Theo y văn Việt Nam, đây là thai nhi non tháng nhất được nuôi sống thành công.
Phép màu cho bé
Từng nhiều lần sảy thai và sinh non, trong lần mang thai thứ 5, chị L.T (36 tuổi, ở Thanh Hóa) tiếp tục đứng trước nguy cơ tuột khỏi tầm tay cơ hội bồng bế con trẻ bởi thai nhi có dấu hiệu dừng phát triển trong tử cung khi mới 26 tuần tuổi.
Bé B.A bên mẹ sau những tháng điều trị, chăm sóc đặc biệt vì sinh non và nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật lấy thai sớm khi tiên lượng thai nhi có nguy cơ tử vong trước, trong và sau đẻ rất cao.
Trước đó, ở tuần thai 19, được chẩn đoán cạn ối, chị T tìm đến đơn vị can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện truyền ối với hy vọng giữ được em bé trong bụng tới đủ ngày, đủ tháng.
Thế nhưng, mỗi lần truyền ối duy trì sự sống cho thai nhi cứ ngắn lại, ở lần một là 10 ngày, lần hai thêm 7 và lần ba chỉ được thêm 4 ngày, thai nhi chậm phát triển, xuống cân.
Bé B.A chào đời chỉ với cân nặng vỏn vẹn 400g, da tím tái, thở yếu ớt, suy dinh dưỡng rất nặng và dường như không có dấu hiệu của sự sống.
Sau 20 phút nỗ lực bóp bóng hồi sức của y, bác sĩ, phép màu đã đến khi bé B.A có phản xạ tay chân, mở mắt.
“Còn nước, còn tát”, ê-kíp y, bác sĩ nhanh chóng hỗ trợ thở cho bé bằng máy thở và chuyển lên Khoa Hồi sức sơ sinh...
Tất cả các thao tác hồi sức được tính bằng giây, bằng phút vì cơ hội sống của em chỉ vài phần trăm do nguy cơ cao ngạt, suy hô hấp sau sinh.
Trong hành trình nối dài sự sống cho bé B.A, có rất nhiều thời điểm, ê-kíp y, bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực tưởng chừng phải buông tay.
120 ngày trường kỳ
ThS.BSCKII Phạm Thị Thu Phương, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: “Những bé sinh non được nuôi sống hoàn toàn qua tĩnh mạch.
Nếu không có đường truyền thuốc, dinh dưỡng từ ngoài vào thì đứa trẻ bị cắt đường sống. Thách thức lớn nhất với ê-kíp chăm sóc sơ sinh đối với bé B.A là phải tìm được đường truyền tĩnh mạch cho bé.
Đường truyền qua tĩnh mạch rốn được thực hiện nhưng cái khó là chỉ có thể để được 7 ngày. Bởi nếu không rút, nguy cơ nhiễm trùng cao.
Chúng tôi phải huy động kíp điều dưỡng giỏi thực hiện kỹ thuật đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên (longline) để nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Đây là kỹ thuật khó, phải có tay nghề cao”.
Là người tiếp nhận theo dõi, chăm sóc bé B.A ngay khi được chuyển về hồi sức cấp cứu, điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên cho hay: “Với một trẻ sinh non, suy dinh dưỡng như vậy, đây thực sự là một cuộc chiến để giành giật sự sống cho bệnh nhi. Khi điều trị, ê-kíp phải cân nhắc từng chi tiết nhỏ mới đảm bảo bé có sức chống chọi với bệnh tật và phát triển”.
Bé B.A được theo dõi, điều trị sát sao 24/24h, các y bác sĩ sơ sinh chú trọng đến chăm sóc trong môi trường lý tưởng nhất, giảm ánh sáng, giảm tiếng ồn, mát xa kích thích phát triển…
Niềm hy vọng hồi sinh sự sống cho B.A tăng dần, khi bé đáp ứng về hô hấp, điều trị kháng sinh và dung nạp dinh dưỡng.
Tuy nhiên, bước sang tuần thứ 2, bé B.A bị nhiễm trùng đường ruột, nguy cơ viêm ruột hoại tử có thể đến bất kỳ lúc nào. Và điều kỳ diệu đã đến khi cơn nhiễm trùng qua nhanh trong một tuần.
Hai tháng nằm tại khu hồi sức, bé B.A có 25 ngày nuôi dưỡng hoàn toàn từ tĩnh mạch trung tâm, 45 ngày thở CPAP, 10 ngày thở ô-xy và cai dần ô-xy, tự thở, do thiếu máu nên bé B.A phải truyền máu 3 lần.
Bé cũng nhích lên thêm 1.100g, được ghép mẹ để chăm sóc bé theo phương pháp Kangaroo.
Và sau 120 ngày trường kỳ chiến đấu chống chọi với bệnh tật, khi ra viện, bé B.A đạt cân nặng 2.600g, hồng hào, bú tốt, bé được hẹn tái khám tại phòng khám sơ sinh theo dõi phát triển tinh thần vận động.
“Con giờ được khoảng 3,1kg, ăn tốt hơn trước, nhưng cũng phải theo dõi kỹ vì có những cơn sặc tím tái. Con khóc bớt hơn trước nhiều và đã biết hóng chuyện”, chị T chia sẻ niềm hạnh phúc.
Công việc vất vả, áp lực
Theo BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, tại đây có rất nhiều chị em gắn bó lâu năm: “Chăm sóc trẻ sơ sinh là vất vả nhất trong chuyên ngành nhi khoa, đã trụ ở đây thì phải cực kỳ yêu nghề. Phải có tình cảm, xuất phát từ tâm, mới làm được việc”.
BS Hương cho biết thêm, với trẻ sơ sinh thường đi liền điều trị với chăm sóc, trong đó chăm sóc là mảng quan trọng.
Với một trẻ sơ sinh nằm tại khu hồi sức, thường cứ 3 tiếng 1 lần cho ăn, thay tã, còn các bạn non tháng thì chăm sóc đặc thù hơn, ví như cho ăn nhiều hơn từ 12-16 bữa/ngày, thậm chí có những bạn phải nhỏ giọt dạ dày…
Cùng đó là thực hiện y lệnh, theo dõi từng diễn biến nhỏ nhất của trẻ nên khối lượng công việc mỗi ca trực rất lớn, xoay liên tục, rất áp lực và căng thẳng.
“Một tua trực có 5 cô chăm sóc 30 bạn, quan sát tỉ mỉ những chi tiết nhỏ. Phải nắm bắt từng trẻ trong ngày thế nào về ăn uống, hô hấp, diễn biến sức khỏe. Nếu không yêu nghề, yêu trẻ và tính kiên trì thì khó bám trụ được với công việc tại đây”, BS Hương cho biết.
Còn BS Nguyễn Ngọc Bình, kKoa Sơ sinh thông tin, tỷ lệ sơ sinh nhập vào khoa những năm gần đây tăng lên đáng kể, thường là 20-30 trường hợp sinh non dưới 37 tuần, còn trẻ rất non tháng trung bình ngày 1-2 ca dưới 1kg. Trẻ sinh non đòi hỏi chi tiết trong chăm sóc vì mọi thứ ở trẻ rất mong manh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.