh con thứ 3 đều giấu không cho biết mình lựa chọn giới tính thai nhi nhưng nhìn giới tính của trẻ cũng có thể dự đoán được việc lựa chọn ấy”. Năm 2014, cả xã có 142 trẻ sinh ra thì có đến 76 trai, 66 gái. Nhưng 6 tháng đầu năm 2015, sự chênh lệch này còn lớn hơn, trong 59 đứa trẻ được sinh ra thì có đến 36 trai, 23 gái. Trong đó có 6 trường hợp sinh con thứ 3 thì cũng có đến 5 bé trai.
Điều khiến bà Hương lo ngại chính là sự tồn tại của những ông lang bắt mạch chẩn đoán giới tính thai nhi hoặc bốc thuốc sinh con trai như ông lang Phương ở xã Đại Xuân (Quế Võ). “Người dân vẫn ngấm ngầm đến đó bắt mạch, bốc thuốc. Không biết đã bao nhiêu gia đình nghe lời thầy mà bỏ thai hoặc cố thêm con thứ 3, thứ 4. Nếu để các ông lang như vậy tồn tại thì công sức của những người làm dân số như chúng tôi đổ sông, đổ bể cả” – bà Hương chia sẻ.
Biết nhưng bất lực
Ông Nguyễn Văn Đăng – Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Quế Võ cho biết, tình trạng này rất đáng báo động và rõ ràng có biểu hiện lựa chọn giới tính thai nhi. Cụ thể nhiều xã có 9-10 trẻ là con thứ 3 nhưng không có trẻ nào là gái.
Ông Đăng cũng bày tỏ sự bất lực trước các ông lang bốc thuốc sinh con trai trên địa bàn. “Ông lang Phương có giấy phép hành nghề y dược tư nhân nên không thể cấm hành nghề. Người dân trong xã cũng cho biết họ không tin nhưng dân ở nơi khác đến khá đông. Chính quyền xã cũng cho biết thường xuyên đến nhắc nhở chứ chưa có bằng chứng về việc bắt mạch chẩn đoán giới tính hay bốc thuốc sinh con trai. Cán bộ dân số chỉ có thể vận động, nhắc nhở chứ không được phép kiểm tra” – ông Đăng cho biết.
Điều khá ngạc nhiên là khi trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Trưởng phòng Dân số (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Ninh) khẳng định các thày lang bắt mạch chẩn đoán giới tính hay bốc thuốc sinh con trai trên địa bàn đã hoàn toàn chấm dứt. Theo bà Hồng, cách đây vài năm, khi báo chí lên tiếng, thanh tra Sở Y tế cũng đã kiểm tra và xử phạt đối với ông lang Phương (xã Đại Xuân) và ông Hợp (xã Mão Điền, huyện Thuận Thành). Từ đó đến nay không thấy địa phương phản ánh gì về vi phạm của họ. Trong khi đó, cán bộ dân số huyện Quế Võ đều biết hoạt động bắt mạch, bốc thuốc sinh con trai của ông lang Phương vẫn còn tiếp diễn. Theo khảo sát của phóng viên, ông lang Phương vẫn đang hoạt động bình thường.
Theo bà Hồng, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh tại Bắc Ninh trong những năm gần đây đã giảm mạnh từ 130/100 (2008) xuống còn 117,3/100 (2014). Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn khá nhiều. Đối với lần sinh thứ 3, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao. Đây là biểu hiện khá rõ nét cho thấy có sự lựa chọn giới tính khi sinh nhưng địa phương không thể làm gì vì không có bằng chứng.
Khó khăn trong việc bắt quả tang
Ông Nguyễn Đình Bách – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra (Tổng cục Dân số -KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, do thanh tra y tế không có chức năng “thu thập bằng chứng” nên nhiều tỉnh vẫn lúng túng, khó khăn trong việc bắt quả tang các vi phạm lựa chọn giới tính khi sinh. Nếu muốn có bằng chứng thì bên dân số phải đề xuất với Sở Y tế; Sở Y tế lại đề xuất với bên công an yêu cầu phối hợp điều tra đóng giả nhân vật, ghi âm, ghi hình... Chính vì sự lòng vòng này nên để có được 1 cuộc kiểm tra đủ ban ngành, tìm được bằng chứng cũng khó khăn. Trong khi nhiều người sau khi xử phạt lại lén lút tái phạm. Một số tỉnh như Hưng Yên, Nam Định cũng có hiện tượng này nhưng sau khi thanh tra, xử phạt, tiếp tục giám sát chặt chẽ thì tình trạng này cũng đã giảm. Theo ông Bách, Sở Y tế có vai trò quan trọng trong việc kiến nghị đề xuất điều tra tìm chứng cứ, đồng thời có thể rút giấy phép hành nghề đối với những ông lang vi phạm chính sách dân số. “Nếu để cán bộ dân số đơn độc thì sẽ không dẹp được nhưng nếu có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có chức năng thì sẽ không khó” – ông Bách khẳng định.
Tuấn Kiệt
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.