Báo NTNN số ra ngày 22.11 có bài “Lương thấp, phụ cấp... lạm phát” phản ánh tình trạng hiện nay ở nhiều đơn vị lương thấp nhưng các khoản phụ cấp theo lương lại nhiều và cao hơn lương dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thất thu quỹ BHXH
Chị Nguyễn Thị Lan, làm tại một cơ quan truyền thông cấp bộ tại Hà Nội cho biết, vì mới ra trường nên hệ số tính lương của chị là 2,34, cộng thêm khoảng 5-7 loại phụ cấp nữa như: Phụ cấp hệ số nhân viên, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp đi lại… được khoảng gần 10 triệu đồng. “Mình không biết mức lương cụ thể của mình là bao nhiêu, cơ quan đóng BHXH cho mình thế nào, chỉ biết mỗi tháng tổng thu của mình khoảng gần chục triệu. Khi mình nghỉ đẻ, BHXH thanh toán chế độ thai sản mới vỡ nhẽ, cơ quan chỉ đóng BHXH cho mình dựa trên mức lương cơ bản” - chị Lan nói.
Lương thấp, nhiều lao động lo ngại tiền lương hưu sau này sẽ thấp theo (Ảnh minh họa chụp tại BHXH tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: T.A
Việc đóng BHXH trên một nền tiền lương thấp, cộng với những khoản phụ cấp không rõ ràng sẽ tác động rất lớn tới tiền lương hưu hàng tháng khi lao động nghỉ hưu. Bên cạch đó, lương thấp, một phần tiền lương chuyển sang phụ cấp, tiền thưởng còn khiến cho ngân sách Nhà nước bị thất thu do không thu được khoản thuế thu nhập cá nhân của người lao động”.
Ông Lê Đình Quảng -
Phó Ban Quan hệ lao động
(Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam)
|
Không chỉ công chức, viên chức làm việc trong khu vực nhà nước, công nhân lao động làm việc trong khối doanh nghiệp (DN) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chị Tạ Thị Lan (công nhân Công ty giày Hongfu, Thanh Hóa) cho biết, lương tháng của chị là 3,1 triệu đồng, cộng với khoản tăng ca, phụ cấp độc hại, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp đi lại… tính ra được khoảng 4,9-5,2 triệu đồng/tháng. “Mặc dù vậy, công ty cũng chỉ đóng BHXH cho mình dựa trên mức lương cơ bản là 3,5 triệu đồng/tháng” - chị Lan nói.
Chia sẻ với những băn khoăn của công chức, viên chức và người lao động, ông Đặng Như Lợi -nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết đây là bất cập của chính sách tiền lương. “Người lao động đi làm chỉ trông chờ vào tiền lương, nhưng trong bối cảnh này thì đúng là lương chính thành phụ, khoản phụ (tức phụ cấp) lại thành chính. Không chỉ lương công chức, viên chức mà lương của người lao động ở các DN cũng đang tồn tại bất cập này” - ông Lợi phân tích.
Chính vì vậy, theo ông Lợi, muốn tiền lương về đúng giá trị thực, đáp ứng được nhu cầu sống của người lao động và đảm bảo cho đối tượng hưởng lương hưu, không còn cách nào là phải thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, tăng lương, cắt giảm các khoản phụ cấp không cần thiết.
Lương hưu sẽ thấp
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết: Tiền lương thấp khiến tỷ lệ đóng BHXH cũng thấp, bởi lâu nay mức đóng BHXH thường dựa trên lương cơ bản. Tuy nhiên, theo ông Cường, từ 1.1.2016 Luật BHXH sửa đổi đã quy định tiền đóng BHXH phải dựa trên tiền lương và khoản phụ cấp chính. Tức là DN sẽ phải đóng BHXH cả các khoản phụ cấp chính, tức là những khoản phụ cấp tác động trực tiếp tới giá thành của các sản phẩm, như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ… “Hiện nay tiền đóng bảo hiểm tăng lên 32,5% nhưng do đóng trên nền lương cơ bản khá thấp nên lương hưu sau này của lao động cũng không tăng nhiều” - ông Cường nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội từng cho rằng lương hưu thấp, DN trốn đóng BHXH chính là một trong những nguyên do khiến quỹ BHXH thất thu. Vì vậy, theo ông Lợi ngoài việc tăng tiền lương, nâng sàn đóng BHXH lên, thì các DN cũng cần thực hiện nghiêm túc quy định trong Luật BHXH 2014 sửa đổi về việc đóng BHXH dựa trên khoản phụ cấp. Chính vì vậy, nếu không tăng lương, không tăng đóng BHXH, tương lai tiền lương hưu của lao động sẽ rất thấp, không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Về việc mở rộng việc đóng BHXH thêm cả các khoản phụ cấp chính, ông Lợi cho rằng cái khó hiện nay chính là có quá nhiều phụ cấp, nên nhiều khi DN không thể phân tách được phụ cấp nào là phụ cấp để đóng BHXH. Cơ quan quản lý nhiều khi cũng khó kiểm soát được các khoản phụ cấp này.
“Hiện nay lương của chúng ta đang đi theo mô hình gồm hai hệ lương: Một là lương khu vực quản lý nhà nước và DN cổ phần, hai là lương của tối thiểu vùng ở khu vực DN. Do vậy nên tạo ra sự khập khễnh trong chính hệ thống tiền lương, tiền đóng BHXH cũng như hưởng chế độ lương hưu sau này. Điều này cũng tạo nên sự chênh lệnh thu nhập của những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật giống nhau ở các lĩnh vực khác nhau” - ông Lợi từng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.