Mất rừng phải đền rừng

Thứ ba, ngày 11/10/2011 19:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ năm 2004 đến nay, các doanh nghiệp chỉ trồng được 4.104ha rừng và cao su tại tỉnh Đăk Nông, nhưng lại để mất hơn 4.300ha rừng tự nhiên được giao quản lý.
Bình luận 0

Mới đây, Sở NNPTNT đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi hàng loạt dự án, buộc bồi thường giá trị rừng, đồng thời xem xét trách nhiệm hình sự của các “nhà đầu tư” để mất rừng với diện tích lớn.

Thuê đất để... bỏ hoang

Từ năm 2004 - 2011, UBND tỉnh Đăk Nông đã cho 34 doanh nghiệp thuê gần 24.000ha đất rừng để thực hiện 35 dự án đầu tư, chưa kể 11.000ha góp vốn vào Công ty CP Cao su Phú Riềng - Đăk Nông. Theo dự án được phê duyệt, các doanh nghiệp sẽ trồng 10.433ha rừng, cao su và một số cây trồng khác.

img
Các DN để mất rừng với diện tích lớn sẽ phải bồi thường giá trị rừng, thậm chí bị xử lý hình sự.

Nhiều nông dân đã trồng được 2 - 3 vụ sắn trên đất dự án của Công ty TNHH Ngọc Thạch tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức. Ông Nguyễn Mùi - một nông dân cho biết: “Công ty bỏ đất hoang mấy năm nay, dân vào canh tác không thấy ai ngăn cản, chắc họ bỏ luôn dự án này rồi. Tôi chỉ trồng sắn, chứ nhiều người khác mua đi bán lại ì xèo, viết giấy tay qua nhiều chủ lắm. Trước mắt tôi cứ trồng sắn kiếm ăn, nếu sau này có bị thu hồi tôi cũng không mất gì”.

Ở Đăk Nông cũng đã có doanh nghiệp thuê gần 500ha đất rừng, nhưng không thực hiện dự án mà xẻ bán cho người dân để trục lợi như Công ty TNHH Mai Hưng Việt Trung. Ban lãnh đạo công ty này đã bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn hàng chục hộ dân mua đất thì vẫn tiền mất tật mang. Công ty TNHH Thịnh An Khương thì thu gom tới 9.700ha đất rừng tại xã Đăk Rmăng, huyện Đăk Glong để... bỏ hoang và đã bị thu hồi.

Ông Vũ Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Nông - cho biết, hiện các doanh nghiệp mới chỉ trồng được 4.104ha rừng vào cao su, bằng 38,4% kế hoạch và phân kỳ đầu tư. Như vậy, bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ trồng được khoảng 121ha trong suốt 7 năm. Kết quả phân loại cũng cho thấy chỉ có 9 doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả bước đầu, còn 21 doanh nghiệp thực hiện không hiệu quả và 5 doanh nghiệp bỏ đất hoang.

Ông Khôi cũng thừa nhận: “Không chỉ thực hiện chậm, không có hiệu quả mà mục tiêu hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa các chủ dự án với người dân địa phương cũng chưa đạt được. Đây là điều rất đáng tiếc”.

Hàng nghìn ha rừng bị cạo trọc

Trong diện tích mà tỉnh Đăk Nông cho các doanh nghiệp thuê, có hơn 13.000ha rừng tự nhiên phải khoanh nuôi bảo vệ, nhưng đã có hơn 4.300ha bị “làm thịt”.

Nhiều doanh nghiệp để mất rừng với diện tích lớn như Công ty CP Đầu tư xây dựng 59 mất 200ha, DNTN Phạm Quốc 224ha, Công ty TNHH Long Sơn 439ha... Đặc biệt, Công ty CP Đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới để mất hơn 821ha rừng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức mà vẫn vô can.

Theo một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Đăk Nông, không có gì khó hiểu trong việc mất rừng, vì mục đích của các doanh nghiệp này là đất chứ không phải rừng. Họ thiếu trách nhiệm đến mức, 25 doanh nghiệp được yêu cầu báo cáo diện tích rừng bị mất thì 10 doanh nghiệp không biết rừng do mình quản lý bị mất bao nhiêu, lúc nào.

Sau nhiều năm chần chừ, rồi cũng đến lúc ngành chức năng tỉnh Đăk Nông phải sòng phẳng với các “nhà đầu tư”. Ông Vũ Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT - cho biết đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi dự án của các Công ty Ngọc Thạch, Luân Thịnh, Thăng Long và buộc các doanh nghiệp này bồi thường 446ha rừng.

Đối với 9 doanh nghiệp không bị thu hồi dự án, sở yêu cầu bồi thường giá trị hơn 1.500ha rừng. Chỉ cần tính 100m3/ha (trữ lượng thấp nhất của rừng khoanh nuôi) - và giá gỗ 3 triệu đồng/m3 (loại gỗ thông thường) thì các doanh nghiệp này phải bồi thường khoảng 600 tỷ đồng.

“...Một số doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trồng cao su, năng lực tài chính hạn chế và hậu quả là không triển khai hoặc mua đi bán lại dự án. Gần đây, việc giao đất, cho thuê đất tiếp tục diễn ra ồ ạt, liên tục nhưng điều tra khảo sát không đầy đủ... Có nơi, phần lớn đất đai nằm trong tay doanh nghiệp, người dân hầu như xâm canh trên đất của doanh nghiệp nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện.
(Nguồn: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên)

Riêng các doanh nghiệp để mất rừng với diện tích lớn, Sở NNPTNT còn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Xử lý nghiêm là cần thiết, nhưng thực trạng hỗn loạn trên cho thấy đã đến lúc tỉnh Đăk Nông phải xem xét toàn diện về bản chất, hiệu quả, trở ngại của chương trình chuyển rừng trồng cây công nghiệp, đặc biệt là chủ thể thực hiện chương trình này.

Đăk Nông cũng như Tây Nguyên, không thể đứng ngoài sự phát triển chung của đất nước, trong đó có việc khai thác tài nguyên rừng để làm kinh tế. Nhưng cần thận trọng thí điểm ở mức độ vừa phải, xuất phát từ lợi ích của người dân, hạn chế tác động đến môi trường và xã hội hơn là ồ ạt giao rừng cho tư nhân rồi chạy theo giải quyết hậu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem