Lục mạch thần kiếm hay Độc Cô cửu kiếm lợi hại hơn?
Lục mạch thần kiếm hay Độc Cô cửu kiếm lợi hại hơn?
Thứ ba, ngày 11/04/2023 10:31 AM (GMT+7)
Điểm thu hút trong kiếm hiệp Kim Dung chính là các loại võ công, những bộ kiếm pháp "bá đạo" và đặc sắc. Lục mạch thần kiến và Độc Cô cửu kiếm đều được công nhận là những môn võ mạnh nhất. Vậy đâu là tuyệt kỹ lợi hơn? Hãy để tác giả giúp chúng ta giải đáp câu hỏi này nhé!
Trên thực tế, Lục mạch thần kiếm không phải kiếm pháp mà là môn kiếm khí cực kì uy lực của Đoàn Thị Đại Lý. Nó là tuyệt kỹ sử dụng chân khí chạy qua kinh mạch và các huyệt đạo để biến thành kiếm khí, đả thương đối thủ vô hình vô ảnh. Lục mạch thần kiếm được tu luyện dựa trên cách vận hành khí theo nguyên lý của Nhất Dương chỉ rồi phát triển thành kiếm khí. Sáu mạch của bộ kiếm pháp này bao gồm:
- Thiếu trạch kiếm (ngón út tay trái)
- Thiếu xung kiếm (ngón út tay phải)
- Quan xung kiếm (ngón áp út – ngón đeo nhẫn – tay phải)
- Trung xung kiếm (ngón giữa tay phải)
- Thương dương kiếm (ngón trỏ tay phải)
- Thiếu thương kiếm (ngón cái tay phải)
Trong Thiên long bát bộ, nhân vật Đoàn Dự là người duy nhất có thể sử dụng trọn vẹn cả 6 mạch kiếm khí. Điều kì lạ là Đoàn Dự lại là một chàng trai hào hoa, phong nhã, không thích luyện võ công lại có thể luyện thành thần công trong khi các cao tăng của Thiên Long Tự khổ công tập luyện đều không thành. Bộ thần kiếm này được sánh ngang với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm Tự nên nó thu hút các võ lâm cao thủ chiếm đoạt và tiêu biểu nhất là Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí.
Theo lời Khô Vinh đại sư, Lục mạch thần kiếm là môn công phu bá đạo, nguy hiểm tột cùng, phát ra chỉ để cứu người nên chỉ truyền cho xuất gia đệ tử nhà họ Đoàn, còn tục gia đệ tử phải tự tập luyện. Đoàn Dự khi phát huy kỹ thuật này, kiếm khí bao phủ một vùng rộng khoảng một trượng vuông, ko ai có thể xâm nhập vào vòng kiếm mà chàng tạo ra được.
Độc Cô cửu kiếm – Kiếm pháp vô song
Độc Cô cửu kiếm là kiếm pháp oai lực và thần bí nhất trong võ lâm do Độc Cô Cầu Bại tạo ra. Trong tiểu thuyết Kim Dung, Độc Cô Cầu Bại chỉ xuất hiện qua lời kể của các nhân vật khác như Phong Thanh Dương trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ và trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ khi con Thần Điêu, người bạn trong những năm còn sống của Độc Cô Cầu Bại đã đưa Dương Quá đến mộ ông. Dương Quá nhờ đó học được một phần Độc Cô cửu kiếm.
Trừ Độc Cô Cầu Bại, 2 người luyện thành công Độc Cô cửu kiếm là Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung. Tuy nhiên khi rơi vào Lệnh Hồ Xung, Độc Cô cửu kiếm đã phải cam chịu không ít lần uất ức. Nhất là khi Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh bị thương nặng, môn kiếm pháp độc nhất này đươc gã lãng tử thể hiện uy lực khôn cùng của mình để giết ếch.
Theo lời của Phong Thanh Dương, Độc Cô cửu kiếm có 9 nguyên lý chính: Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức. Người sử Độc Cô Cửu Kiếm có thể từ đó mà chiêm nghiệm ra cách khắc chế toàn bộ võ công trên thế gian. Và bản thân Phong Thanh Dương sau khi ngộ được chân lý cũng đã trở thành một Độc Cô cầu bại khi cuối đời ẩn cư một mình trên đỉnh Ngọc Nữ phong và mong chờ được thất bại dưới tay một đối thủ chân chính.
Lục mạch thần kiếm hay Độc Cô cửu kiếm lợi hại hơn?
Lục mạch thần kiếm được xưng tụng là một trong những môn võ công tuyệt thế nhưng nó cũng khó luyện thành bậc nhất. Sự ảo diệu của nó quá cao sâu, cần phải có nội công cao mới luyện được, ai không đủ nội công thì có thể chia ra sáu người có nội công thâm hậu và phải ngang nhau mà luyện sáu loại kiếm khí. Và đây cũng là điểm bất lợi của Lục mạch thần kiếm.
Còn về phần Độc Cô cửu kiếm, đây là một môn võ ai cũng có thể học. Thậm chí, cả một người không có nội lực cũng có thể nhờ Độc Cô cửu kiếm đả thương một võ lâm cao thủ khác. Uy lực của nó cũng gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công. Cảnh giới cao nhất của thứ kiếm pháp này là không còn chiêu thức, không còn bị gò bó trong bất cứ quy luật, giới hạn nào. Chiêu thức sẽ được sử ra từ tâm người kiếm khách như nước chảy mây trôi. Bởi hiểu được lý lẽ đó, Độc Cô Cầu Bại đã tung hoành cả đời không đối thủ cũng nhờ chính môn kiếm pháp Độc Cô cửu kiếm này.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1994, chính Kim Dung cũng chia sẻ quan điểm về 2 môn võ Lục mạch thần kiếm và Độc Cô cửu kiếm. Theo tác giả, Độc Cô cửu kiếm được xem là đỉnh cao nghệ thuật kiếm pháp. Độc Cô cửu kiếm dựa trên triết lý cao thâm của Đạo gia để sử dụng kiếm thuật một cách linh hoạt theo phương châm "dùng vô chiêu thắng hữu chiêu". Đối với ông, Độc Cô cửu kiếm chưa hề bị đánh bại và không có nhược điểm. Từ những chia sẻ này, có thể thấy rằng Kim Dung đã coi Độc Cô cửu kiếm là môn võ bá đạo nhất thiên hạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.