Lý do khó tin 'giết chết' mạng lưới điệp báo danh tiếng

Thứ bảy, ngày 02/11/2019 21:30 PM (GMT+7)
Suốt 10 năm trời, Đại tá William Fisher (Rudolf Abel) đi lại tự do, đặt “đại bản doanh” tại New York, chỉ huy mạng lưới tình báo Liên Xô khắp nước Mỹ.
Bình luận 0

Nguyên nhân lãng xẹt

Tối 22/6/1953, một khách hàng quen đưa trả cậu bé bán báo Jimmy tờ 1 USD. Hai phụ nữ sống ở căn hộ đối diện giúp đổi tờ 1 USD đó để Jimmy có tiền lẻ trả lại cho người khách. Về nhà, Jimmy theo thói quen ngồi đếm “thu nhập” trong ngày, và trong số tiền xu còn lại, cậu phát hiện một đồng có đường viền khác lạ và hình như nhẹ hơn. Tò mò, Jimmy thả mạnh đồng xu xuống sàn nhà. Đồng xu vỡ làm đôi, bên trong là một tấm ảnh nhỏ xíu với những chữ số khó hiểu.

Sự việc không rõ bằng cách nào đến tai cảnh sát và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Qua xem xét sơ bộ, các nhân viên FBI xác định trên tấm phim có 10 cột số, mỗi cột số có 21 con số, mỗi con số có 5 chữ số. Nghi đây là một báo cáo tình báo đã mã hoá, họ gửi cả đồng xu và tấm phim về Phòng xét nghiệm trung tâm của FBI ở Washington.

img

Đại tá Rudolf Abel (khoanh đỏ).

Ngày 26/6/1953, đồng xu rỗng được các chuyên gia FBI kiểm tra kĩ càng. Mặt trước đồng xu được đúc năm 1948, mang hình Tổng thống Jefferson; phía trên chữ cái R trong từ TRUST có một lỗ bé xíu được xác định là “lỗ khoá” để mở đồng xu bằng một cái kim hoặc một dụng cụ nhỏ tí nào đó. Mặt sau đồng xu, cũng bằng đồng như mặt trước, được đúc sớm hơn - vào khoảng năm 1942-1945.

Đồng thời với việc xét nghiệm đồng xu, FBI cũng tiến hành điều tra nguồn gốc của nó. Hai phụ nữ đổi tiền cho cậu bé nhanh chóng được xác minh là vô can. Các nhà ảo thuật khẳng định họ không sử dụng đồng xu kiểu này để hành nghề vì không thể giấu được gì qua cái lỗ bé xíu trên mặt đồng tiền.

Việc giải mã tấm ảnh cũng không mang lại kết quả mong muốn, ngay cả máy chữ dùng để đánh các con số cũng không xác định được nguồn gốc. FBI giả định rằng đồng xu là một dạng “thư mật” của tình báo Liên Xô, song mọi chuyện chỉ dừng ở phỏng đoán.

Phản gián Mỹ đã gặp may khi vào đầu tháng 5/1957, Rayno Haihanen - Trung tá tình báo Liên Xô từ chối lệnh quay về Moscow sau khi hết nhiệm kì công tác và đào tẩu để ở lại Mỹ. Trong số các lời khai của Haihanen, FBI chú ý đến chi tiết: Để trao đổi tin tức, lưới điệp báo Liên Xô ở New York khi cần thiết mới gặp nhau tại ga xe điện ngầm Prospect Park, còn chủ yếu thực hiện liên lạc qua các “hộp thư mật” như cọc rào bằng sắt hay cột đèn ở công viên.

Kẻ phản bội hàng ngũ

Theo sự chỉ dẫn của Haihanen, các điều tra viên FBI đã tìm thấy trong hộp thư nọ một chiếc đinh dài khoảng 5cm, đường kính 6mm, rỗng ruột. Bên trong chiếc đinh có chứa một bức thư mật đánh máy chữ. Haihanen cho biết, ngoài những chiếc đinh kiểu này, các điệp viên Liên Xô còn thường cất giấu tài liệu trong những chiếc bút máy, bút chì, bu-lông, pin và... đồng xu. Các dụng cụ này đều rỗng ruột và được nhiễm từ để các vật bằng kim loại có thể bám chặt vào.

Không mấy khó khăn, các nhân viên FBI đã tìm thấy tại nhà Haihanen một đồng xu có mệnh giá 50 markka (đơn vị tiền tệ Phần Lan; trước khi sang Mỹ, một thời gian dài Haihanen đã hoạt động ở nước này). Đồng xu này cũng rỗng ruột và có lỗ, và các chuyên gia xét nghiệm của FBI nhanh chóng xác định rằng nó được khoan lỗ và làm rỗng theo cách thức giống hệt đồng xu mà cậu bé bán báo tình cờ có được năm 1953.

img

Đại tá Fisher (bên phải) lúc bị FBI bắt giữ. Ảnh tư liệu

Căn cứ vào lời khai của Haihanen về quy luật sử dụng khoá mật mã, ngày 3/6/1957, FBI đọc được dòng cuối cùng trên tấm ảnh nằm trong ruột “đồng xu New York”. Đây là bức thư mà cấp trên của Haihanen gửi cho anh ta từ Moscow, sau khi Haihanen an toàn đến nước Mỹ hồi tháng 10/1952, trong đó đưa ra một số chỉ dẫn cho điệp viên này. Song chính Haihanen không hiểu bằng cách nào mà đồng xu Jefferson lại rơi vào tay hai người phụ nữ ở khu Brooklin.

Tiếp theo, dựa vào lời khai của Haihanen, FBI bắt đầu tìm kiếm cấp trên của Haihanen. Tên này mô tả, cấp trên của hắn tên là Mark, khoảng 50 tuổi, cao khoảng 1,65m, tóc thưa và xám, vóc người trung bình, rất có thể làm nghề ảnh ở khu Brooklin, New York. Chắp nối nhiều tình tiết khác nhau, đêm 13/6/1957, các thám tử FBI bắt được Mark tại khách sạn Latham nằm trên phố Đông của thành phố New York.

Mark chính là nhà tình báo huyền thoại Rudolf Abel. Người tổ trưởng điệp báo này nổi tiếng không chỉ bởi những chiến tích trong làng tình báo, mà còn bởi những thiết bị đặc biệt dùng để chứa thư mật, phim do chính ông tự sáng chế. Như vậy, từ một sơ xuất cho đến nay vẫn chưa xác định được do ai và do sự phản bội của Haihanen, lưới điệp báo của Abel đã bị phá vỡ.

Nguyên Phong (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem