Lượng bức xạ con người tiếp xúc khi đi máy bay

Thứ năm, ngày 29/06/2017 14:30 PM (GMT+7)
Lượng bức xạ người đi máy bay tiếp xúc chủ yếu có nguồn gốc từ tia vũ trụ, hầu như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe hành khách.
Bình luận 0

img

Tác động của bức xạ khi đi máy bay hầu như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách. Ảnh: IFL Science.

Tháng 4.2017, Tom Stuker trở thành hành khách đi máy bay thường xuyên nhất thế giới, với tổng hành trình 29 triệu km trong 14 năm cùng hãng hàng không United Airlines, Mỹ, IFL Science hôm 21.6 đưa tin. Với hành trình này, ông đã tích lũy lượng bức xạ tương đương 1.000 lần chụp X-quang vùng ngực.

Nhiều người nghĩ rằng lượng bức xạ mà hành khách phải hứng chịu khi đi máy bay chủ yếu đến từ trạm kiểm soát an ninh sân bay với máy quét toàn bộ cơ thể và máy quét X-quang hành lý. Nhưng lượng bức xạ này khá nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trên thực tế, nguồn bức xạ mà hành khách tiếp xúc chủ yếu đến từ tia vũ trụ. Điều này là do ở trên cao không khí mỏng hơn, có ít phân tử không khí để làm lệch hướng các tia vũ trụ chiếu tới. Do đó, người đi máy bay tiếp xúc với nhiều bức xạ hơn so với khi đứng dưới mặt đất.

Môi trường bức xạ nguy hiểm nhất xảy ra đối với các nhà du hành vũ trụ, những người hoàn toàn di chuyển bên ngoài khí quyển Trái Đất, không được che chắn bảo vệ. Do đó, họ phải hứng chịu một lượng bức xạ rất lớn. Trên thực tế, sự tích tụ lượng bức xạ là yếu tố hạn chế thời gian phi hành gia hoạt động trong vũ trụ. Khi ở quá lâu trong không gian, phi hành gia có nguy cơ bị đục thủy tinh thể, ung thư và mắc các bệnh về tim mạch.

Trong trường hợp của Stuker, lượng bức xạ mà ông tích lũy phụ thuộc hoàn toàn vào khoảng thời gian ông bay trên không. Giả sử tốc độ bay trung bình của mỗi chuyến bay là 885 km/h, tổng thời gian di chuyển bằng máy bay của Stuker trong 14 năm qua là 32.768 giờ.

Tỷ lệ phơi nhiễm bức xạ khi ở độ cao trung bình 10.000 mét của máy bay thương mại là khoảng 0,003 mSv/giờ. Với tỷ lệ này, lượng bức xạ Stuker tiếp nhận trong 14 năm qua là khoảng 100 mSv.

Nguy cơ mắc ung thư với người tăng lên 0,005% cho mỗi mSv bức xạ phơi nhiễm. Do đó, lượng bức xạ 100 mSv mà Stuker tiếp xúc làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cho ông khoảng 0,5%.

Mức rủi ro trên khá thấp và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe của Stuker. Theo ước tính, nguy cơ gia tăng ung thư đối với đa số hành khách đi máy bay trên thế giới trong suốt cuộc đời nhỏ hơn 0,01%

Lê Hùng (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem