Mùa hè ở Iran có những lúc cao điểm lên đến 50 độ. Đỗ Lệnh Hoài Anh bước ra khỏi nhà với 3 lớp áo kín từ đầu tới chân và khăn choàng cột dưới cằm - như bao phụ nữ nơi đây. "Nhiều cô gái bản địa muốn bùng nổ vì quy tắc ăn mặc khắt khe nhưng tôi thấy yêu văn hóa này. Tôi mặc đồ còn chuẩn chỉ, kín đáo hơn cả phụ nữ ở đây", Hoài Anh, người Việt hiếm hoi ở thành phố Qazvin nói.
5 năm trước, Hoài Anh vừa tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế một đại học ở TPHCM thì tình cờ biết đến học bổng 6 tháng ở Iran. Cô chỉ "nộp hồ sơ cho vui" và tính học xong sẽ về Việt Nam theo nghiệp giáo dục của cha mẹ. Không ngờ quyết định đó đưa cuộc đời cô theo ngã khác.
"Mảnh đất văn hoá bí ẩn này và một chàng trai Iran đã níu tôi ở lại", Hoài Anh nói. Chàng trai đó là Amir Hossein, 30 tuổi, giám đốc một công ty du lịch tại thành phố Qazvin (Iran).
Hoài Anh và chồng, anh Amir Hossein, người Iran. Amir làm về du lịch, anh thường đưa vợ đi khám phá đất nước mình. Ảnh: H.A.
Tuy nhiên thời gian đầu mới sang, Hoài Anh chưa quen Amir. Đó là một giai đoạn khó khăn khi cô chưa thạo tiếng, mọi sinh hoạt đều đóng khung trong khuôn viên trường. Cô nghiêm túc chấp hành quy định ăn mặc kín đáo nhưng vẫn thường bị bảo vệ trường nhắc nhở hay cảnh sát túm lại đe doạ. Hóa ra trang phục trên người tuy dài nhưng chưa dày. Cuối cùng cô phải bỏ hết đồ mua từ Việt Nam, chuyển sang mặc đồ dày, kín và vài lớp, để cơ thể không còn bị "phô" ra.
Hết khóa, hai người bạn Việt Nam về nước, chỉ còn Hoài Anh trụ lại. Cô lâm vào cảnh khốn đốn do trường mới chưa có giấy báo, trong khi phải dọn khỏi trường cũ. Tiền sắp cạn, khách sạn tồi nhất cũng mất 300 đôla/tuần (gần 7 triệu đồng). Cô ăn bánh mỳ tròn cả tuần. "Tôi không dám đi ra ngoài, vừa cô đơn, vừa sợ, khóc suốt", cô nhớ lại.
Ngày trường mới thông báo nhập học, cô như "người đuối nước vớ được cọc". Dần dần thạo tiếng, quen bạn, Hoài Anh bắt đầu tận dụng thời gian du học của mình để khám phá xứ sở "nghìn lẻ một đêm".
Một ngày cuối tháng 11/2016, Hoài Anh nhận lời bạn đi leo núi. Chưa từng tham gia hoạt động này nên cô gặp nhiều khó khăn trên hành trình. Amir Hossein - trong vai trò người dẫn tour - đã trợ giúp Hoài Anh.
"Tôi tò mò về cô ấy ngay lần đầu gặp. Tôi tự hỏi không biết điều gì khiến một cô gái có thể sống được một thân một mình trong hơn 1,5 năm ở Iran", Amir nói.
Thông thường, nam giới Iran hiếm khi xin liên lạc của một người khác giới. Nhưng sau hôm leo núi Amir đã xin số Hoài Anh. Anh chủ động trò chuyện với cô, giúp cô học ngôn ngữ đất nước mình. Quen nhau nửa năm, Amir hay viện cớ tiện đường để đưa đón cô đi học, luôn giới thiệu cô là bạn gái trước bạn bè. Thế nhưng, anh lại chưa bao giờ nói lời yêu hay thích.
Nhiều lúc Hoài Anh hoang mang "không biết là anh có tình cảm với mình hay mình lầm tưởng". Một bữa, cô quyết định thử bằng cách dẫn một người bạn đi leo núi cùng. Amir "ghen lồng lộn". Vừa đi, anh vừa nhắn tin cho cô, giọng trách cứ, hờn dỗi.
Một ngày sau, chàng trai thổ lộ: "Làm bạn gái anh đi. Em làm vậy anh đau lắm, khó chịu lắm".
Sau này hiểu văn hóa và tính cách của Amir, Hoài Anh mới biết anh chậm trễ vì luôn nghĩ "nói yêu dễ dàng thì hết cũng dễ dàng".
Hoài Anh (ngoài cùng trái) và các chị em trong gia đình chồng. Phụ nữ ở Iran phải đội khăn trùm đầu đen từ năm 13 tuổi và chỉ hở hai đôi mắt khi ra đường, nhưng thời gian gần đây họ đã cởi mở hơn, bằng cách dùng các khăn thời trang, sắc màu. Ảnh: H.A.
Xã hội hồi giáo xem hẹn hò là điều cấm kỵ nên lúc yêu Hoài Anh rất sợ cảnh sát. Nam nữ đi trên đường có thể bị cảnh sát xét hỏi, bắt giam, thông báo về gia đình. "Mỗi lúc đi cùng nhau, mình phải cố tỏ ra thật tự nhiên, đi cách xa nhau và cũng không có chuyện nắm tay hay ôm hôn", cô cho hay.
Dĩ nhiên, nam nữ độc thân cũng không được ngồi cùng nhau ở quán cà phê, xe hơi, rạp chiếu phim, không được đưa về ra mắt gia đình. "Giây phút riêng tư nhất của hai đứa là những lúc anh chở mình đi học, đậu xe trước cửa ký túc vài phút, hay có lần mình lẻn vào phòng của Amir mà bố mẹ anh ấy không biết. Cảm giác khi ấy phiêu lưu, thích thú và giúp gắn kết hai đứa hơn", cô bộc bạch.
Nhưng nhiều lúc cô cũng bất mãn, tủi thân vì không thể tự do yêu đương. Amir bù đắp bằng sự quan tâm đưa đón mỗi ngày và luôn lịch thiệp trước cô bạn gái "cứng đầu, nhõng nhẽo, phi logic".
Tình yêu của Amir cũng giúp Hoài Anh "biến những điều không thể thành có thể". Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, bác sĩ, nghệ sĩ, Hoài Anh cũng được định hướng tiếp nối. Mỗi lúc Amir gợi ý kinh doanh, cô đều phủ định: "Em không làm được đâu".
"Em có đủ năng lực để đạt được mục tiêu của mình, nhưng thiếu một chút động lực. Anh chính là động lực của em", chàng trai động viên.
Và rồi chính anh chủ động mang những đặc sản của đất nước mình trong những lần về chơi Việt Nam, hướng dẫn Hoài Anh viết content bán hàng hay kết nối cô với các doanh nghiệp tại Iran. "Giao thương với đất nước bị cấm vận như chúng tôi rất khó khăn. Tôi đã thấy cô ấy những lúc yếu đuối, khóc lóc, muốn từ bỏ, nhưng sau đó vẫn vượt lên được", Amir cho hay.
Kinh doanh chưa đầy hai năm trước, giờ Hoài Anh đã có một đại lý phân phối các sản phẩm của Iran tại TP HCM. Cô cũng tự mua được nhà, xe và chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ ngành biên phiên dịch Tiếng Anh - Ba Tư, những điều cô nghĩ mình không thể làm được nếu không phải ở Iran.
"Tôi đã đạt được một vài thành tựu riêng và chứng minh được bản thân với bố mẹ. Tất cả là nhờ có anh ấy", Hoài Anh nói.
Bố mẹ Hoài Anh đã sang thăm con gái cuối năm 2017. Họ tin tưởng chàng rể chân tình, tư tưởng tiến bộ và thích tìm hiểu văn hoá, cũng như học Tiếng Việt. Amir đã cùng Hoài Anh về Việt Nam khoảng chục lần. Ảnh: Hùng Tú.
Một ngày hè năm năm 2018, anh nói: "Mình về gặp bố mẹ anh thôi", chấm dứt một năm rưỡi yêu trong bí mật. Hoài Anh gật đầu. Cô tin người đàn ông này nên nguyện ở lại đất nước quá khác biệt. Họ cưới tháng 9/2018.
Hôm 3/9 vừa qua, Hoài Anh được đổi sang một cái tên Iran và nhận giấy kết hôn chính thức trước sự chúc mừng của toàn thể gia đình chồng. Mẹ chồng cô hôn vào má nàng dâu, nói nhỏ: "Cảm ơn con đã trở thành con gái của mẹ". Hoài Anh rớm nước mắt, bởi cô thấy mình được đón nhận, hoà nhập hoàn toàn.
Một bữa tiệc được tổ chức với tất cả gia đình họ hàng tham gia. Đây là bữa tiệc thứ 8 liên quan tới chủ đề kết hôn của vợ chồng Hoài Anh. "Ở đây các hình thức giải trí, tụ tập đông người nơi công cộng bị cấm, nên những bữa ăn mừng như thế chính là giải trí. Với người Iran, gia đình là trên hết", Amir nói.
Trong cuộc sống hàng ngày vẫn có lúc nàng dâu Việt lúng túng trước văn hóa mới, nhưng tâm thế cô sẵn sàng đón nhận, để trở thành một người Iran thực sự.
Phan Dương (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.