Trong bài viết mới được xuất bản gần đây, tờ Wall Street Journal cho biết, ông Paul Ferneyhough – Phó Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Talisman (Canada) cùng với các lãnh đạo khác của hãng tỏ ra rất phấn khích về triển vọng của sự hợp tác với PetroVietnam trong việc khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam.
Theo tiết lộ của Talisman, trong năm nay, tập đoàn này sẽ tiến hành khoan 2 giếng thăm dò bất chấp việc này có thể đẩy Talisman vào cuộc xung đột gay gắt với Trung Quốc bởi nước này vẫn ngang ngược cho rằng một số lô mà Talisman chuẩn bị khoan là thuộc vùng biển Trung Quốc có chủ quyền.
Khi phóng viên của WSJ hỏi về thái độ và phản ứng của Talisman nếu phía Trung Quốc phản đối, thậm chí gây sức ép căng thẳng nhằm ngăn chặn sự hợp tác với Việt Nam, ông Ferneyhough đã từ chối bình luận và khẳng định ông tin tưởng vào sự bảo đảm của Việt Nam rằng Talisman có quyền khai thác dầu tại đó.
Trên thực tế, Talisman không phải là hãng dầu mỏ quốc tế đầu tiên bị Trung Quốc dọa nạt khi có ý định hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Trước đây, đã từng có những tập đoàn như Exxon Mobil, Chevron, ConocoPhillips hay BP phải rút lui hoặc trì hoãn, do dự do không muốn va chạm với Trung Quốc nhưng ngày nay, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn.
Cùng với sự đe nẹt các hãng dầu khí nước ngoài, Trung Quốc còn cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông để từng bước hiện thực hóa tham vọng độc chiến vùng biển giàu tiềm năng này. Tháng 5.2014, được sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh, công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, châm ngòi cho một cuộc đối đầu giữa các tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc.
Ngày 15.7, Trung Quốc nói rằng nước này đã hoàn tất việc khoan dầu và rút giàn khoan ra khỏi đó, nhưng khả năng bất chấp tất cả để quay lại Biển Đông của Trung Quốc vẫn để ngỏ.
Theo WSJ, cả Talisman và Harvest Natural Resources ( tập đoàn năng lượng có trụ sở đặt tại Mỹ) đều chưa bắt đầu các hoạt động khoan thăm dò hoặc khai thác tại các lô thuộc khu vực “điểm nóng”. James Edmiston - Giám đốc điều hành của Harvest Natural Resources tiết lộ rằng tập đoàn này đang trong quá trình rút bớt những lợi ích và hoạt động của mình tại Trung Quốc để tập trung sang Việt Nam.
Nhiều tập đoàn dầu mỏ vẫn quan tâm đến Việt Nam.
Bên cạnh một số “người thận trọng” thì vẫn còn đó khá nhiều hãng sẵn sàng tiếp tục hoặc bắt đầu mới công việc của mình ở Việt Nam. Exxon Mobil là một ví dụ. Năm 2009, tập đoàn năng lượng của Mỹ này đã đạt được thỏa thuận khai thác với Việt Nam. Exxon Mobil và PetroVietnam đã khoan thành công hai mỏ dầu năm 2011 và 2012, và dự kiến sẽ khoan mỏ thứ ba trong năm nay. Phát ngôn viên của Exxon nói rằng tranh chấp chủ quyền do các chính phủ giải quyết và từ chối bình luận về thực trạng các kế hoạch khoan dầu tại đó.
Không chỉ thử thách ban lãnh đạo các tập đoàn năng lượng, việc ngày càng nhiều hãng dầu khí Mỹ nhảy vào thị trường Việt Nam còn là sự “đo đếm” khả năng của Chính quyền Tổng thống Obama trong việc bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp nhà đang hoạt động ở Việt Nam hay Philippines đồng thời không làm các mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi quá nhiều.
Có lẽ vì vậy mà các quan chức cao cấp của Mỹ vẫn khá thận trọng và dè dặt hoặc ít khi đưa ra những tuyên bố công khai về những thách thức mà các công ty Mỹ phải đối mặt tại Biển Đông. Trả lời câu hỏi của WSJ, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối cung cấp thông tin về cách thức mà Mỹ và Trung Quốc xử lý vấn đề này, nhưng nói rằng Mỹ ủng hộ việc mở rộng các mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Việt Nam.
“Dù vậy, quy mô của thị trường năng lượng Trung Quốc và tầm ảnh hưởng của các công ty dầu mỏ Trung Quốc đang mang lại cho nước này một sức mạnh đáng kể trong làm ăn với các công ty dầu mỏ quốc tế và nó vẫn là một lực cản khá lớn đối với việc thu hút các công ty dầu khí nước ngoài của Việt Nam”, tờ WSJ đưa ra bình luận.
Một giàn khoan dầu của Việt Nam trên biển.
Cũng theo WSJ, hồi năm ngoái các lãnh đạo của tập đoàn Exxon Mobil và PetroVietnam đã gặp nhau tại thủ đô Washington và cam kết thúc đẩy hợp tác. So với các đối thủ khác, hoạt động của Exxon tại Trung Quốc là không nhiều và tập đoàn này không mấy lo lắng về việc bị thiệt hại nếu Trung Quốc “ra tay trả đũa” vì đã cố tình hợp tác làm ăn với Việt Nam. Lợi ích của Exxon tại Trung Quốc bao gồm một phần cổ phần nhỏ trong nhà máy lọc dầu ở Nam Trung Quốc và một thỏa thuận khai thác khí đốt với PetroChina.
Tập đoàn Murphy Oil, vốn không có hoạt động nào tại Trung Quốc, đã nhất trí triển khai hoạt động khai thác ngoài khơi Việt Nam. Phát ngôn viên của Murphy Oil nói rằng công ty này đang tìm kiếm thêm những cơ hội tại Việt Nam.
Việt Nam đã cam kết sẽ bảo vệ đến cùng mọi hoạt động khoan thăm dò hoặc khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Tuy nhiên, một số tập đoàn khác đã tạm thời đành phải đứng ngoài nhìn vào thị trường Việt Nam “một cách thèm thuồng” bởi lợi ích của họ ở Trung Quốc là quá lớn và không thể mạo hiểm.
WSJ cho biết, họ đã “nghe ngóng” được từ giới ngoại giao cho biết, Việt Nam đã cam kết sẽ bảo vệ đến cùng mọi hoạt động khoan thăm dò hoặc khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nhưng đến nay, Chevron đã ngừng hoạt động khảo sát địa chấn tại một lô năm 2007. Nhưng ngay khi Chevron vừa “rút chân ra” thì tháng 6.2014, Công ty dầu mỏ Italia ENI SpA đã ký một hợp đồng với PetroVietnam cùng khai thác khu vực mà Chevron theo đuổi từ lúc đầu.
(Theo Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.