Mái nhà thế giới thoai thoải dần về hướng Đông Đông Nam, qua Việt Nam, qua Biển Đông cho đến khi nó “đi” đến khe vực sâu nhất thế giới có tên là Mariana sâu 10.898 m nằm ở Thái Bình Dương.
Do những hoạt động tích nước, nổ mìn tạo dòng hàng chục năm gần đây đã khiến đỉnh Everest đã giảm độ cao 2,4 cm sau trận động đất tại Nepal ngày 25.4.2015 và nó đã dịch chuyển 3 cm về phía Tây Nam. Đây không chỉ là một sự chuyển dịch thuần túy, đó còn là sự lên tiếng của tự nhiên.
Ở Nhật Bản có truyền thuyết, ấy là núi Phú Sỹ mỗi khi nổi lên một tiếng rền ngân dài, thì Nhật lại động đất, nước Nhật lại có biến động. Năm 1945 và mới nhất, năm 2011 núi Phú Sỹ rền lên thảm thiết. Người Nhật nghe được. Nhưng núi Everest nằm giữa nhiều ngôn ngữ khác nhau, núi đã rền lên từ lâu, nhưng hình như chưa mấy người nghe hiểu?
Từ ngày Nietzche tuyên bố “Thượng đế đã chết” trên nền tảng kiêu ngạo của khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, loài người đua chen nhau can thiệp vào tự nhiên. Có câu “bắt sông, sông phải ngừng chảy, buộc núi, núi phải cúi đầu”. Tôi Tết này tròn 70 tuổi, hồi bé nghe nước mình nhược tiểu, về già không nghe nói thế nữa; nhưng chưa mấy ai nói, với hơn một triệu cây số vuông bao gồm núi cao biển rộng nhiều cánh đồng trù phú, Việt Nam là nước rộng đất đông người.
Mùa hè vừa rồi, với trợ giúp của 6 km cáp treo, thân già này lọ mọ lên được “Nóc nhà Đông Dương” Fansipan – tiếng dân tộc Hủa Xi Pan có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Đứng ở phiến đá khổng lồ chênh vênh trên độ cao 3.143 m, tôi dấy lên một hình dung.
Tôi thấy núi nhìn xa xăm về hướng Đông, mắt núi dừng lại quần đảo Hoàng Sa chỗ bãi Macclesfield và Trường Sa - bãi Cỏ Rong (Reed). Đó là nơi sâu nhất Việt Nam, 5.559 m. Và núi nói: Anh thấy không, Văn Chinh, giang sơn gấm vóc trong sự hài hòa, nhờ sự hài hòa của tự nhiên. Ta cho anh mượn độ cao mà nhìn. Bổn phận của anh là phải nhìn cho xa, đến chỗ sâu nhất của tự nhiên, của lòng người…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.