Giàn khoan Trung Quốc ở Biển Đông: Vì địa chính trị chứ không vì dầu mỏ

Thứ tư, ngày 21/05/2014 09:50 AM (GMT+7)
Các chuyên gia nhận định rằng, tìm cách hạ đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đang theo đuổi các mục tiêu địa chính trị chứ không phải kinh tế.
Bình luận 0
Tại Moskva đang diễn ra hội thảo khoa học lớn về lịch sử Việt Nam và mối quan hệ Nga - Việt Nam. Tình hình căng thẳng xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông trở thành một trong những chủ đề tâm điểm tại hội thảo lần này. Các chuyên gia nhận định rằng, tìm cách hạ đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đang theo đuổi các mục tiêu địa chính trị chứ không phải kinh tế.

img
© Photo: Flickr.com/bluesmoon/cc-by-nc-sa 3.0

Giàn khoan Hải Dương-981 trị giá gần một tỷ đô la được xây dựng cho các hoạt động khoan ở độ sâu lớn. Nhưng như được biết, trữ lượng dầu khí tại vị trí hạ đặt Hải Dương-981 là không đáng kể. Sự xuất hiện của giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã gây phản ứng rất mạnh mẽ tại Việt Nam, đột ngột gia tăng độ căng thẳng trong khu vực. Phó Giáo sư Grigory Lokshin từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, đây là một thách thức không chỉ với Việt Nam mà cả các nước Đông Nam Á khác, cũng như Hoa Kỳ:

“Do vị trí địa chính trị, hôm nay Việt Nam lọt vào sự giao cắt đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất cả những gì Trung Quốc hành động liên quan đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác cần phải được đánh giá qua lăng kính quan hệ Mỹ-Trung. Chuyến công du gần đây của Tổng thống Mỹ Obama ở Đông Á cho thấy “bước ngoặt” của Mỹ về phía châu Á được quảng bá rầm rộ đang có chiều hướng lụi tắt, Mỹ vất vả đưa đẩy giữa các đồng minh châu Á và Trung Quốc. Bằng việc hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông, Trung Quốc muốn chứng tỏ với các quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ không thể làm gì nhiều hơn. Đây còn là một thách thức với ASEAN - sự kiện diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar.”

Xung đột trên Biển Đông không chỉ là sự đối đầu về chủ quyền các vùng lãnh thổ, - PGS. TSKH. Trần Khánh, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á tại Việt Nam nhận xét. Theo ông đây còn là xung đột địa chính trị, lợi ích giữa các nước lớn. Việt Nam chủ trương giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình, sử dụng các phương pháp ngoại giao và pháp lý, thông qua các cuộc đàm phán song phương và đa phương.

Chính trị gia người Anh thế kỷ XIX huân tước Palmerston đã nêu một công thức nổi tiếng: "Nước Anh không có kẻ thù hay bạn bè vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích vĩnh viễn." Công thức này vẫn phù hợp trong thời đại chúng ta. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, - ông Grigory Lokshin nói. Những lợi ích này được hình thành trong một tập hợp phức tạp, bởi Việt Nam và Trung Quốc đều ràng buộc chặt chẽ trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế.

“Rõ ràng là các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện sự bình tĩnh và kiên nhẫn tuyệt vời trong trường hợp này, khi họ đưa ra sự đánh giá công khai về tình hình vào ngày 16 tháng 5, gần hai tuần sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa, - Phó Giáo sư Grigory Lokshin nói. – Các cuộc đàm phán được thực hiện tích cực với phía Trung Quốc, đã làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn leo thang xung đột lên cấp độ quốc tế.”
Đài Tiếng nói nước Nga (Theo Đài Tiếng nói nước Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem