Lương giảng viên đại học thay đổi từ 100 lên 300 triệu đồng/năm?
Lương giảng viên đại học thay đổi từ 100 lên 300 triệu đồng/năm?
Thứ sáu, ngày 05/08/2022 08:58 AM (GMT+7)
Sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018 - 2021), lương giảng viên đại học có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị tự chủ đại học ngày 4/8, cho thấy, từ 2018 đến 2021 tổng thu của các cơ sở GDĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài NSNN cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh, cụ thể:
Tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.
23 cơ sở giáo dục đại học thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ như sau:
Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021.
Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021).
Được biết, trong thời gian gần đây, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở GDĐH ngày một tăng thêm (tăng từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021).
Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm (tỷ lệ giáo sư tăng thêm 0,5%/năm; phó giáo sư tăng thêm 5-6%/năm).
Tỷ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm mạnh (giảm trên 50% từ 2016 đến 2021), điều này cho thấy các trường đã ý thức được việc nâng cao chất lượng giảng viên và thực hiện chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Mức thu học phí và các khoản thu khác của các trường thí điểm tự chủ được thực hiện theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mức học phí và khoản thu dịch vụ khác phải thực hiện công khai về lộ trình trình tăng học phí, học phí của cả khóa học, từng năm học đối với người học kèm theo các điều kiện bảo đảm chất lượng và cam kết chuẩn đầu ra trước khi thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường.
Theo số liệu báo cáo của các trường từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cho phép thí điểm tự chủ đến năm 2017, nhìn chung các trường đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học, miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích lập quỹ học bổng khuyến khích theo quy định và đều có chênh lệch thu lớn hơn chi...
Thu nhập của giảng viên, người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước (lương, thu nhập tăng thêm và phúc lợi trung bình tăng 20,33% so với trước tự chủ; một số cơ sở GDĐH thu nhập tăng thêm đáng kể so với lương cơ bản như Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội tăng thêm 70%; Trường ĐH Hà Nội tăng thêm 100%; Trường ĐH Tôn Đức Thắng tăng thêm khoảng 15%; Trường ĐH Kinh tế quốc dân tăng thêm 60%; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tăng thêm 75% và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tăng thêm 49% mức lương cơ bản.
Thông tin trên gây khá bất ngờ với nhiều người. Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo trường đại học cho biết, mức lương như Bộ GD-ĐT thống kê mức lương tăng 20,8%, một số trường có mức lương cao như vậy điều đó làm cho mọi người tưởng rằng giáo dục là nghề kinh doanh "béo bở". Ở các trường khối nông lâm, khối sư phạm, các đại học vùng ở các vùng… đang rất khó khăn, không được như vậy vì họ vướng nhiều cơ chế. Với các trường khu vực này, tất cả nguồn thu không quá 100 triệu đồng/năm.
Được biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì nguồn ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục.
Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 29, ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho lĩnh vực GDĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách. Chi NSNN cho lĩnh vực GDĐT gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Trên cơ sở tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ chi NSNN cho tuy giáo dục đã đạt và vượt mức tối thiểu 20% tổng chi NSNN, tuy nhiên số liệu về chi NSNN cho GDĐH còn hạn chế chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GDĐT, nếu so với tổng chi NSNN chỉ chiếm xấp xỉ khoảng 1% (từ 0,9% đến 0,96%).
So sánh tỉ trọng chi NSNN cho GDĐH của Việt Nam/GDP giai đoạn 2018-2020 cho thấy tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH của Việt Nam tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP, tương ứng từ 13.634 tỷ đồng lên 16.703 tỷ đồng) là vô cùng khiêm tốn, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.