Lý do khó nói khiến Mỹ chưa thể 'xử' kẻ 'chủ mưu' vụ khủng bố 11/9 sau 2 thập kỷ

Phương Đăng (theo Spectrumnews1) Thứ bảy, ngày 10/09/2022 07:04 AM (GMT+7)
21 năm đã trôi qua kể từ ngày diễn ra vụ khủng bố 11/9/2001 làm rung chuyển nước Mỹ nhưng Mohammed - kẻ tự xưng là chủ mưu vụ tấn công và 4 nghi phạm khác vẫn bị giam giữ ở vịnh Guantanamo. Các phiên xét xử chúng liên tục bị hoãn lại.
Bình luận 0
Lý do khó nói khiến Mỹ chưa thể 'xử' kẻ 'chủ mưu' vụ khủng bố 11/9 sau 2 thập kỷ - Ảnh 1.

Bà Kathy Haberman đặt hoa và thiệp tưởng nhớ cô con gái Andrea Haberman trên một cánh cổng tại địa điểm nơi Trung tâm Thương mại Thế giới từng tồn tại ở New York ngày 10/9/2005. Ảnh AP

Vài giờ trước rạng sáng ngày 1/3/2003, Mỹ đã ghi được một trong những chiến thắng ly kỳ nhất của họ trước những kẻ chủ mưu gây ra vụ tấn công ngày 11/9/2001. Các đặc vụ đã lôi được Khalid Shaikh Mohammed - kẻ tự xưng là chủ mưu vụ tấn công ra khỏi nơi ẩn náu ở Rawalpindi, Pakistan.

Cuộc truy lùng toàn cầu đối với thủ lĩnh số 3 của al-Qaida đã kéo dài 18 tháng. Nhưng nỗ lực của Mỹ để đưa nghi phạm này ra trước công lý, theo nghĩa pháp lý lại mất quá nhiều thời gian, cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Các nhà phê bình cho rằng, điều này đã trở thành thất bại lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Sự thất bại mới nhất xảy ra vào tháng trước khi các phiên điều trần trước vụ xét xử được lên lịch vào đầu mùa thu bị hủy bỏ, gây thất vọng cho người thân của gần 3.000 nạn nhân của vụ tấn công. Từ lâu, họ đã hy vọng rằng, một phiên tòa sẽ diễn ra và có thể giải đáp những câu hỏi chưa có lời giải.

Gordon Haberman, người có con gái 25 tuổi tên là Andrea đã chết sau khi một chiếc máy bay bị cướp đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại văn phòng của cô chia sẻ, ông đã đi từ nhà ở West Bend, Wisconsin đến Guantanamo 4 lần để xem trực tiếp các thủ tục pháp lý liên quan đến Mohammed và 4 nghi phạm khác trong vụ tấn công nhưng chỉ nhận lấy sự thất vọng.

“Điều quan trọng đối với tôi là nước Mỹ cuối cùng phải biết được sự thật về những gì đã xảy ra, nó đã được thực hiện như thế nào. Cá nhân tôi muốn các nghi phạm phải được đưa ra xét xử", ông Haberman nói.

Nếu bị kết tội tại phiên tòa, Mohammed có thể phải đối mặt với án tử hình.

Lý do khó nói khiến Mỹ chưa thể 'xử' kẻ 'chủ mưu' vụ khủng bố 11/9 sau 2 thập kỷ - Ảnh 2.

Khalid Shaikh Mohammed - kẻ tuyên bố là chủ mưu vụ tấn công 11/9 vẫn chưa bị xét xử sau hơn 2 thập kỷ. Ảnh IT

Khi được hỏi về vụ án, James Connell, luật sư cho một trong những đồng phạm của Mohammed - người bị cáo buộc đã chuyển tiền cho những kẻ tấn công 11/9 - xác nhận rằng, cả hai bên vẫn đang "cố gắng đạt được một thỏa thuận trước khi xét xử".

David Kelley, một cựu luật sư Mỹ tại New York, người đồng chủ trì cuộc điều tra toàn quốc của Bộ Tư pháp về các vụ khủng bố gọi sự chậm trễ và việc các nghi phạm chưa khởi tố là "một thảm kịch khủng khiếp cho gia đình các nạn nhân".

Ông gọi nỗ lực đưa Mohammed ra xét xử trước tòa án quân sự, thay vì trong hệ thống tòa án thông thường của Mỹ là "một thất bại to lớn" và "xúc phạm đến Hiến pháp của chúng tôi cũng như pháp quyền của chúng tôi".

“Đó là một vết nhơ to lớn đối với lịch sử đất nước", ông nói.

Khó khăn trong việc tổ chức một phiên tòa xét xử Mohammed và các tù nhân Guantanamo khác một phần bắt nguồn từ những gì Mỹ đã làm với nghi phạm sau khi bắt được anh ta năm 2003.

Mohammed và đồng phạm ban đầu bị giam trong các nhà tù bí mật ở nước ngoài. Để có thông tin có thể dẫn đến việc bắt giữ các thành viên mạng lưới khủng bố al-Qaida khác, các đặc nhiệm CIA đã buộc phải áp dụng các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao tương đương với tra tấn, các nhóm nhân quyền cho biết. Mohammed đã bị tra tấn bằng nước - khiến anh cảm thấy như mình đang chết đuối - 183 lần.

Một cuộc điều tra của Thượng viện sau đó đã kết luận, các cuộc thẩm vấn cuối cùng không dẫn đến bất kỳ thông tin tình báo có giá trị nào.

Các vụ tra tấn dẫn đến việc Mỹ có thể đã hủy hoại cơ hội đưa Mohammed ra xét xử tại một tòa án dân sự.

Nhưng vào năm 2009, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã quyết định thử đưa Mohammed ra xét xử thông qua một tòa án liên bang ở Manhattan. Mohammed được thông báo sẽ được chuyển đến thành phố New York để chuẩn bị cho vụ xét xử.

Thành phố New York đã phải chi rất nhiều tiền cho an ninh nhưng cuối cùng vụ xét xử cũng không bao giờ xảy ra. Cuối cùng, các nhà chức trách thông báo rằng Mohammed sẽ phải đối mặt với tòa án quân sự. Và rồi hơn chục năm trôi qua.

Ông Kelley cho biết, thời gian càng trôi qua, sẽ càng khó khăn hơn nhiều để truy tố Mohammed.

"Bằng chứng sẽ trở nên cũ kỹ, ký ức nhân chứng cũng không còn rõ ràng", ông Kelley lập luận.

"Cả thế giới đang nhìn chúng tôi và hỏi: 'Họ đang làm gì sau ngần ấy thời gian?", Eddie Bracken, người có em gái thiệt mạng tại trung tâm thương mại sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 tuyên bố.

Mohammed đã thừa nhận trong một tuyên bố bằng văn bản rằng hắn thề trung thành với "trùm khủng bố" Osama bin Laden và rằng anh ta là thành viên của hội đồng al-Qaida. Mohammed cho biết, hắn từng là giám đốc hoạt động của bin Laden và có nhiệm vụ tổ chức, lập kế hoạch, theo dõi thực hiện vụ khủng bố ngày 11/9/2001 "từ A đến Z".

Theo lời thú tội của Mohammed, hắn cũng dàn dựng vụ đánh bom năm 1993 vào Trung tâm Thương mại Thế giới; nỗ lực hạ máy bay phản lực của Mỹ bằng cách sử dụng bom giấu trong giày; vụ đánh bom hộp đêm ở Indonesia; và lên kế hoạch cho làn sóng tấn công thứ 2 sau cuộc tấn công năm 2001 nhắm vào các địa danh như Tháp Sears ở Chicago và Tòa nhà Empire State ở Manhattan.

Mohammed cũng tuyên bố nhúng tay vào các cuộc tấn công được lên kế hoạch khác, bao gồm các nỗ lực ám sát Tổng thống Bill Clinton vào năm 1994 hoặc 1995 và một âm mưu ám sát chống lại Giáo hoàng John Paul II vào cùng thời điểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem