Lúng túng xử “nạn” vàng mã, tiền lẻ

Thứ bảy, ngày 07/06/2014 06:30 AM (GMT+7)
Mùa lễ hội năm 2014 được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực, bớt dần những biểu hiện tiêu cực. Tuy nhiên việc đốt vàng mã vô tội vạ và rải tiền lẻ khắp nơi vẫn chưa thể hạn chế do các quy định xử phạt chưa đáp ứng với tình hình thực tế.
Bình luận 0
Kêu “oan” với báo chí

Sáng 6.6, Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2014 cũng là đợt cao điểm của mùa lễ hội hàng năm với sự tham gia của đại diện các Sở VHTTDL nhiều tỉnh thành. Báo cáo dự thảo tổng kết cho biết, trong 6 tháng qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức 23 đoàn thanh kiểm tra đi thanh tra tại 47 điểm di tích, lễ hội tại 23 tỉnh, thành phố.

Vàng mã được bày bán đầy trên đường vào đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).
Vàng mã được bày bán đầy trên đường vào đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).

Đánh giá chung của các đoàn thanh tra là so với các năm trước đây, lượng du khách đến lễ hội ngày càng đông hơn nhưng hoạt động lễ hội đã từng bước đi vào nền nếp theo đúng các quy định của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan vãn cảnh của dân. Tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội) vào những ngày cao điểm từ mùng 1 đến mùng 10 Tết Nguyên đán đã đón trên 30 vạn khách, lễ hội Yên Tử trên 8 vạn khách, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đóng 5 triệu khách…

Ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc thường trực Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết: “Cứ đến mùa lễ hội là báo chí phản ánh lễ hội xảy ra cảnh chen lấn xô đẩy nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế, không chen lấn thì không thành hội. Ông bà xưa có câu: “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội” cơ mà. Nếu phê bình các địa phương về tình trạng chen lấn xô đẩy thì tôi thấy cũng khó quá, ví dụ như lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cao điểm chỉ trong vài ngày, hàng triệu người từ khắp nơi trên toàn quốc đổ dồn về gây nên tình trạng quá tải, nhưng hết hội là hết, lại vắng vẻ, lại thanh bình. Thực tế đó chúng ta cũng phải chấp nhận chứ không thể xếp đó là mặt hạn chế của lễ hội”.

Ông Nguyễn Chí Thanh- Trưởng Ban quản lý danh thắng khu di tích danh thắng Hương Sơn (Hà Nội) lại trần tình chuyện thịt thú rừng treo ở chùa Hương gây phản cảm cho du khách: “Năm 2012, báo chí bắt đầu có phản ánh tình trạng này, năm ngoái chúng tôi vận động các hộ kinh doanh đóng tủ để treo vào, không được treo lủng lẳng bên ngoài nữa. Đã có 47 hộ kinh doanh chấp hành đóng tủ kính, có những tủ lớn hàng chục khối, để treo thịt thú vào nhưng hình như treo vào tủ kính vẫn chưa xong, lại có góp ý vẫn phản cảm.

Chúng tôi lại vận động các hộ lấy giấy dán mờ đi cho đỡ phản cảm, chứ không thể dẹp bỏ, và cũng không thể xử phạt họ. Thứ nhất đó không phải thịt thú rừng mà là thú nuôi, họ xuất trình giấy tờ cho phép nuôi nên không thể phạt, thứ hai là nhu cầu của người đi hội là có, làm sao cấm đoán được. Chừng nào mà người đi trảy hội chùa Hương tự giác không ăn thịt động vật nữa thì mới chấm dứt được tình trạng này”.

Bó tay với tiền lẻ, vàng mã

Hai vấn đề nhức nhối của lễ hội hiện vẫn đang khiến các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cảm thấy lúng túng là nạn tiền lẻ và vàng mã. Ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh thanh tra Bộ cho biết: “Việc đốt đồ mã ở di tích, lễ hội vẫn còn nhiều, vẫn còn tình trạng hầu đồng, bày đồ mã cả dàn, vô cùng lớn. Với con mắt chúng tôi nhìn nhận những lễ này không phải của dân vì người dân không có tiền làm, chắc chắn chỉ của các quan chức thôi, vậy thì đề nghị báo chí cũng cần vào cuộc làm rõ xem lễ đó của ai, của những vị nào cho dư luận tường tận.

Nếu các nhà nghiên cứu văn hóa thấy đồ mã có yếu tố tâm linh thì nên điều chỉnh quy định, còn Nghị định 103 cấm đốt đồ mã nhưng lại không cấm sản xuất, không cấm vận chuyển thì làm sao cấm triệt để được. Chưa hết, Nghị định 158 mới đây lại có những quy định chỉ xử phạt khi đốt không đúng nơi quy định, nhưng nơi nào là không đúng quy định lại không rõ”.

"Chính phủ đã chỉ đạo từ nay tới cuối năm, tất cả các lễ hội, các hoạt động giải trí như thi người đẹp, hoa khôi đều phải cắt giảm hoặc điều chỉnh quy mô để giảm bớt tốn kém bởi cả nước đang dồn ý chí và sức lực cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ VHTTDL

Ông Phúc cũng cho biết tình trạng tiếp nhận công đức bằng hiện vật ở các di tích quá nhiều, không phù hợp với di tích, không có hồ sơ, làm ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan. Có nơi tiếp nhận di tích còn đẽo bia, khoét tường di tích để làm bảng công đức, làm cho di tích loang lổ, thậm chí dưới bia còn có bát hương, nhìn rất phản cảm và phi văn hóa.

TS Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Chúng ta cần tiếp cận với chuyện đốt vàng mã như là hiện tượng văn hóa, xã hội, một hình thức thực hành nghi lễ của người dân, có hiện tượng, có sai lệch thì cần phải điều chỉnh hành vi. Giải pháp tốt nhất là phải bắt đầu từ việc trao đổi với các cơ sở thờ tự, sự vào cuộc của sư trụ trì, chủ cơ sở thờ tự là quan trọng vì họ là những người hiểu biết, có khả năng hướng dẫn mọi người thực hành đúng nghi lễ”.

Đại diện nhiều Sở VHTTDL cũng lên tiếng yêu cầu sớm có chế tài để xử phạt các dịch vụ đổi tiền lẻ ở khu di tích, lễ hội bởi như hiện nay mới chỉ là tuyên truyền, vận động người làm dịch vụ này thì chưa thể chấm dứt.

Mai An (Mai An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem