Dìm nhau dưới vũng bùn đen để cướp phết
Cuộc tranh giành quả phết ở lễ hội Hiền Quan – Phú Thọ diễn ra ngày 27/2 không còn là cuộc thi đấu của 200 thanh niên trong làng nữa mà là của rất đông người.
Hàng nghìn thanh niên trai tráng đã xô đẩy, giẫm đạp, thậm chí trèo lên đầu, cưỡi lên cổ người khác để cướp cho bằng được quả phết, mà theo họ, phết này chính là “lộc thánh”, sẽ đem lại may mắn cho cả năm. Kết thúc màn tranh cướp, không ít người tóe máu, xây xát, kiệt sức, ngất xỉu.
Trao đổi với PV về cảnh tượng đổ máu do cướp phết ở lễ hội, TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thở dài: “Lễ hội cướp phết ở Hiền Quan như một trận chiến”!
TS Trần Hữu Sơn phân tích, một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người lao vào tranh cướp vì họ cay cú với sự thành công của người khác.
Ngoài ra, cuộc sống không công bằng đã tạo ra mâu thuẫn khiến người ta tìm chỗ "xả". Trong số những người tranh cướp ấy ít nhiều cũng đôi lần đối diện với sự bất công, giá trị xã hội bị đảo lộn, những điều băng hoại lại lên ngôi. Nhiều sự cố gắng và nỗ lực không được đền đáp bằng những thành quả xứng đáng, khiến công chúng mất lòng tin. Từ đó người ta ganh đua, đố kỵ một cách tiêu cực: Đi đường tranh giành nhau từng centimet, ganh đua vượt chức, vượt quyền và ganh đua cả “lộc thánh” trong lễ hội.
Chuyên gia văn hóa Trần Hữu Sơn cho biết, ngày xưa ở lễ hội cướp phết cũng có ganh đua nhưng đó là ganh đua tích cực
Chuyên gia văn hóa Trần Hữu Sơn cho biết, ngày xưa ở lễ hội cướp phết cũng có ganh đua nhưng đó là ganh đua tích cực. Người ta không bằng mọi giá để cướp phết, cũng không có chuyện cướp phết đến nỗi choảng nhau, trèo lên người nhau tranh cướp, phá tan không khí văn minh trong lễ hội.
Bên cạnh đó, hiện nay còn quá nhiều người bất chấp luật lệ, quy ước trong lễ hội. Họ chỉ biết cướp và cướp.
Do đó, theo TS. Trần Hữu Sơn, ban tổ chức lễ hội phải tuyên truyền cho người dân thấy phết là vật thiêng, chỉ có giá trị trong khuôn mẫu làng, đối tượng nào là thanh niên của làng mới được tham gia. Nếu ban tổ chức không làm được điều này thì nên loại bỏ lễ hội. Bởi đến lễ hội để mang thương tích, đau đớn nguy hiểm cho người khác thì vô cùng phản cảm.
TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thở dài: “Lễ hội cướp phết ở Hiền Quan như một trận chiến”
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cũng tỏ ra bất ngờ trước những hình ảnh bạo lực trong lúc cướp phết.
“Tôi không ngờ quy mô của việc cướp phết đến đổ máu, ngất xỉu lại lớn như vậy. Phải chăng họ đã chuẩn bị tâm lý ganh đua, xung đột trước khi đến lễ hội? Tâm lý cuồng bạo có sẵn không nhằm để cướp phết mà cốt giáng đau đớn cho người khác mà đoạt được cái hả hê”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Trước ý kiến bày tỏ: “Hội mà! một năm mới có một lần. Người xưa từng bảo: “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, nên tranh cướp là chuyện bình thường, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội khẳng định, “tả tơi xem hội” không phải tả tơi của bầm dập, chấn thương, ngất lên ngất xuống. Tả tơi xem hội chỉ là áo quần, đầu óc xộc xệch. Người ta được xem hội vì vậy sự giành giật không cuồng bạo.
Cướp lộc là mù quáng về tâm linh
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cơ sở nhận định, đi lễ hội đầu năm để cầu sức khỏe, xin lộc, cầu may là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, hiện một số lễ hội xuất hiện nhiều biến tướng như cướp lộc, cờ bạc trá hình... vi phạm các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội.
“Cướp lộc thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử, ý nghĩa lễ hội, về giá trị tín ngưỡng”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, cướp lộc biểu hiện lệch lạc, thậm chí là “mù quáng” về tâm linh, sự thái quá về niềm tin với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc, cầu danh lợi, nên nhiều người giành giật, tranh cướp, dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm.
|
Còn tranh cướp, phản cảm sẽ tạm dừng lễ hội
Bộ VH-TT-DL vừa có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc chấn chỉnh công tác tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan.
Công văn nhấn mạnh, ngày 27/2, tại xã Hiền Quan, việc tổ chức Lễ hội Phết đã để xảy ra tình trạng hỗn loạn, tranh cướp, không thực hiện theo kế hoạch của địa phương về việc chấn chỉnh công tác tổ chức đối với lễ hội này.
Vì vậy, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND huyện Tam Nông có biện pháp chấn chỉnh công tác tổ chức Lễ hội Phết.
Trường hợp không có phương án đảm bảo an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe của người dân, để xảy ra tình trạng bạo lực, tranh cướp phản cảm trong lễ hội, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ tạm dừng tổ chức lễ hội.
|
Trai tráng hết giẫm đạp lên nhau ở trên bờ, lại lôi nhau xuống ao đầy bùn đen.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.