Thậm chí, nhiều trường còn phân công tổ chuyên môn dựng kho học liệu, bộ đề thi để sớm chuẩn bị tinh thần ôn tập cho học sinh.
Giảm tải, giảm áp lực
Theo thầy Đặng Ngọc Tú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn, Lạng Sơn), phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn phù hợp với Chương trình GDPT mới. Bởi, tại các tỉnh miền núi, học sinh lựa chọn môn như Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật… nhiều hơn so với các môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên. Với phương án thi này, học sinh sẽ dành thời gian học môn theo định hướng nghề nghiệp đã chọn; mặt khác, giảm chi phí cho gia đình, xã hội.
Để học sinh, giáo viên không bị động trong quá trình học, Hội đồng Sư phạm Trường THPT Hoàng Văn Thụ ngoài chú trọng giảng dạy môn Toán, Ngữ văn đã thay đổi theo phương án ôn thi, chủ động tăng cường kiến thức, đặc biệt là môn học chưa từng thi tốt nghiệp.
“Với giáo viên, chúng tôi cũng tính phương án sắp xếp thời gian giảng dạy, phân chia lớp cẩn thận để tránh lúng túng, trùng giờ. Về phía học sinh, trường tổ chức cho đăng ký hai môn tự chọn để phân lớp, đưa ra phương án giảng dạy phù hợp với năng lực từng nhóm nhằm đạt hiệu quả tốt nhất”, thầy Đặng Ngọc Tú nói.
Tại Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên (Điện Biên), chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã ưu tiên chọn đội ngũ giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm, chuyên môn để giảng dạy, theo sát học sinh từ khi vào trường. Cuối năm học, nhà trường dành thời gian nhấn lại kiến thức trọng tâm lớp 10 và 11, giúp các em nắm chắc, giảm áp lực khi bước vào lớp 12.
Các nhóm chuyên môn (nhóm bộ môn) căn cứ nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt mỗi môn theo Chương trình GDPT 2018; hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT để xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề kiểm tra cho từng bài, chương.
Cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Trường triển khai phương châm dạy học đến đâu, tổ chức ôn tập đến đó để đảm bảo học sinh chắc kiến thức. Đề kiểm tra thực hiện chung và ra theo hướng đổi mới đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Chúng tôi lường trước một số khó khăn có thể gặp phải khi lần đầu triển khai phương án thi 2 + 2 như việc lựa chọn môn thi của học sinh rộng hơn, vì vậy tổ chức nhiều lớp ôn thi. Đặc biệt, giáo viên môn Tin học, Công nghệ chưa bao giờ dạy ôn thi tốt nghiệp THPT cũng lúng túng khi vừa ôn vừa nghiên cứu… nên cũng được nhà trường quan tâm, cùng hỗ trợ”.
Để giảm áp lực cho thầy và trò trong năm đầu triển khai phương án thi mới, cô Lê Thị Anh - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT N’ Đăk G’Long (Đăk G’Long, Đắk Nông) mong Bộ GD&ĐT sớm công bố bộ đề tham khảo, hướng dẫn chi tiết trong kỳ thi để nhà trường, học sinh chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học.
“Năm đầu chắc chắn có bỡ ngỡ không tránh khỏi, việc chia nhóm học sinh để tổ chức giảng dạy chưa thể đáp ứng tối đa nguyện vọng của các em. Song, chúng tôi sẽ không để học sinh đơn độc trong quá trình học cũng như ôn tập”, cô Lê Thị Anh chia sẻ.
Định hướng sớm
Ngay khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Hoàng Văn Thụ đã định hướng rõ cho phụ huynh giai đoạn lớp 10 đến 12 là nghề nghiệp. Theo đó, nhà trường, gia đình chú trọng làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 để các em chọn môn học đúng, trúng, tránh ôn luyện dàn trải, giảm áp lực, chi phí cho phụ huynh. Hằng năm, trường tổ chức các buổi hướng nghiệp, lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ.
Thầy Đặng Ngọc Tú cho hay: Từ những định hướng đó, học sinh lựa chọn tổ hợp phù hợp năng lực, sở thích, thế mạnh của bản thân cũng như điều kiện thực tế của gia đình, địa phương. Tránh lựa chọn nghề nghiệp dựa trên sở thích và lời khuyên của gia đình mà chưa thực sự nắm được khả năng có phù hợp nghề nghiệp hay không. Nhà trường cũng thường xuyên nắm thông tin, xu hướng tuyển sinh từ các trường đai học, cao đẳng để tư vấn, định hướng học sinh từ sớm.
Không để học sinh bị động, lựa chọn theo cảm tính, ngay sau đỗ vào lớp 10, Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên đã tuyên truyền để các em hiểu những nét cơ bản về Chương trình GDPT 2018, trong đó chú trọng việc chọn môn học liên quan đến định hướng nghề nghiệp sau thi tốt nghiệp THPT, qua đó học trò hiểu rõ và chọn lớp phù hợp.
“Với học sinh muốn thay đổi lựa chọn lớp học, trường tạo điều kiện để có thể học, kiểm tra và chuyển lớp khi đạt yêu cầu. Nhà trường thường xuyên cập nhật tình hình ngành nghề của xã hội, địa phương đang cần giúp các em định hướng, lựa chọn. Bố trí đội ngũ thầy, cô giáo có chuyên môn vững vàng trong tổ chức, thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Mời người có chuyên môn sâu về hướng nghiệp đến để trao đổi, nói chuyện với học sinh cách chọn nghề, trường phù hợp”, cô Nguyễn Thị Huệ cho biết.
Với những đổi mới trong chương trình, phương án thi, Trường PTDTNT THCS & THPT N’ Đăk G’Long thông qua môn học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giới thiệu, định hướng nghề nghiệp cho học trò. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh không bỡ ngỡ khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.