90% đánh nhau sau uống rượu
Cứ vào dịp tết là các ca cấp cứu vì tai nạn giao thông và đánh nhau đến mức “sứt đầu mẻ trán” lại gia tăng rất nhiều. Tết vừa qua, tôi cũng gặp 1 thanh niên bị chấn thương sọ não do bị người khác phang mũ bảo hiểm vào đầu. Người nhà cho biết, thanh niên này đi chúc tết, trên đường đi va chạm với một xe khác. Hai bên đã dừng xe lời qua tiếng lại, sau đó cùng rút mũ bảo hiểm ra phang nhau đến mức chấn thương nặng. Có đến 90% các ca cấp cứu vì đánh nhau thì nạn nhân hoặc người gây án đều đã uống rượu, sau đó không kiềm chế được lời nói, hành động, dẫn đến xô xát.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai)
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-02-16/1455593232-dv---thay_ttxvn_20160105_giuongbenh-copy.jpg)
Số người nhập viện vì xô xát trong những ngày tết đã lên tới 5.100.
(ảnh chụp tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội). I.T
Đạo đức xuống cấp
Tôi cho rằng, việc đánh nhau trong dịp tết không chỉ là do ma men dẫn lối mà sâu xa do bản chất đạo đức xuống cấp khiến con người ngày càng trở nên xấu xa. Vì vậy, những va chạm tưởng chừng như bình thường cũng có thể trở thành những mâu thuẫn gây xô xát, vì con người đã không còn vị tha như trước. Theo tôi, chỉ có 50% con người ta hung hãn, thích “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với nhau là do bia, rượu, còn thực chất nhiều người có mầm mống hung hãn sẵn, họ chỉ mượn rượu làm cớ. Người ta vẫn biết chửi tục, vẫn biết đánh nhau khi không có bia, rượu nhưng bình thường họ không thể hiện ra, họ chờ có dịp để nói, để giải tỏa những gì dồn nén, ẩn ức trong lòng.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học)
Thiếu kiềm chế trong ứng xử
Tội phạm do hành vi đánh nhau, gây thương tích cho nhau trong dịp Tết Nguyên đán ở mức cao so với ngày thường, nó có thể tăng giảm theo từng năm. Vấn đề này có những lý do khách quan, có nguyên nhân và điều kiện riêng.
Thứ nhất, dịp Tết Nguyên đán thường có thời gian nghỉ dài, người dân có điều kiện tụ họp để vui chơi, ăn uống, đặc biệt sử dụng rượu, bia với số lượng cao. Khi sử dụng rượu, bia thường con người không làm chủ được hành vi, dễ bị kích động, dễ dẫn đến bạo lực trong sinh hoạt cao hơn so với ngày thường.
Thứ hai, hành vi bạo lực, đánh nhau, gây thương tích, qua nghiên cứu thấy địa bàn nông thôn phức tạp hơn thành phố. Lý do trong dịp tết, mọi người đi làm ăn xa ở khắp nơi về sum họp, sinh hoạt với gia đình nhiều hơn so với thành phố. Để giảm bớt tình trạng này vấn đề tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân rất quan trọng.
PGS -TS Đỗ Cảnh Thìn (Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học, Viện Khoa học cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an)
Trăm đường tại… rượu
Tết năm ngoái tôi đã bị dính đòn bởi cuộc ẩu đả sau cuộc nhậu. Mới ngồi vào mâm, anh em chúc tụng nhau toàn lời hay, ý đẹp. Khi rượu ngà ngà, lôi đủ thứ chuyện ra nói, rồi lời qua tiếng lại, bữa liên hoan trở thành cuộc ẩu đả, hai người xông vào đấm đá như muốn ăn thịt nhau. Tôi đứng ra can ngăn thì bị ăn trọn một quả đấm vào mặt, tóe cả máu mũi. Sau bữa nhậu ấy, bạn bè không đứa nào nhìn mặt nhau nữa. Tai hại nhỡn tiền xảy ra từ rượu ai cũng biết, nhưng lạ thay, bây giờ uống rượu lại thành phong trào, uống đến mức nôn ra ngay tại mâm cơm! Uống rượu say cũng là tệ nạn xã hội, sao nhà nước lại buông lỏng vấn đề này?
Bạn đọc Trần Văn Song (Giao Thủy, Nam Định)
Phạm tội do say rượu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự
Say rượu dẫn đến nhiều hệ lụy, nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, nhiều vụ án mạng, cãi chửi nhau xảy ra từ uống rượu. Người say rượu đánh nhau vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. Tuy nhiên tại Điều 14 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Thậm chí đối với một số tội phạm, BLHS còn coi đây là các tình tiết tăng nặng. Hành vi cố ý gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật, dù trong bất cứ trường hợp nào. Tùy mức độ mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như dùng hung khí nguy hiểm hoặc có tính chất côn đồ… thì có dấu hiệu tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam)./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.