Hỏi:
Tôi là Nguyễn Thị Hằng (Thái Bình) xin được giải đáp các trường hợp sau: (1). Sau khi liệt sĩ hy sinh, vợ liệt sĩ mới nhận nuôi con nuôi nên trong giấy xác nhận thân nhân liệt sĩ không có tên của người con nuôi. Nay người con nuôi muốn đề nghị bổ sung tình hình thân nhân trong giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ có được không? Người con nuôi này là đúng sự thật được chính quyền địa phương, người làm chứng xác nhận, có giấy khai sinh đầy đủ tên cha (là tên liệt sĩ) và tên mẹ. (2).
Một người khi lên 9 tuổi thì mẹ đẻ chết bố lấy mẹ kế về chăm sóc nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành, tham gia quân đội khi xuất ngũ đã được Nhà nước công nhận là bệnh binh suy giảm khả năng lao động trên 81% (bệnh binh nặng). Bố được hưởng chế độ người phục vụ, bản thân không có vợ. Nay bố và bệnh binh đã chết còn lại mẹ kế năm nay ngoài 70 tuổi. Vậy, mẹ kế đó có được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng không?
Trả lời:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề này như sau:
Đối với người đã kết hôn muốn nhận nuôi con nuôi thì phải cả hai vợ chồng cùng đồng ý và nhận cháu bé làm con nuôi của cả 2 vợ chồng, không thể nhận làm con nuôi của riêng vợ hoặc chồng. Trường hợp sau khi liệt sĩ hy sinh, vợ liệt sĩ mới nhận nuôi con nuôi thì đây chỉ là con nuôi của vợ liệt sĩ, Do vậy, không đặt ra vấn đề bổ sung người con nuôi của vợ trong hồ sơ liệt sĩ.
Tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định: “Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi). Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ”.
Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 37, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định: “Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ tháng liền kề khi bệnh binh chết”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì mẹ kế không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với bệnh binh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.