Năm nay tôi có dịp tham dự Hội chợ ThaiFEX 2013 tại Bangkok (Thái Lan) để tìm hiểu cách tổ chức hội chợ quốc tế như thế nào và các mặt hàng từ nông nghiệp của các nước được chế biến ra sao. ThaiFEX là hội chợ thương mại quốc tế chuyên ngành thực phẩm và đồ uống, công nghệ thực phẩm, cung ứng thực phẩm, các loại hình bán lẻ và nhượng quyền thương mại. Đây là hội chợ được tổ chức hàng năm, là cơ hội tuyệt vời để cho các nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm "thực phẩm, đồ uống, và thủy sản" tìm kiếm cơ hội kinh doanh và khách hàng muốn mua sản phẩm xuất xứ Á châu và các nước khác trên thế giới.
|
Vị thế của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế còn khiêm tốn. |
Xem Triển lãm ThaiFEX rồi mới thấy các hội chợ triển lãm của Việt Nam không thể so sánh vào đâu được nếu tính đến số khách hàng quốc tế đến xem và thương lượng đặt mua hàng ngay tại gian hàng triển lãm. Trước cổng hội chợ, một biểu ngữ to với hàng chữ "Thailand Kitchen of the World" (Thái Lan - Nhà bếp của Thế giới). 3 ngày đầu chỉ dành cho các khách hàng vào xem và đặt mua hàng. Ngày chót mở cửa cho dân chúng vào xem và mua ngay hàng đang được triển lãm, thay vì nhà triển lãm phải tốn công chở về nước họ.
Vắng gian hàng gạo Việt
Theo thống kê của Ban Tổ chức ThaiFEX, có tất cả 36 quốc gia trưng bày sản phẩm tại 1.349 gian hàng thuộc 22 nhóm hàng và 10 nhóm giải pháp, thiết bị chế biến, thiết bị nhà hàng-khách sạn, và các chất phụ gia trong chế biến. Nước chủ nhà Thái Lan có 715 gian hàng triển lãm tất cả các nhóm hàng, gồm những sản phẩm chế biến từ nông sản, nhất là chế biến từ gạo và nếp. Kế tiếp là 105 gian hàng của Trung Quốc, theo sau là Hàn quốc (84), Italia (77), Malaysia (73), Đài Loan (48), Nhật (47).
Việt Nam có 11 gian hàng bánh kẹo, sữa, mì ăn liền, hủ tiếu khô (ăn liền), bún ăn liền, bánh hỏi ăn liền. Có nhiều thức ăn được chế biến cho người tiêu dùng trong thời đại công nghiệp, chỉ cần vài phút nấu là có thể ăn được rồi. Đáng chú ý là bữa ăn đầy đủ cơm và thức ăn trên một khay bán sẵn, chỉ cần đưa vào lò viba mấy phút là có ăn ngay. Loại này được nhằm vào học sinh, sinh viên, người làm văn phòng hoặc nhà xưởng. Nhiều loại nước uống độc đáo thí dụ như nước xí muội, nước dừa tươi đóng chai hoặc nguyên trái ướp lạnh, có thể thay thế nước ngọt đóng chai vừa đắt tiền vừa có hại cho sức khỏe.
Hai công ty Thái Lan chuyên sản xuất dừa dứa tươi, hàng ngày xuất khẩu sang Mỹ dưới dạng dừa nguyên trái được gọt hết vỏ xanh. Nước chanh tươi nguyên chất cho các bà nội trợ nấu ăn cũng được đóng chai, rất tiện, không còn phải vắt chanh đau ngón tay người nội trợ.
Sản phẩm chế biến từ gạo rất phong phú. Các loại bánh gạo, nước sữa gạo trắng hoặc gạo lứt, nhiều loại cơm ăn liền, thậm chí có cả xôi kèm sầu riêng ăn liền chỉ cần để trong lò viba 3 phút ở mức độ nóng trung bình là có đĩa xôi nấu chín có trét miếng sầu riêng lên mặt. Giống lúa hom Mali cho gạo hạt dài thơm danh tiếng được trưng bày theo các loại tiêu chuẩn 100% gạo nguyên, 5% và 25% tấm, loại gạo trắng hoặc gạo lứt tại 12 gian hàng trong khu gạo Thái Lan. Bên cạnh đó là khu gạo Campuchia do Hiệp hội Xuất khẩu gạo Campuchia gồm 26 công ty, mỗi công ty đều có trưng bày cho khách hàng xem nhà máy xay xát và kho chứa gạo đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Một gian hàng Italia trưng bày gạo đặc sản Risoto.
Việt Nam, quốc gia xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới thì không có gian hàng nào cả. Đây là lẽ đương nhiên vì với cách sản xuất gạo của các công ty lương thực VN như hiện nay: Không có vùng nguyên liệu, trộn tạp nhập nhiều giống từ hàng trăm thương lái mua gom, không thể truy nguyên xuất xứ… thì làm sao có thương hiệu triển lãm được? Thật là mất mặt gạo VN.
Cũng may VN có gian hàng Công ty Thuận Phong (Tiền Giang) chuyên sản xuất bánh tráng, hủ tiếu khô, bún khô, bánh hỏi khô hiệu Ba Cây Tre để xuất khẩu cho các bán sỉ chuyên phân phối hàng cho các chuỗi siêu thị của Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Nhật, và Hàn Quốc. Kỳ trưng bày này, sản phẩm Ba Cây Tre chế biến từ gạo được khách hàng viếng rất đông, nếm thử gỏi cuốn, bánh hỏi thịt quay, bún xào…
Sau khi nếm thử, một số khách hàng đã ngồi lại với lãnh đạo của công ty này để tìm hiểu sâu hơn và cơ hội đặt mua hàng. Ở các gian hàng trưng bày khác, chúng tôi cũng thấy đâu đâu cũng có đặt bàn tiếp khách hàng tương tự như thế. Đây là dịp hiếm có để mỗi công ty có hàng trưng bày gia tăng sự chú ý và nhận biết từ khách hàng tiềm năng, qua đó nâng cao giá trị hình ảnh của từng công ty trưng bày, và quan trọng nhất là công ty có được hứa hẹn đặt mua hàng. Đây là điểm mà tôi rất chú ý khi tham quan hội chợ này.
Chủ động tìm khách mới
Rõ ràng khi một công ty tham gia trưng bày sản phẩm tại hội chợ danh tiếng quốc tế sẽ giúp các công ty tăng khả năng tiếp cận các khách mua hàng quốc tế mà nhà tổ chức quốc tế Koelnmesse đã thu hút họ về dự nhờ tung ra các chiến dịch tiếp thị và truyền thông trong hệ thống khách hàng rộng lớn mà họ đã quen biết tích lũy từ 90 năm qua.
Chủ động tìm khách hàng mới và mở thị trường mới cho hàng nông sản của chúng ta là mắt xích cuối cùng rất bức xúc và tiên quyết nhất trong chuỗi giá trị phát triển nông công nghiệp và dịch vụ của mỗi quốc gia. Nếu tiếp tục tháo rời chuỗi giá trị đó ra từng mắt xích riêng lẻ (tức là mạnh nhà nước thì nhà nước hô hào nông dân sản xuất lúa này, lúa kia, sản phẩm nọ; doanh nghiệp đầu vào thì khuyến khích nông dân mua phân và mua thuốc trừ sâu bệnh áp dụng cho nhiều; doanh nghiệp đầu ra (xuất khẩu) thì lo cấu kết với thương lái tìm mua rẻ nguyên liệu nào mà họ cần ở thời điểm cần cung cấp cho khách hàng…) để cho mạnh ai nấy lo cho mắt xích của mình như cách làm của Việt Nam ta hiện nay, thì cuối cùng người nông dân phải chịu thiệt thòi.
Việt Nam, quốc gia xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới thì không có gian hàng nào cả. Đây là lẽ đương nhiên vì với cách sản xuất gạo của các công ty lương thực VN như hiện nay: Không có vùng nguyên liệu, trộn tạp nhập nhiều giống từ hàng trăm thương lái mua gom, không thể truy nguyên xuất xứ… thì làm sao có thương hiệu triển lãm được?
Chúng ta cần phối hợp lực lượng để chiến thắng trong mặt trận này. Các công ty phân phối hàng - nhất là hàng xuất khẩu - phải nắm được thị trường mình ở đâu, khối lượng xuất bao nhiêu, chất lượng thế nào, truy nguyên xuất xứ được không. Có thông tin trước như vậy mới có thể khoanh vùng và đầu tư cho vùng nguyên liệu với kỹ thuật nông nghiệp cao (GAP), từ đó nông dân mới sản xuất đúng theo yêu cầu cho công ty thu mua và chế biến, đăng ký thương hiệu, và xuất khẩu.
Với cách làm như thế, sản phẩm của các công ty chắc chắn đạt yêu cầu khách hàng, và nhờ đó mới dám đi tham gia nhiều hội chợ quốc tế để tìm khách hàng lớn, mở thị trường mới cho nông sản và các sản phẩm khác cho Việt Nam. Các doanh nghiệp buôn bán kiểu chụp giật cơ hội như hiện nay luôn luôn thấy cách làm này rất nhiêu khê, tốn công tốn của, nên họ chỉ chơi với thương lái mà thôi. Họ không có tấm lòng vì dân và lo cho dân, để mặc cho nông dân thua lỗ. Và đến cuối con đường thương mại, họ không đem lại danh tiếng gì đáng kể cho hàng hóa của đất nước Việt Nam.
GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.