Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách: Hàng loạt câu hỏi được đặt ra

Tào Nga Thứ bảy, ngày 17/02/2024 06:08 AM (GMT+7)
Sau cải cách tiền lương, lương giáo viên năm 2024 theo dự kiến sẽ được điều chỉnh đáng kể. Đây cũng là chủ đề đang được giáo viên quan tâm, mong ngóng.
Bình luận 0

Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách tăng bao nhiêu?

Trước thông tin cải cách tiền lương áp dụng từ ngày 1/7 sắp tới đây, nhiều giáo viên đã đặt ra loạt các câu hỏi xoay quanh chủ đề này và mong ngóng tiền lương của giáo viên năm 2024 sẽ được tăng so với mức lương hiện tại. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một giáo viên THCS thắc mắc: "Cho tôi hỏi bảng lương giáo viên THCS trường công lập sau cải cách tiền lương có cao hơn bảng lương áp dụng trước đó không?".

Hay một giáo viên khác nêu vấn đề: "Tôi băn khoăn không biết sắp tới tiền lương sẽ thế nào. Hiện tại tôi đang hưởng lương hạng 2 cũ 3.33. Nếu theo bảng lương mới thì sẽ tính thế nào? Bên cạnh đó, nếu tính lương theo vị trí việc làm thì giáo viên thâm niên có bị ít đi không".

Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách: Hàng loạt câu hỏi được đặt ra- Ảnh 1.

Giáo viên mong ngóng lương được cải thiện sau cải cách. Ảnh minh họa: Tào Nga

"Nhìn bảng lương chỉ riêng cấp học Mầm non có sự khác biệt quá xa vời so với các cấp khác mà thấy tủi. Chúng tôi cũng phải học cũng đầy đủ bằng cấp, thời gian làm thì nhiều. Thời nay, trẻ em tự kỷ tăng động càng gia tăng, giáo viên phải tự trau dồi kiến thức để cho các con được hoà nhập thế nhưng lương giáo viên lại rất thấp. Chưa hết, giáo viên còn chịu áp lực khi chưa được phụ huynh tôn trọng bằng các cấp khác chỉ bởi Mầm non không phải đánh giá học sinh. Sau giờ dạy, giáo viên phải tất tả ngược xuôi kiếm thêm việc làm", một giáo viên bày tỏ.

Cô Nguyễn Vân Anh, giáo viên Trường THCS Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội bày tỏ: "Tôi rất vui khi nghe tin về cải cách tiền lương sắp tới. Khi lương giáo viên tăng thêm đồng nghĩa với việc đời sống của chúng tôi được cải thiện và tập trung hơn trong công tác chuyên môn. Đồng thời, cải cách tiền lương cũng thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đến với các nhà giáo.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên sẽ bị bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Đây là điều khiến một bộ phận nhà giáo băn khoăn là khi thực hiện chính sách tiền lương vì sẽ ảnh hưởng không ít đến đội ngũ nhà giáo, nhất là những thầy cô có thâm niên trong nghề cao. Giáo viên sống chủ yếu bằng lương (bao gồm lương và phụ cấp). Vì thế, khi mất đi tiền phụ cấp thâm niên, giáo viên và cả gia đình gặp không ít khó khăn".

 Lương giáo viên sẽ tăng cao hơn mặt bằng chung 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay: "Bộ GDĐT đã đề xuất và được đưa vào lộ trình cải cách chính sách tiền lương, theo đó ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ cùng với Bộ GDĐT rà soát quy định tiền lương, ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất".

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Nhất là qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa. 

Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GDĐT và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Mặc dù trong 3 năm qua, chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW) đến ngày 1/7 tới đây thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%. Con số này tuy không phải là vượt bậc, nhưng cũng là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.

Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cũng như Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trong triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương khóa XII; nhất là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn sau tác động của đại dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết 27, khi cải cách tiền lương thì ngoài tiền lương, giáo viên có thể hưởng các phụ cấp như: phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp đặc thù, phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật, phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem