Huyện Bắc Mê chỉ cách TP.Hà Giang hơn 50km nhưng chúng tôi đã mất gần 3 tiếng đồng hồ đi ôtô mới “bò” tới Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê. Đường đi khó, một bên là núi, một bên là vực thẳm, với những khúc cua tay áo “xoắn ruột”, nhiều đoạn “ổ trâu, ổ bò” khiến xe xóc nảy tung người. Dù đã đi nhiều trên cung đường Hà Giang nhưng lần đầu tiên “thử sức” ở cung Bắc Mê, tôi vẫn không khỏi choáng váng. “Đây là con đường dễ đi nhất của Bắc Mê rồi. Có nhiều nơi, chỉ 10km mà chúng tôi muốn đến với người bệnh, dù đi xe máy cũng phải mất 2-3 tiếng đồng hồ, hoặc chỉ đi xe được 1-2km rồi quẳng đi leo bộ, nửa ngày mới tới nơi” - thấy chúng tôi bạc mặt gượng cười chào hỏi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê thông cảm.
Đỡ đẻ dưới khe sâu
Điều dưỡng Nguyễn Thị Mẫn và đồng nghiệp đỡ đẻ dưới vực sâu và ngay vệ đường núi. Ảnh: D.L
"Khám chữa bệnh ở nơi đây vất vả lắm. Nhưng càng như vậy lại càng thương bà con, càng muốn làm nhiều hơn, dù chỉ là một chút để giảm bớt đau đớn cho họ. Chỉ mong các hủ tục sẽ ngày càng giảm bớt để những người phụ nữ, những đứa trẻ không còn phải gánh chịu những tổn thương, đau đớn nữa”.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung
|
Ở nơi xa xôi này, câu chuyện ám ảnh mọi người nhiều nhất chính là số phận của những thai phụ, sản phụ.
Trực tiếp tham gia đỡ đẻ 2 vụ “khó đỡ” gần đây, điều dưỡng Nguyễn Thị Mẫn kể lại, chiều 31.1, vào đúng 26 Tết Âm lịch, khoa đã nhận được thông báo có vụ tai nạn giao thông, người dân ngã xuống khe núi sâu, bác sĩ Săm và điều dưỡng Mẫn đã vội vã lên đường.
Tuy nhiên, đến nơi cả hai mới biết tình hình còn nguy hiểm hơn khi nằm dưới khe sâu là một thai phụ đang trở dạ. Thai phụ là Giàng Thị Thao (38 tuổi, thôn Hạ Sơn II, xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê, Hà Giang), mang thai lần thứ 5, đã đến ngày sinh nở. Chị đau bụng tại nhà nên được chồng đưa đi đẻ bằng xe máy. Khi đi đường núi, xe chạy hơi nhanh nên cả 2 vợ chồng và xe máy rơi xuống khe núi có độ sâu khoảng 10m, không tự trèo lên được, do đó đã gọi cấp cứu.
“Đến hiện trường, chúng tôi rất lo lắng vì người khỏe mạnh mà ngã xuống khe sâu thế còn gặp chấn thương nguy hiểm, đằng này là thai phụ bụng chửa vượt mặt, đang đau đẻ. Người chồng bị xây xát nhẹ, cứ rối rít vòng quanh vợ không biết làm gì. Còn chị vợ nhăn nhó đau đớn, luôn xoa bụng. Khi chúng tôi kiểm tra thì đầu em bé đã thò ra ngoài” – chị Mẫn kể.
Người chồng chỉ nói được một ít tiếng Kinh, còn sản phụ thì hoàn toàn không biết tiếng nên bác sĩ Săm và Mẫn chỉ có thể trấn an bằng lời, bằng cả cử chỉ để thai phụ yên lòng. Sau khi xin chỉ thị của Giám đốc Bệnh viện và được bác sĩ Chung yêu cầu “đỡ đẻ tại chỗ”, bác sĩ Săm và điều dưỡng Mẫn đã trải khăn, cho sản phụ nằm ở giữa khe núi và thực hiện các biện pháp để đỡ đẻ. Tiếng bé khóc chào đời vang cả rừng núi, khiến hai chị em cũng như trút được gánh nặng. Người bố nhìn đứa con khỏe mạnh đã nói bằng tiếng Kinh líu ríu: “May quá, may quá, cảm ơn bác sĩ”.
Sau đó, bác sĩ Săm và Mẫn lại phối hợp với người dân địa phương dìu sản phụ lên xe cứu thương. Vừa đi, bác sĩ Săm vừa giơ cao em bé lên trên đầu để tránh lá cứa vào người bé. Bé gái nặng hơn 3kg.
Những nỗi đau ám ảnh
Một ca đỡ đẻ giữa rừng. Ảnh: D.L
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung chia sẻ, ở nơi xa xôi, cách trở này, người dân tộc chiếm đa số với các dân tộc Mông, Tày, Dao, Hoa. Rất ít người trong số họ nói được tiếng Kinh, thất học hoặc trình độ văn hóa thấp. Họ cũng chịu hủ tục rất nặng nề khiến cho công tác khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân của nhân viên y tế nơi đây rất vất vả.
“Người dân tộc cho rằng trẻ con vừa chào đời mà đã “ra khỏi cửa” là không may mắn. Do đó, nhiều thai phụ đã đẻ tại nhà và gặp những chuyện không may. Họ thường đẻ ở nhà với sự trợ giúp của bà đỡ, những câu chuyện đau lòng như thai chết lưu, sản phụ bị băng huyết thường xảy ra” – bác sĩ Chung nói.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Bắc Mê cũng đã cấp cứu cho một sản phụ trong tình trạng sốc mất máu, vỡ tử cung. Trước đó, sản phụ đẻ ở nhà, một thời gian dài không sinh được, gia đình đã khiêng sản phụ từ thôn Lùng Cao (xã Giáp Trung) xuống trạm y tế xã. Tuy nhiên, nhân viên y tế cũng không xử lý được vì tình trạng sản phụ đã quá nguy kịch. Ôtô không vào được, sản phụ không thể ngồi xe máy, cuối cùng nhân viên trạm y tế đã dùng xe ba gác, đùn đẩy, trèo leo đưa sản phụ vượt 10km đường núi đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê. Các bác sĩ chỉ cứu được mẹ, còn thai nhi đã bị ngạt.
Điều dưỡng Mẫn cũng chia sẻ về một ca sinh nở chỉ nghe đã thấy đau điếng người, vừa mới diễn ra. Sản phụ mới 15 tuổi, sinh nở lần đầu, tuy nhiên gia đình không cho đi viện mà gọi bà đỡ ở địa phương. Tử cung chưa mở, nhưng với quan niệm “cứ xé rộng ra là lôi được đứa bé”, bà đã này đã “xé toang” cửa mình của sản phụ. Cho đến khi người mẹ ra máu xối xả, hôn mê thì người nhà mới đưa đến viện. Đứa bé cũng không cứu được mà sản phụ thì gặp thương tổn nặng nề.
Vừa chữa bệnh vừa “cãi” hủ tục
Chị Mẫn dẫn tôi đến thăm một sản phụ vừa sinh đôi 2 bé gái. Dù là “gái đẻ” nhưng sản phụ nhỏ thó, gày guộc, da xanh lướt. Sản phụ Giàng Thị Thì (34 tuổi, ở xã Thượng Tân, Bắc Mê) cho biết, chị đã sinh 4 lần, có 5 đứa con. Chị Thì cho biết, mình mới đẻ xong chỉ ăn cơm trắng với nước lọc là vì người già trong bản bắt kiêng, sợ ăn thức ăn thì đau đớn, khó lành vết thương.
Bác sĩ Hoàng Hoa Màn – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn chia sẻ: “Nhiều người dân tộc quan niệm “cái của vợ” mình thì không được ai nhìn thấy nên thường không cho vợ đi khám thai, khám phụ khoa. Không ít trường hợp sản phụ băng huyết, thai nhi nguy kịch mà người chồng nằng nặc không cho bác sĩ “sờ” vào vợ anh ta. Cuối cùng chúng tôi phải gọi bảo vệ cứng rắn “mời” anh ta ra khỏi bệnh viện để cứu chữa cho người vợ. Người dân ở đây cũng tin thầy cúng, ông lang, bà mế khá nhiều, do đó khi bị thương tích, ốm đau họ thích mời người đến cúng đuổi ma, đến bó lá chứ không thích đi bệnh viện. Do đó, có khi chúng tôi phải đến tận bản xa để vận động người dân đi khám”.
Điều dưỡng Lý Thị Bá Linh (khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn) cho hay, một điều khiến các chị “đau đầu” nữa là người dân tộc chỉ đi đẻ với “cái khăn quấn trên đầu”. Họ sinh xong con là gỡ khăn xuống quấn chứ nhất định không cho con mặc quần áo. Lý do là trẻ vừa sinh mặc quần áo không may(!). Các điều dưỡng vừa phải đi xin quần áo cho bé, vừa phải hết hơi vận động bố mẹ cho trẻ mặc quần áo cho ấm áp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.