Mất cát chưa phải chuyện lớn

Hải Phong Thứ tư, ngày 10/12/2014 07:09 AM (GMT+7)
Trong vụ cát tặc lộng hành nhiều năm ở Phúc Thọ, Hà Nội, có 2 thứ tài sản quý giá bị mất: Thứ nhất là cát, hàng nghìn mét khối mỗi ngày.
Bình luận 0

Và một loại tài sản tuy vô hình nhưng trị giá lớn hơn nhiều lần: Đó là niềm tin của người dân.Dù sau khi xảy ra việc, lãnh đạo huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đều khẳng định mình đã làm hết trách nhiệm trong việc ngăn chặn tình trạng cát tặc nhiều năm nay qua, nhưng thực tế vẫn là thực tế: Chỉ sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, tiếp đó Bộ Công an trực tiếp đưa quân vào thì nhóm cát tặc mới bị triệt phá trong sự bất ngờ của địa phương. Rõ ràng chính quyền huyện Phúc Thọ chưa làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn của mình.

Nhưng, thay vì nhận sai, lãnh đạo huyện Phúc Thọ đã nêu ra biết bao lý do để giải thích cho sự bất lực trước nạn cát tặc: Do địa bàn giáp ranh với huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) nên khó phối hợp truy bắt; do lực lượng mỏng, trang bị kém; thậm chí còn cho rằng đã báo lên cấp trên xin ý kiến (UBND, Công an TP.Hà Nội) nhưng không nhận được hồi âm…(?).

Người ta vẫn nói, khi anh đưa ra những lý do để biện minh cho sai lầm của mình thì đó lại là một sai lầm nữa. Và anh sẽ không thể trưởng thành nếu đưa hết lý do này lý do khác để bào chữa cho sai lầm, thay vì tìm ra biện pháp khắc phục nó.

Những lý do mà lãnh đạo huyện Phúc Thọ đưa ra có thực sự thuyết phục người dân và dư luận không thì không rõ, nhưng có một thực tế, người dân đã mất đi phần nào niềm tin vào khả năng điều hành của bộ máy công quyền, nhất là với những vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp tới trật tự an toàn xã hội như nạn cát tặc. Vì thế, họ có quyền nghi ngờ khả năng vận hành của bộ máy công quyền trước những vấn đề nan giải khác: Liệu nó trơn tru hoạt động hay sẽ lại bế tắc, bất lực như với nạn cát tặc?

Bởi, hãy thử mổ xẻ những lý do được nêu ra: Có khó không chuyện phối hợp, kết nối giữa hai địa phương để cùng hợp đồng tác chiến, triệt phá tội phạm vùng giáp ranh? Có khó không chuyện phát hiện, xử phạt, thu giữ những chiếc tàu to lớn, đêm nào cũng chễm chệ trên sông để hút hàng nghìn mét khối cát, đem lại cả tỷ đồng cho những kẻ làm việc phi pháp? Khó không khi hầu hết những kẻ cầm đầu nhóm cát tặc đều là người trong huyện?...

Có thể khẳng định, nếu huyện Phúc Thọ làm hết trách nhiệm, coi vấn nạn cát tặc như một cái gai phải nhổ ngay, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thì sự việc đã khác. Nếu có được sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp ủy, chính quyền ngay từ đầu, có lẽ bộ máy công quyền ở đây đã không bó tay trước nạn cát tặc trong thời gian dài như vậy. Sau mỗi sai lầm sẽ là một bài học. Và đây sẽ là một bài học đối với chính quyền huyện Phúc Thọ trong công tác quản lý, vận hành bộ máy công quyền sao cho hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn, đáp ứng được sự tin tưởng của người dân cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem