Tại đại hội cổ đông sáng nay (18.4), ông Lê Hồng Xanh, Tổng Giám đốc Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã SAB) cho biết, nếu quy định việc dán tem đối với tất cả các sản phẩm bia được triển khai áp dụng sẽ khiến Sabeco gia tăng đáng kể chi phí với con số dự kiến lên tới 900 tỷ đồng (theo kế hoạch sản lượng năm 2017), chưa kể các chi phí thiết bị phải đầu tư liên quan.
Cũng theo ông Xanh, nếu gia nhập TPP và một loạt các hiệp định thương mại tự do thì khi giá thuế nhập khẩu bia giảm xuống 0% sẽ tạo ra nhiều rủi ro, thách thức cho các hãng bia nội và bia Sài Gòn nói riêng khi phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm nhập khẩu; trong khi khả năng tận dụng gia tăng xuất khẩu bia là không cao. Vì bia là mặt hàng mang tính khẩu vị và gu tiêu dùng, chưa kể là những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Ngoài ra, một loạt các khó khăn khác được Sabeco thông tin đến cổ đông như: Áp lực gia tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5% từ ngày 1.1.2017; tỷ giá dự kiến có thể tăng 2% trong năm 2017 sẽ làm chi phí nhập khẩu các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bia tăng...
Dù vậy, ông Xanh cũng thông báo đến cổ đông kết quả kinh doanh quý 1.2017 khá thuận lợi với doanh thu đạt 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.222 tỷ, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra
Trước câu hỏi vì sao Sabeco lại đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2017 lại khá thận trọng so với năm 2016? Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho biết, Sabeco đang gặp khó khăn về áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng bia, đặc biệt là sự xâm nhập thị trường của thương hiệu bia hàng đầu thế giới cả về thương hiệu lẫn tiềm lực tài chính. Chưa kể, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi theo hướng dịch chuyển sang các sản phẩm cấp cao cũng là một thách thức với hãng khi Sabeco chưa có dòng sản phẩm này. Chính vì vậy, mục tiêu của Sabeco trước mắt vẫn là giữ vững thị trường...
Ngoài ra, ông Hà cũng cho biết, một mục tiêu quan trọng trong năm 2017 là kế hoạch bán vốn nhà nước tại Sabeco. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Chính phủ về thời điểm, tỷ lệ thoái vốn nhà nước tại Sabeco. Hiện HĐQT vừa nhận được văn bản chỉ đạo về vấn đề này và sẽ lên kế hoạch cụ thể trình cổ đông sớm nhất. Riêng về kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, Sabeco sẽ xin ý kiến Bộ Công thương phương án xử lý từng dự án phù hợp.
Trong kế hoạch phân phối lợi nhuận, HĐQT Sabeco cũng dự kiến đặt kế hoạch tổng quỹ tiền lương và thưởng năm 2017 của HĐQT và Ban kiểm soát gồm 4 người chuyên trách ở mức 6,99 tỷ đồng (năm 2016 là hơn 5 tỷ đồng). Mức thù lao HĐQT năm 2017 là 1,86 tỷ đồng cho 6 người (năm 2016 là 783 triệu đồng cho 4 người). Tuy nhiên, tại Đại hội, Ban Chủ tọa cho biết tờ trình về quỹ tiền lương thưởng năm 2017 đến thời điểm này Bộ Công Thương chưa thông qua nên sẽ giữ nguyên như năm 2016.
Đồng thời, vấn đề bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát Lý Minh Hoàng cũng chưa được Bộ Công Thương phê duyệt nên trước mắt cổ đông chỉ thông qua việc miễn nhiệm vị trí thành viên Ban kiểm soát đối với ông Hoàng Giang Bình.
Trước đó, ngày 16.2, Sabeco đã tổ chức phiên họp cổ đông bất thường nhằm thông qua việc miễn nhiệm nhân sự cấp cao với ông Vũ Quang Hải, thành viên HĐQT; đồng thời miễn nhiệm tư cách Thành viên Ban kiểm soát đối với ông Chung Chí Dũng.
Đại hội cũng thông qua bổ nhiệm Thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ 2013-2018 với ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc Sabeco. Ông Nam cũng đồng thời là người được Bộ Công Thương giao đại diện phần vốn Nhà nước và giới thiệu tham gia HĐQT sau khi ông Vũ Quang Hải có đơn xin rút khỏi HĐQT Sabeco.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.