Theo tờ trình của UBND TP.HCM tại kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa VIII khai mạc sáng 10.7, học phí đã được đề nghị tăng gấp 3 đến 5 lần so với mức thu hiện nay.
Đề xuất điều chỉnh mức học phí mới này nếu được thông qua sẽ áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trực thuộc UBND thành phố kể từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2014 - 2015.
Giải thích cho việc này, UBND thành phố cho biết khung học phí hiện tại đã được ban hành từ năm 1998 bộc lộ nhiều yếu kém, không còn thích hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố nữa. TP.HCM là địa phương có những thay đổi lớn về mặt bằng giá cả hàng năm.
Từ năm 1998 đến nay, đã có 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu, từ 290.000 đồng lên 1.050.000 đồng/người/tháng, nên tỷ trọng chi tiền lương giáo viên và cán bộ quản lý trong chi phí của giáo dục đã tăng lên tương ứng. Học phí quá thấp so với giá trị thật của xã hội nên kinh phí phục vụ cho hoạt động hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý còn hạn chế để có thể đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng dạy và học.
Cũng do mức học phí thấp, mà không ít nhà trường, đặc biệt là các trường phổ thông công lập, thực hiện những khoản thu khác, tạo ra tình hình phức tạp, thiếu minh bạch trong cơ cấu tài chính nhà trường. Học phí bất hợp lý như hiện nay chưa tạo được động lực cần thiết để các trường chất lượng cao phấn đấu nâng cao tính cạnh tranh trong việc đào tạo nhân lực so với các trường quốc tế.
Hiện ngân sách chi thường xuyên hàng năm của thành phố cho giáo dục và đào tạo lên đến hơn 26%.
Do đó, UBDN TP đề nghị các mức học phí mới với cấp nhà trẻ, mẫu giáo và THPT tăng 3 lần. Cụ thể, năm học 2013 - 2014, mỗi tháng mức học phí mới dự kiến cho nhà trẻ các quận nội thành là 150.000 đồng, các huyện ngoại thành là 90.000 đồng. Cấp mẫu giáo có mức thu tương ứng 120.000 đồng và 60.000 đồng, THPT là 90.000 đồng và 75.000 đồng, bổ túc THPT là 135.000 đồng và 112.000 đồng.
Riêng cấp THCS tăng đến 5 lần, nội thành thu 75.000 đồng và ngoại thành thu 60.000 đồng (mức hiện tại tương ứng là 15.000 đồng và 10.000 đồng/tháng). Bậc bổ túc THCS là 112.000 đồng và 90.000 đồng. Chỉ bậc tiểu học vẫn giữ nguyên quy định cũ không thu học phí.
Mức học phí được UBND TP.HCM đề nghị
Ngoài ra, phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, kỳ họp này HĐND sẽ lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn. Theo bà Tâm, thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm này sẽ góp phần xây dựng bộ máy chính quyền thành phố trong sạch và vững mạnh.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm công khai, công bằng và đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bà Tâm đề nghị mỗi đại biểu HĐND phải nêu cao tinh thần công tâm, khách quan và trận trọng.
Các nội dung khác cũng đã được thảo luận trong phiên khai mạc gồm báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND TP.HCM; tình hình thực hiện Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố; báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7 đến nay; báo cáo Tờ trình về Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố trong điều kiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận huyện, phường.
Đến dự phiên khai mạc còn có sự hiện diện và phát biểu chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chiều 11.7, các đại biểu sẽ tiến hành ghi phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm 16 chức danh: Chủ tịch, Phó chủ tịch, Thường trực HĐND, các trưởng ban HĐND; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND thành phố, Chánh văn phòng UBND thành phố; một số giám đốc sở là ủy viên UBND thành phố.
Kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa VIII sẽ bế mạc vào sáng 13.7.
Quốc Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.