Mang hơn 2.400 tỷ đồng cho vay, Đức Long Gia Lai đang kinh doanh ra sao?

Trung Kiên Thứ hai, ngày 20/09/2021 19:09 PM (GMT+7)
Mang hơn 2.400 tỷ đồng cho người khác vay không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3 nhưng đại gia Đức Long Gia Lai vẫn ngập trong nợ nần khi gánh khoản lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng.
Bình luận 0

Công ty Cổ phần Đức Long Gia Lai (DLG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán với nhiều vấn đề trong nội tại của doanh nghiệp.

Theo đó, DLG dù có vốn góp chủ sở hữu gần 2.994 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này đang cho một số tổ chức, cá nhân vay số tiền lên tới gần 2.410 tỷ đồng. Đáng chú ý là các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.

Cụ thể, DLG cho nhiều đối tượng vay ngắn hạn số tiền 1.191 tỷ đồng và cho vay dài hạn hơn 1.281 tỷ đồng.

Khoản cho vay ngắn hạn lớn nhất trị giá hơn 582 tỷ đồng lại không được thuyết minh cụ thể mà chỉ chú thích "cho các đối tượng khác vay". Trong khoản mục cho vay dài hạn, doanh nghiệp cũng cho các đối tượng khác vay hơn 168 tỷ đồng.

img

Ông Bùi Pháp - Chủ tịch Hội đồng quản trị DLG cũng thế chấp nhiều tài sản cá nhân để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn

Ngoài các doanh nghiệp, DLG cũng cho hai cá nhân vay số tiền lần lượt là 108 tỷ đồng và 132 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp hay bảo lãnh. Phần lớn các khoản cho vay của DLG đều có lãi suất trên 10%/năm.

Cho nhiều cá nhân vay không cần tài sản đảm bảo hay bảo lãnh, bản thân Đức Long Gia Lai cũng được một cá nhân là ông Trịnh Đình Trường cho vay 138 tỷ đồng tín chấp, không lãi suất.

Ngoài các khoản cho vay "hào phóng" nói trên, doanh nghiệp phố núi còn bị kiểm toán nhấn mạnh yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục khi DLG có khoản lỗ lũy kế hơn 842 tỷ đồng tại ngày 30/6/2021.

Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp cũng đã vượt qua tổng tài sản ngắn hạn của công ty là hơn 238 tỷ đồng. DLG cũng đang có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là hơn 1.808 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán được công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, Đức Long Gia Lai đạt doanh thu thuần 903 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng có lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 295 tỷ đồng.

Năm 2021, Đức Long Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 150 tỷ đồng. So với kế hoạch này, công ty hoàn thành gần 50% chỉ tiêu kinh doanh sau một nửa thời gian, nhưng lợi nhuận sau thuế mới hoàn thành được hơn 15%.

Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Đức Long Gia Lai đạt gần 8.200 tỷ đồng. Nhưng nợ phải trả lên tới gần 5.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 3.148 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 2.510 tỷ đồng.

Mang hơn 2.400 tỷ đồng đi cho vay không có tài sản đảm bảo nhưng DLG cũng đang vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.472 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là hơn 2.420 tỷ đồng.

Chủ nợ ngân hàng lớn nhất của DLG bao gồm BIDV chi nhánh Gia Lai với dư nợ gần 2.000 tỷ đồng cả vay ngắn và dài hạn. Sacombank, VietinBank,... cũng là những chủ nợ ngân hàng khác của doanh nghiệp với dư nợ cho vay từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng.

Ngoài hàng loạt tài sản của doanh nghiệp bị đem đi thế chấp cho ngân hàng để vay vốn, vợ chồng Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp cũng sử dụng nhiều tài sản cá nhân để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn.

Xuất phát điểm là một xí nghiệp chế biến gỗ thành lập năm 1995 rồi phát triển thành tập đoàn đa ngành, hiện Đức Long Gia Lai hoạt động trải dài trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, cơ sở hạ tầng (dự án BOT, BT), sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng.

Tình hình tài chính của doanh nghiệp phố núi chuyển xấu từ năm 2019 khi lần đầu báo lỗ 7 tỷ đồng.

Năm 2020, công ty lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng, lập kỷ lục buồn trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem