Lũng Xá - Khi cán bộ là họ hàng của những ông trùm ma túy

Thứ sáu, ngày 17/01/2014 06:19 AM (GMT+7)
Một người đốt nương, bà chủ quán, thậm chí đứa trẻ biết nói… đã ở trong cái bản ấy thì cũng có thể là “vệ tinh”. Ngay cán bộ bản cũng có thể là bố, là anh, là chú của những ông trùm hoặc hơn thế.
Bình luận 0
Điều đó lý giải tại sao các ông trùm vẫn ngang nhiên, công khai hoạt động.

“Đừng tin ai”

Thấy tôi cứ dứt khoát "phải vào Lũng Xá, một bản nóng thuộc xã Lóng Luông (Mộc Châu, Sơn La) một lần", bạn tôi không cản nữa nhưng đã nhờ thêm 2 người bạn khác đi cùng để "thêm bạn, thêm xe phòng khi bất trắc".

Sau khi nhắc lại những yêu cầu: Không máy ảnh, không quay phim, không nhìn vào những điểm "nóng" - nhà của những ông trùm như Giàng A Tàng, Sồng A Phá, Sồng A Lâu, Nguyễn Hùng Dũng... ông bạn cẩn thận đưa tôi chiếc điện thoại Nokia giá rẻ và bảo: "Thay máy đi. Máy này không có chức năng ghi âm, chụp ảnh. Nếu bọn nó có nghi ngờ gì, kiểm tra thì cũng sẽ cho qua". Một mặt làm theo lời bạn nhưng trong đầu đang âm thầm nghĩ chỗ giấu chiếc máy ảnh mini như lần đột kích nhà ở của Sa Văn Cầu mấy hôm trước.

Kiểm tra,  bắt giữ xe  vận chuyển ma túy từ  Lóng  Luông (Sơn La).
Kiểm tra, bắt giữ xe vận chuyển ma túy từ Lóng Luông (Sơn La).

Anh bạn mới đến cao hơn tôi hẳn một cái đầu, dáng dấp dữ dằn nhận làm tài xế cho tôi, bảo: Đường đất Lũng Xá tôi không lạ gì nhưng đây là khu vực gắn liền 2 bản “khủng nhất” về tội phạm ma tuý của miền Bắc (Lũng Xá, Tà Dê), lại gần như biệt lập với bên ngoài nên phải rất cẩn thận, nếu không khó nói trước được điều gì.

Những trùm ma tuý đất này không chỉ liều lĩnh mà còn có "tai mắt" ở khắp nơi và sẵn sàng xử không run tay những ai dám dòm ngó vào chuyện làm ăn của chúng. Một người đốt nương, một bà chủ quán, thậm chí một đứa trẻ biết nói, đã ở trong cái bản ấy thì cũng có thể là “vệ tinh”. Ngay cán bộ bản cũng có thể là bố, là anh, là chú của những ông trùm hoặc hơn thế... Vì vậy, đến đấy đừng tin ai ngoài anh em ta.

Đang bon bon trên Quốc lộ 6, bất chợt xóc nảy người khi xe rẽ vào con đường đất dẫn vào bản Co Tang. Con đường tuy gồ ghề sỏi đá nhưng khá rộng, đủ để 2 ô tô tránh nhau mà không cần giảm tốc độ. Sương mù bảng lảng từng đám, thỉnh thoảng lại ùa đến vây lấy chúng tôi làm lạnh đến gai người. Hai bên đường, thỉnh thoảng có những người làm nương chống cuốc nhìn theo khách lạ, một vài tiếng hú vang lên rồi tan biến sau những lớp cây rừng.

Mới qua ngã ba Lũng Xá - Tà Dê một đoạn, anh bạn mới quen quay lại bảo tôi: "Phía dưới con dốc kia là bản Tà Dê. Đến cái cây to kia, tôi sẽ dừng lại cho ông lên lấy hoa lan trên chỗ chạc 3 ấy". Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh ta cười: Tôi lạ gì mấy ông nhà báo, đã vào đây mà không mang theo máy ảnh mới lạ. Lên ngọn cây ấy là chụp được ảnh bản Lũng Xá. Còn khi đã vào bản thì cấm tiệt, không là chết cả nút. Vào bản, khi nào tôi bấm đùi ông một cái là nhà thằng Tàng, tiếp đến nhà thằng Lâu, Dũng ộp... Ta chỉ lượn một vòng là rút ngay. Thắng Lâu bị truy nã từ năm 2005 nhưng đến giờ vẫn luẩn quẩn trong cái bản này...

Tôi trèo lên ngọn cây đầu con dốc Lũng Xá mà chân cứ run run. Xa quá, sương mù quá mà máy ảnh lại nhỏ. Đang phân vân thì mấy ông bạn dưới gốc cây hét lớn: Lấy cho tao nhánh hoa bên phải. Tao nhánh bên trái. Tao nhánh to nhất có hoa ấy. Tôi bấm đại một kiểu ảnh rồi đưa tay vơ lấy mấy nhánh phong lan, bất chợt nhìn xuống đã thấy dưới đất có tới 5-6 người.

Ném mấy chùm lan xuống, tôi nhủ thầm: Nếu nó nghi ngờ, chắc mình đã thành con chim rồi. Tôi cố trấn tĩnh lại, nhưng trống ngực vẫn đập loạn xạ. Những người khách mới đến không chào hỏi gì. Họ nhìn sát mặt tôi rồi bỏ đi, trong khi tôi cứ tảng lờ, cười nói huyên thuyên với các bạn về mấy nhánh lan.

Đang dịp Tết Mông, bản Lũng Xá có rất nhiều người qua lại. Vào gần giữa bản, anh tài xế buông tay trái bấm đùi tôi một cái. Tôi liếc thấy cái cổng sắt sơn xanh với cột trụ ốp gạch men to đùng, lợp mái ngay phía trước, bên trái đường. Nhưng vừa đưa tay lên nắp túi ngực thì anh lái xe đánh đầu xe quay vòng lại, vít ga phóng như ngựa vía. Tôi ngoái lại, thấy 2 ông bạn cũng đang ngay sau lưng. Cứ vậy, cả mấy chục cây số trên đường trở về, không ai nói với ai câu nào.

Vừa về đến sân, tài xế phanh dúi dụi rồi gạt chân chống cái cạch. Sau khi liếc xéo tôi một cái rất nhanh, anh ta mắng như hắt nước: Ông coi thường chúng tôi quá đấy. Bản đông người như thế. Nhà chúng nó có mắt (camera) cả đấy, thế mà ông còn cố chụp choẹt. Không có lần thứ 2 nữa đâu nhé!

Con đường xuyên biên giới


Đến Đồn Biên phòng Tân Xuân trên đất Mộc Châu, tìm hiểu về "con đường tơ lụa" của những trùm ma tuý xuyên Việt, mới hiểu: Từ bên nước bạn Lào, những kẻ buôn bán, vận chuyển ma tuý với khối lượng lớn vượt qua dãy núi Pha Luông cao ngất, lần đường mòn về Chiềng Sơn, sang Xuân Nha, Tân Xuân rồi từ đó toả đi các hướng: Ra Quốc lộ 6 trên ngã ba Pa Háng, lần về Thanh Hoá theo đường tắt giáp biên, ngược lên Sơn La; vọt sang Yên Bái, Vĩnh Phúc theo đường ra sông Đà...

Nhưng điểm tập trung nhiều nhất các chuyến hàng là xã Loóng Luông, rồi đi Hà Nội. Đội hình này luôn đi theo hàng dọc, chia thành 3 tốp: Tốp dẫn đầu trinh sát, tốp đi giữa vận chuyển, tốp cuối khoá đuôi. Bất cứ kẻ nào trong đội hình ấy cũng mang theo vũ khí nóng là súng quân dụng, súng tự chế, lựu đạn. Chỉ một nghi vấn nhỏ, một mối bất an trên đường đi là chúng sẵn sàng manh động.

Vừa về đến sân, tài xế phanh dúi dụi rồi gạt chân chống cái cạch. Sau khi liếc xéo tôi một cái rất nhanh, anh ta mắng như hắt nước: Ông coi thường chúng tôi quá đấy. Bản đông người như thế. Nhà chúng nó có mắt (camera) cả đấy, thế mà ông còn cố chụp choẹt. Không có lần thứ 2 nữa đâu nhé!

Còn bên phía Loóng Luông - Vân Hồ, có tới 85% dân số là người Mông - trong đó có nhiều người không biết chữ, thậm chí không biết tiếng phổ thông nhưng lại rất rành rẽ về đường rừng biên giới, đặc biệt lại có sức khoẻ để đi đường rừng rất tốt.

Những bản Mông ở đây thường sống quần tụ theo dòng họ, anh em, lại được những kẻ buôn bán ma tuý hỗ trợ tiền bạc, bởi vậy họ bảo vệ nhau rất chặt chẽ. Chính Nguyễn Hùng Dũng (Dũng ộp) - một tay anh chị người Kinh nhưng khi bước chân vào con đường ma tuý cũng đã phải dạt về bản Lũng Xá để nương náu và sau đó chấp nhận làm đệ tử cho Sồng A Lâu.

Một cán bộ đồn biên phòng chia sẻ: Bên Lào, công tác phòng chống ma túy không chặt chẽ như phía Việt Nam, lực lượng lại mỏng hơn nên việc ngăn chặn buôn bán, vận chuyển ma tuý cũng khó khăn hơn. Bà con người dân tộc ở Mộc Châu nhiều người có họ hàng thân thích ở Lào và thêm một số trùm ma tuý Mộc Châu đang lẩn trốn bên ấy như Sa Văn Cầu nên việc cung cấp ma tuý với số lượng lớn, thường xuyên cũng không là điều khó.

Do vậy giá ma tuý ở vùng biên khá rẻ, một viên hồng phiến chỉ 4-5 ngàn đồng, một bánh heroin chênh lệch tới hàng chục triệu đồng so với ở Hà Nội và chênh tới cả trăm triệu đồng so với ở cửa khẩu Việt-Trung trên đất Lạng Sơn. Vì thế, không ít kẻ liều mình với mong muốn "đổi đời" nhanh nhất.

Xã Lóng Luông nằm cạnh Quốc lộ 6A, địa đầu của huyện Mộc Châu (Sơn La). Theo lãnh đạo địa phương này, Lóng Luông hiện có 990 hộ với trên 5.000 nhân khẩu thì đã có 107 người đang thi hành án về tội danh liên quan đến ma túy, 18 đối tượng bị truy nã đặc biệt và hàng chục bị can trong các vụ án đang được công an các tỉnh điều tra làm rõ hành vi phạm tội. Toàn xã có 11 bản nhưng tội phạm ma túy tập trung vào 4 bản chính là Lũng Xá, Tà Dê, Co Tang và Lóng Luông.


Đinh Sơn Hà (Đinh Sơn Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem