Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai có trong hơn 90.000 ha cà phê cho thu hoạch trong niên vụ 2023-2024.
Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai thu hoạch được 80% diện tích cà phê. Qua khảo sát, giá cà phê năm nay tăng cao, dao động trong khoảng 12.000 - 14.000 đồng/kg tươi và 57.000 - 64.000 đồng/kg nhân. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến thất thường đã khiến cho năng suất cà phê sụt giảm từ 30-40%, dẫn đến thu nhập của người dân không chênh lệch là bao so với niên vụ trước.
Cũng qua ghi nhận của PV Dân Việt, vẫn còn trình trạng nhiều hộ dân hái cà phê khi chưa đạt độ chính (còn gọi là cà phê xanh) để bán cho các thương lái. Lý do là bởi, mức giá thu mua cà phê chín và cà phê xanh không chênh lệch nhau nhiều.
Đang thu hoạch 3,4 ha cà phê, gia đình chị Lê Thị Thắm (trú tại thôn Ku Toong, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) chia sẻ, năm nay thời tiết không mấy thuận lợi nên năng suất chỉ đạt khoảng 15 tấn tươi/ha, giảm 1/3 so với năm ngoái.
Gia đình chị Thắm chia ra khoảng 3 đợt để thu hái cà phê. Theo đó, đợt 1 và đợt 2 gia đình sẽ hái tỉa (lựa chọn những quả chín để hái trước) rồi đợt 3 sẽ hái hết toàn bộ dù cho độ chín chỉ đạt tới 60%.
"Không những năm nay mà những năm trước, giá thu mua cà phê chín và cà phê xanh đều tương đương nhau hoặc chênh nhau vào trăm đồng. Do vậy, người trồng rất thiệt thòi. Hơn nữa, các thương lái không đưa ra một quy định hay tiêu chuẩn nào cho giá thu mua cà phê nên mới xảy ra việc mạnh ai nấy mua, mạnh ai nấy bán", chị Thắm bộc bạch.
Cũng theo chị Thắm, nếu để cà phê chín rồi mới thu hái thì quả cà phê sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây. Từ đó, cây bị suy kiệt.
Xuôi về huyện Chư Păh, ông Nguyễn Hữu Hùng (trú tại thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chia sẻ, năm nay thời tiết không mấy thuận lợi nên vườn cà phê 1 ha của gia đỉnh chỉ cho sản lượng khoảng 14 tấn tươi, giảm 1/3 so với năm ngoái. Gia đình ông lựa chọn hái trong 1 đợt để nhằm giảm bớt chi phí cũng như nhân công.
Cũng theo ông Hùng, dù chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo bà con thu hái cà phê khi đạt độ chín trên 80% nhưng người dân trên địa bàn thu hái cà phê xanh rất nhiều. Thứ nhất là các thương lái đều thu mua cà phê chín như cà phê xanh. Thứ hai là một số rẫy của người dân xa nhà nên họ tranh thủ hái nhanh để tránh tình trạng bị mất trộm.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Păh cho biết, trước khi bước vào vụ thu hoạch cà phê, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con thu hái cà phê với tỷ lệ chín đạt trên 80% và chia làm 3 đợt hái cho đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận trên địa bàn huyện vẫn có trường hợp người dân hái cà phê xanh không đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân do thói quen của người dân khi thu hoạch thường tuốt hết, hái cả cành khi thu hoạch nhằm tiết kiệm chi phí nhân công. Ngoài ra, cà phê đang có giá cao nên tâm lý của họ muốn thu hoạch nhanh để bán sợ giá giảm khi vào thu hoạch rộ. Các đại lý thu mua thường mua xô, giá cà phê xanh và cà phê chín không có sự chệnh lệch nhiều.
"Việc thu hái cà phê xanh không chỉ làm giảm chất lượng cà phê nhân mà còn làm giảm sản lượng vườn cây một cách đáng kể. Vì vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân hạn chế đến mức tối đa tình trạng thu hái cà phê quả xanh. Ngoài ra, sau thu hoạch, bà con chú ý khâu phơi sấy, bảo quản sản phẩm đúng cách tránh để xảy ra tình trạng thất thoát cũng như sản phẩm bị nấm mốc làm giảm chất lượng cà phê khi xuất khẩu", ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Châu Tấn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai cho hay, đơn vị cũng đã ban hành nhiều văn bản đến Hội Nông dân các xã, thị trấn và các chi, tổ hội nghề nghiệp về việc thu hái cà phê đạt độ chín trên 80% trước khi vào vụ thu hoạch.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các hộ dân phải tuân thủ việc hái cà phê chín thì mới cho ra sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở thu mua trên địa bàn và tuyên truyền, yêu cầu họ ký cam kết không được thu mua quả xanh của người dân để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
"Hiện, trên địa bàn huyện đã có 69 tổ, hội nghề nghiệp trồng cà phê liên kết với các doanh nghiệp theo tiêu chuẩn 4C và giá thu mua rất cao. Thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực tuyên truyền các hội viên, nông dân tham gia vào các tổ hội này nhằm thay đổi tư duy về sản xuất, thu hoạch để cho ra sản phẩm chất lượng", ông Lập thông tin thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.