Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh. Đặc biệt vào các tháng cuối năm 2023 và dịp Tết dương lịch, trước, trong Tết nguyên đán năm 2024.
Hơn 10 nghìn điếu thuốc lá điện tử bị thu giữ
Riêng với mặt hàng thuốc lá điện tử, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã ra quân tiến hành kiểm tra liến tiếp 4 cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử tại các quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng.
Cụ thể, tại địa chỉ số 17 Nguyễn Ngọc Doãn, Quận Đống Đa, Thành Phố Hà Nội, cơ sở kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Thực tế kiểm tra, Đội QLTT số 1 đã tạm giữ 118 sản phẩm là máy hút thuốc lá điện tử, đầu đốt, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử là hàng hóa nhập lậu.
Tiếp đó, tại cơ sở kinh doanh số 18 Triệu Việt Vương, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng. Đây là cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, lực lượng Quản lý thị trường vẫn phát hiện 127 lọ tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử và máy hút thuốc lá điện tử dùng một lần là hàng hóa nhập lậu. Đáng nói, trước đó cơ sở này đã tái phạm dù đã bị xử phạt bởi Đội Quản lý thị trường số 5.
Tại Cơ sở kinh doanh địa chỉ Số 6A ngõ 121 Chùa Láng, P Láng Thượng, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Cơ sở kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Lực lượng chức năng cũng phát hiện và tạm giữ 274 lọ tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử, máy hút thuốc lá điện tử dùng một lần là hàng hóa nhập lậu.
Cơ sở có số lượng hàng vi phạm lớn nhất trong đợt truy quét có địa chỉ tại số 6 ngõ 121 Chùa Láng, Quận Đống Đa. Cơ sở này không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện tổng cộng 10.020 sản phẩm dùng cho thuốc lá điện tử là hàng hóa nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm tại đây lên đến hơn 1,8 tỷ đồng.
Phát hiện hàng hóa vi phạm có hệ thống tại chuỗi tiêu dùng giá rẻ
Đồng loạt tiến hành kiểm tra hàng chục điểm bán hàng thuộc hệ thống Lamason 10K nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội), lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ nhiều sản phẩm dao cạo râu giả mạo nhãn hiệu và có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Gillette - nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, các đội địa bàn gồm Đội Quản lý thị trường số 6 và số 14 vừa tiến hành kiểm tra tổng 15 điểm kinh doanh thuộc Hệ thống Lamason 10k nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm. Được biết, hệ thống siêu thị tiện ích LamaSon 10k được biết tới với gần 30 cửa hàng phủ khắp mọi "ngóc ngách" của Thủ Đô
Kết quả kiểm tra cho thấy, 6/15 cửa hàng thuộc Hệ thống Lamason 10K đều có bán sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu.
Trong số đó, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng trăm dao cạo râu có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu Gillette đã được đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam. Để có cơ sở khẳng định đúng các hành vi vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành gửi mẫu đến Công ty TNHH tư vấn THB - đơn vị bảo hộ nhãn hiệu của Gillette tại Việt Nam xem xét và xác nhận số hàng hóa đang tạm giữ là hàng thật hay hàng giả mạo nhãn hiệu Gillette. Hiện lực lượng Quản lý thị trường đang chờ kết quả giám định để làm cơ sở xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP, yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là đối tượng cần đáp ứng đủ ba điều kiện dấu hiệu được gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa; trùng hoặc tương tự đến mức gây nhẫm lẫn với nhãn hiệu; được sử dụng một cách không hợp pháp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.