Lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á, không phải TQ

Đăng Nguyễn - NI Thứ tư, ngày 19/10/2016 15:10 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh không ngừng nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí, năng lực hải quân Trung Quốc vẫn kém xa quốc gia láng giềng, đặc biệt trong yếu tố chuyên nghiệp.
Bình luận 0

img

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.

Theo National Interest, hải quân Nhật Bản hiện có tổng cộng 114 tàu chiến, 45.800 binh sĩ. Hải quân Nhật sở hữu hạm đội tàu chiến phát triển nhanh cả về quy mô lẫn chất lượng với nhiều tàu khu trục hiện đại, các tàu ngầm tấn công và các tàu đổ bộ có thể chuyên chở xe tăng và lực lượng thủy quân lục chiến.

Về cơ bản, hải quân Nhật được gọi là Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) để “lách luật”, tránh những giới hạn của bản Hiến pháp hòa bình. National Interest cho rằng, đây chính là lực lượng hải quân mạnh nhất ở châu Á.

Đóng vai trò chính trong MSDF là 46 tàu khu trục và tàu hộ vệ, nhiều hơn cả lực lượng hải quân Anh và Pháp cộng lại. Đội tàu Nhật Bản hướng tới mục tiêu bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa xâm lược, giúp giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng và đảm bảo an ninh hàng hải.

Mạnh mẽ nhất trong số các tàu chiến Nhật Bản là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Kongo. Lớp Kongo có 4 tàu khu trục, bao gồm Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai. Đây là tên của các thiết giáp hạm, tàu tuần dương Nhật trong Thế Chiến 2.

img

Tàu khu trục lớp Kongo dựa trên tàu chiến Arleigh Burke của Mỹ.

Tàu khu trục lớp Kongo được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tàu chiến lớp Arleigh Burke của Mỹ, về hình dáng cũng như trang thiết bị vũ khí. “Trái tim” của Kongo chính là Hệ thống Chiến đấu Aegis với khả năng tự động giám sát và phản ứng trước các mối đe dọa từ trên không. Về lý thuyết, hai tàu Kongo là để đủ bảo vệ hầu hết lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Vũ khí trên tàu hiện mới chỉ tập trung cho mục đích phòng thủ gồm: 90 ống phóng thẳng đứng MK41 sử dụng tên lửa đánh chặn SM-2 hoặc SM-3, 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, một pháo 127 mm, hai hệ thống đánh chặn tầm gần Phalanx và 6 ống phóng ngư lôi chống ngầm.

Trong khi đó, pháo đài đóng vai trò chỉ huy các hoạt động trên không là tàu sân bay trực thăng Izumo. Tàu có lượng giãn nước 27.000 tấn và dài gần 250m. Nếu so sánh về năng lực với các tàu sân bay cơ bản trên thế giới hiện nay, Izumo chỉ có nhược điểm là kích thước nhỏ, phù hợp với trực thăng.

Izumo có thể mang theo tối đa 14 trực thăng với nhiều mục đích khác nhau như dò tìm tàu ngầm đối phương, xác định vị trí ngư lôi và tấn công trên biển. Con tàu thứ hai mang tên Kaga hiện đang trong quá trình sản xuất.

img

Nhật Bản mới biên chế tàu sân bay trực thăng đầu tiên sau Thế Chiến 2 vào năm ngoái.

Các tàu ngầm Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong MSDF. Hiện Nhật Bản đang xây dựng hạm đội tàu ngầm với tổng cộng 24 chiếc để đối trọng với sức mạnh hải quân Trung Quốc đang ngày càng cải thiện.

Các tàu ngầm này thiết kế dựa trên lớp Oyashio và mới nhất là lớp Soryu. Với lượng giãn nước 4.100, Soryu là tàu ngầm lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế Chiến 2. Tàu được trang bị động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) mang tên Stirling, giúp Soryu có thể hoạt động dưới đáy biển tối đa hai tuần, đạt tốc độ 13 hải lý/giờ khi nổi và 20 hải lý/giờ khi lặn.

Tàu ngầm Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm với 20 ngư lôi hạng nặng Type 89 hoặc tên lửa chống hạm Harpoon. Tàu có thể mang theo tổng số 30 ngư lôi và tên lửa. Soryu được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước ZPS-6F, hệ thống tác chiến điện tử ZLR-3. Trong trường hợp xung đột nổ ra, tàu ngầm Soryu có thể rải mìn để ngăn đối phương xâm nhập.

img

Tàu đổ bộ Osumi của Nhật Bản thoạt nhìn trông giống như tàu sân bay.

Cuối cùng, Nhật Bản còn có ba tàu đổ bộ xe tăng lớp Osumi. Lớp tàu này có hình dáng giống một tàu sân bay cỡ nhỏ với phần boong tàu dài 130m. Osumi được thiết kế để vận chuyển cấp tốc xe tăng giữa các khu vực đảo lớn ở Nhật Bản, qua đó củng cố năng lực bộ binh trước mối đe dọa xâm lược.

Mỗi chiếc Osumi có thể mang theo tối đa lượng hàng hóa tương đương 1.400 tấn, bao gồm 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90 và 1.000 binh sĩ. Các trang thiết bị hạng nặng đưa lên bờ nhờ tàu đổ bộ đệm khí LCAC do Mỹ thiết kế.

Các tàu lớp Osumi phù hợp với chiến lược mới của Nhật Bản. Đó là xây dựng phản ứng nhanh để có thể tái chiếm các hòn đảo bị đối phương chiếm đóng trong tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, sức mạnh hàng đầu ở châu Á của hải quân Nhật Bản đã chứng minh trong trận động đất lịch sử 9,0 độ richter ngoài khơi bờ biển phía Bắc Nhật Bản ngày 11.3.2011. Chỉ 45 phút sau khi thảm họa xảy ra, tàu chiến Nhật Bản đầu tiên đã nhổ neo.

17 tàu mang theo lượng lớn hàng cứu trợ khởi hành chỉ trong 18 giờ đồng hồ. Khả năng cơ động trong các tình huống khẩn cấp đã chứng minh tính hiệu quả và chuyên nghiệp của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem