Lý do ngành thép lợi nhuận giảm mạnh, nợ ngập đầu, Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long giảm lãi 60%

O.Lý Thứ năm, ngày 28/07/2022 07:48 AM (GMT+7)
Giá thép liên tục giảm mạnh khiến các doanh nghiệp thép bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long giảm 59%, Gang Thép Thái Nguyên giảm 90%, Đầu tư Thương mại SMC giảm tới 98,2%...
Bình luận 0

Doanh nghiệp thép: Lợi nhuận lao dốc, vay nợ gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép liên tục giảm mạnh; chỉ trong 2 tháng, đã có 10 lần điều chỉnh giá. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất thép đều bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu tăng nhẹ lên 37.714 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 59% xuống 4.023 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Hòa Phát đạt 82.118 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 12.229 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ và hoàn thành 46% kế hoạch năm.

Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) trong quý II/2022 ghi nhận doanh thu thuần giảm 10% về 3.189 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5,8 tỷ đồng, giảm tới 90%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.922 tỷ đồng, tăng 5,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 35 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Năm 2022, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu 20.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng.

Ngoài kết quả kinh doanh thụt lùi thì gánh nặng nợ nần vẫn là bài toán lớn nhất của doanh nghiệp này.

Tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2022 tăng 5% so với đầu năm lên 10.855 tỷ đồng. Tài sản dài hạn chiếm 71% đạt 7.704 tỷ đồng, trong đó tài sản dở dang dài hạn: 6.192 tỷ đồng. Khoản tài sản dở dang này liên quan đến dự án "Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II". Được biết, tổng chi phí ban đầu là 3.843,7 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư mới là 8.104,9 tỷ đồng (theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu chính Công ty China Metallurgical Group Corporatime (MCC).

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện: 6.163,09 tỷ đồng. Trong đó lãi vay vốn hóa là 2.951,7 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng năm 2022 là chi phí lãi vay vốn hóa.

Tài sản ngắn hạn đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 16%, hàng tồn kho kỳ này đạt 2.048 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm.

Về nguồn vốn, nợ phải trả cuối tháng 6 tăng 6,6% lên 8.830 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nợ ngắn hạn 6.542 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 9,3% lên 2.769 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của TISCO là 1.840 tỷ đồng, vậy, nợ phải trả gấp 4,8 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) ghi nhận doanh thu đạt 6.620 tỷ đồng - tăng 11,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 42,45 tỷ đồng - giảm gần 92% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do giá thép có xu hướng giảm nhanh dẫn đến giá vốn cao và ảnh hưởng đến việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất và buộc phải dự phòng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, SMC mang về hơn 13.250 tỷ đồng doanh thu - tăng 20,2% so với cùng kỳ và 123 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - giảm 83,4% so với cùng kỳ.

Hàng tồn kho đến cuối tháng 6 tăng 33% lên 3.541 tỷ đồng, trong đó nguyên vật liệu chiếm 55% với 1.955 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 30,4% lên 8.592 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 7.976 tỷ đồng.

Vốn góp chủ sở hữu 610 tỷ đồng. Theo đó, vay nợ đang cao gấp 14 lần vốn chủ sở hữu.

Ngành thép: Lợi nhuận Hòa Phát giảm gần 60%, Thép Vicasa giảm hơn 98%; nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ - Ảnh 1.

Công ty CP Thép Vicasa - Vnsteel (HoSE: VCA) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu ghi nhận đạt 505,2 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Thép Vicasa - Vnsteel chỉ còn vỏn vẹn hơn 502 triệu đồng, giảm 98,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VCA ghi nhận doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng tăng nhẹ gần 2%, lợi nhuận trước thuế đạt sau thuế đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 76,5%. Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.774 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20,7 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt dự kiến 7%. Như vậy, kết thúc quý II/2022, VCA hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 56,5% mục tiêu.

Hàng tồn kho tăng 19,5% lên 422,6 tỷ đồng; nợ phải trả kỳ này tăng nhẹ từ 338,5 tỷ đồng lên 369,6 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu là 152 tỷ đồng. Như vậy, vay nợ đang gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty CP Thép Thủ Đức – Vnsteel (UPCoM: TDS) trong quý II/2022 báo lỗ gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi kỷ lục 34 tỷ đồng. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ giảm 50,4%, doanh thu giảm hơn 45% và kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến khoản lỗ gộp 2,5 tỷ đồng.

Hàng tồn kho kỳ tăng 19,3% lên 505,2 tỷ đồng. Nợ phải trả kỳ này tăng 32,5% lên 357,8 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 86% với 307 tỷ đồng. Vốn góp chủ sở hữu: 122,2 tỷ đồng, theo đó nợ vay đang gấp gần 3 lần vốn chủ.

Công CP Thép Mê Lin (HNX: MEL) ghi nhận doanh thu đạt hơn 162 tỷ đồng trong quý II/2022, giảm 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm 93% còn 1,7 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu MEL tăng 25% lên 411 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng. 

Hàng tồn kho giảm 6% xuống 463 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm gần 10% xuống 406,6 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 403,7 tỷ đồng. Theo đó, nợ phải trả đang lớn hơn vốn chủ sở hữu 2,7 lần.

Lợi nhuận các "ông lớn" dự báo sẽ giảm

Theo giải trình về việc lợi nhuận lao dốc của các doanh nghiệp théo, nguyên nhân do giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý II đến nay, lượng thép tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến Công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng giá vốn. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp trong quý giảm sâu.

CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo giá thép trong thời gian tới khó có thể giảm với tốc độ mạnh như trong những tháng gần đây khi mà tỷ suất lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức tối thiểu. Song, sự phục hồi cũng tương đối hạn chế do nhu cầu yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Với các doanh nghiệp thép trong nước, SSI Research nhận định tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm trong quý II và quý III nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019.

Đưa ra dự báo về tăng trưởng lợi nhuận của một số "ông lớn" ngành thép trong năm nay, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng của Hoà Phát năm 2022 xuống 26.500 tỷ đồng (giảm 23,1% so với cùng kỳ) chủ yếu do giả định giá thép giảm.

Còn với Hoa Sen, SSI Research cho rằng lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.4000 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó

Cùng chung kết quả kinh doanh ảm đạm trong giai đoạn này còn có Thép Mê Lin và Gang thép Cao Bằng. Việc bán hàng thép chậm đã làm ảnh hưởng tới dòng tiền, kèm theo việc kiểm soát tín dụng bất động sản, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ đã khiến lợi nhuận của 2 doanh nghiệp này giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần của Gang thép Cao Bằng trong quý II chỉ đạt 499 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Với Thép Mê Lin, doanh thu trong quý II đạt hơn 162 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem