Ông Lợi cho biết, bản chất của tiền lương cơ sở mới, dù đã được nâng lên thêm 7% nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần mức sống tối thiểu, cho nên nó mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải là cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện. Việc hỗ trợ điều chỉnh tiền lương cơ sở chỉ nhằm bù đắp nhu cầu sống tối thiểu nhằm đảm bảo cuộc sống cho cán bộ công nhân viên chức.
Trước đó, theo ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thực chất lâu nay chúng ta không tăng lương mà mới chỉ nâng lương cơ bản. Lần nâng lương cơ bản tới đây chỉ là một cách để trả lại tiền lương mất đi do lạm phát, nhằm kéo tiền lương thực tế và lương trên danh nghĩa lại gần nhau chứ không phải là tăng lương, càng không phải là cải cách tiền lương.
Bộ Nội vụ cũng từng có ý kiến rằng mức lương cơ sở cũ (1.210.000 đồng) mới chỉ bằng 41,4% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2016 là 2.925.000 đồng/tháng đối với khu vực doanh nghiệp và đạt 36,6% bình quân mức sống tối thiểu 3.308.000 đồng/tháng. Giờ nếu tăng thêm 90.000 đồng thì cũng mới đạt hơn 40% mức sống tối thiểu.
Như vậy, so với thu nhập tối thiểu của khu vực doanh nghiệp, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn thấp hơn rất nhiều.
Theo tính toán, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm khoảng 8.500 tỷ đồng để thực hiện chính sách này (Ảnh: IT)
Đồng tình với ý kiến của ông Tuấn, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng giải pháp tăng lương 7% chỉ là tạm thời, chưa phải bản chất của cải cách chính sách tiền lương. Cần cải cách tiền lương để tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng phủ nhận ý kiến cho rằng việc tăng tiền lương cơ sở thêm 90.000 đồng chỉ là một cách để bù trượt giá. Ông Lợi khẳng định: “Phần tăng lương này không phải là để bù trượt giá, bởi thực tế, phần tăng lương này cao hơn mức trượt giá. Còn nếu nói đây là cải cách tiền lương thì cũng chưa phải, bởi đây chỉ là một trong những bước để điều chỉnh mức lương cơ sở, có nghĩa cũng là một bước để điều chỉnh chính sách cải cách tiền lương trong tương lai theo hướng tính đúng tính đủ”.
Trước đó, ngày 24.4 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 47/2017/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương cơ sở được tăng lên so với trước là 90.000 đồng, tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng (tăng 7%). Mức lương cơ sở được điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Về kinh phí thực hiện, nghị định quy định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được giao và sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng hết năm 2016 chuyển sang (nếu có). Đồng thời, các địa phương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên, sử dụng một phần nguồn thu được để tăng lương. Bên cạnh đó, sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, hoặc nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 chưa sử dụng hết chuyển sang.
Đối với một số địa phương ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện quy định nêu trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 thì ngân sách trung ương bổ sung số thiếu để địa phương thực hiện.
Theo Nghị định 47/2017 của Chính phủ, sẽ có hơn 2,8 triệu công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tăng lương cơ sở. Theo tính toán, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm khoảng 8.500 tỷ đồng để thực hiện chính sách này.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.