Nhưng ngày nay, mọi người phần lớn đều mong mỏi điều hài hước đó bằng một thái độ rất nghiêm túc: chúng phải giỏi giang, không thì… chết!
Trẻ con chỉ cần biết nghe lời
Để phản kháng lại sự mong mỏi của người lớn, nhiều đứa trẻ đã chết thật bằng cách tự tử vì học quá liều, và có những đứa rơi vào những cơn trầm cảm dẫn đến tâm thần.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2017/images/2017-06-09/149700421030381-family1-1024x1003.jpg)
Không gì bằng ở bên cạnh con để biết con thích gì, muốn gì. Gia đình là nơi ẩn náu cuối cùng của một đứa trẻ, đồng nghĩa với việc nó sẽ chọn cha mẹ để cùng sống chung, vì thế hãy thật sự yêu thương và hiểu con mình.
Có những đứa trẻ không còn sự phản kháng nào, chúng cúi đầu nghe theo lời người lớn và cắm mặt vào bài vở, cho đến một hôm, khi phải chọn lựa, chúng nói: Con không biết! – Sao mày không biết? – Người lớn hét lên, mày to đầu thế mà không biết mày thích gì ư? – Con không biết, trước giờ con chỉ nghe lời cha mẹ, con còn không biết con là ai, làm sao con có thể biết con thích gì?
Một thầy dạy thêm cho một học sinh lớp 12 thi đại học, thầy nói, cháu thích vào trường luật, nhưng tiếng Anh bập bẹ, toán thì bài tập dày đặc mỗi ngày 20 bài tập, văn thì tất cả các đề và sách tham khảo đầy bàn, nhưng hỏi vì sao chọn ngành luật mà không phải ngành khác thì nói: “Tại học ba môn này… dễ hơn toán lý hoá”. Thầy hỏi ba mẹ có biết con mình có khả năng gì không, thì cả hai đều nói không biết: “Đâu có biết nó thích gì đâu, mà thằng này nó cũng chả có năng khiếu gì thì cho nó thi cái ngành gì dễ đậu là được. Mà luật sư, bác sĩ là cái nghề “xịn” mà thầy, sau này ai cũng phải nhờ vả hết!” – “Cháu nó không biết mình thích gì thì sao mà chọn được cái để học. Nếu không học cái mình thích sao thi đậu được ạ?” – “Đâu cần, chỉ cần nó học thêm là được. Tiền tui đâu có thiếu, nó đang tuổi ăn tuổi lớn, dư sức để học”.
Tuần trước mùa bế giảng, các phụ huynh tranh cãi nhau về việc có nên cho học sinh lớp lá, lớp 5 mặc quần áo “cử nhân” khi làm lễ “tốt nghiệp” ra trường hay không? Bày vẽ, trình diễn, tốn tiền để làm gì. Ngày xưa làm gì có những thứ đó, cho học sinh múa hát là được, v.v.
Nhưng trong lúc người lớn tranh nhau bàn luận về bộ quần áo, thì chẳng ai quay sang hỏi lấy con trẻ một câu: Con có thích mặc bộ quần áo này không? Và tôi cũng hỏi câu này, nhưng chẳng ai trả lời, tiếp tục quay sang bàn luận, tranh cãi nhau về việc có nên mặc hay không mặc.
Quyền lực đôi khi làm người ta đánh mất mình là thế. Tình yêu thương vô vị lợi mà cha mẹ dành cho con đã thay thế cho quyền lực và thoả mãn ý muốn của mình, hơn là coi nó như một con người. Tôi rất sợ những người nhân danh tình thương để buộc người khác phải “nghe lời” mình. “Nó dễ thương lắm, biết nghe lời lắm”. Nghe lời trở thành một tiêu chí căn bản để người ta đánh giá đạo đức một đứa trẻ. Vì thế mới có chuyện vừa xảy ra cả một hội đồng giáo viên đã đánh giá hạnh kiểm (đạo đức) của một học sinh xuống loại yếu kém vì em đã lên tiếng trước xử sự kém của một bệnh viện trên Facebook của mình. Em đã không “nghe lời”, nhẫn nhịn chịu sự bất công mà dám cất tiếng “nói lại”, em đã bị “trừng trị” bởi chính thầy cô giáo lẽ ra cần bảo vệ sự công bằng trong xã hội như em đã làm.
Con thích gì có nghĩa gì đâu
“Mẹ, khi gia đình mình căng thẳng vì việc chuyển trường của con, con đã nghĩ, nếu không ai quan tâm đến mong muốn của con, con sẽ chọn cái chết hoặc bỏ nhà ra đi. Nhưng nếu con chấp nhận nghe lời để mẹ được vui, con phải ở lại với cha mẹ. Cuối cùng con đã chọn ở lại và chấp nhận theo ý ba. Đến giờ, có khi con vẫn hối tiếc về sự lựa chọn của mình, nhưng không ai có được tất cả điều mình muốn đâu mẹ. Con người sinh ra đã là đau khổ rồi. Mẹ cố gắng lên, lựa chọn là chấp nhận hy sinh rồi mà mẹ. Sau này khi con đã đủ tuổi ra đi, con sẽ làm theo ý mình chứ không bao giờ theo ý ai khác”, lá thư của cô con gái lớp 6 gởi cho mẹ khi mẹ cô bé bị ốm vì kiệt sức. Đọc thư, mẹ cô bé đã khóc và gọi điện cho tôi. Bà nói rằng, điều đáng sợ nhất là bà phải đối mặt với sự thật: con bà đã lớn và nó đã phải bắt đầu hành trình vào đời đầy đau khổ này ngay từ trong gia đình. Nhưng bà tin, nếu con gái bà đã ý thức về sự đau khổ, nó sẽ trưởng thành.
Nhưng nếu cô bé của bà bạn tôi chọn cái chết thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Cha mẹ: Sao con tôi nó chẳng thích gì?
Con cái: Con thích cái này nhưng ba mẹ không thích, bắt con phải làm theo ý thích của ba mẹ thôi. Nên cuối cùng con chẳng thích gì nữa.
Thầy cô: Sao học trò bây giờ nó thụ động quá!
Học sinh: Em không thích học môn Toán, thầy cô giảng em không hiểu gì cả. Về nhà ba mẹ bắt đi học thêm. Em càng ghét. Không ai hỏi em thích gì. Nhưng bây giờ có hỏi, em cũng chẳng biết mình thích gì nữa.
Cho con được là chính mình
Không gì bằng ở bên cạnh con, để biết con thích gì, muốn gì. Gia đình là nơi ẩn náu cuối cùng của một đứa trẻ, đồng nghĩa với việc, nó sẽ chọn cha mẹ để cùng sống chung, vì thế hãy thật sự yêu thương và hiểu con mình.
Thay vì bạn phải vất vả tìm kiếm các kiến thức để tìm hiểu con mình muốn gì, thật dễ dàng nếu bạn dành chút thời gian dẫn con đi chơi, trò chuyện và lắng nghe con nói. Chỉ cần bạn chịu nghe con nói, mọi sự sẽ thay đổi. Phần lớn thời gian ở trường là cách học nhồi nhét và ép buộc con phải vào khuôn khổ, vâng lời, hoặc chịu sự đánh mắng, trách móc của thầy cô vì việc học. Nếu trẻ về nhà cũng bị sức ép như vậy, hoặc trẻ trở nên thụ động và bỏ mặc mọi thứ để trốn vào góc riêng của mình, hoặc trẻ sẽ phẫn uất mà hành động sai lầm. Làm bạn cùng con không dễ dàng gì, nhưng chúng ta vẫn phải nỗ lực hết sức vì một điều rất nhỏ trong cuộc sống này: giúp con ý thức về bản thân. TS Giáp Văn Dương đến nay vẫn mở lớp “Tôi là ai” dành cho người lớn, vậy để một đứa trẻ có thể nhận thức về mình, chính là nhờ vào cha mẹ, thầy cô có phương pháp giáo dục cởi mở, thân thiện để cho con được là chính mình.
Hôm sau theo lệnh của cô giáo, chúng tôi có thêm một cuốn tập mới. Ngay giờ đầu, cô viết lên bảng một đề Toán rất khó, kèm theo lời giải và bảo tất cả lớp chúng tôi:
- Các em hãy chép toàn bộ vào cuốn tập mới đề toán và lời giải này không được thiếu một chữ. […]
- Các em, khi nào ông thanh tra tới lớp ta, cô sẽ đọc cho các em viết đề toán, cô dịu dàng nói với chúng tôi như vậy. Còn bây giờ các em sẽ học cho thuộc các câu trả lời, khi ông thanh tra hỏi đến em nào, em đó phải trả lời thật nhanh...
Cô giáo viết lên bảng các câu trả lời và chúng tôi bắt đầu học thuộc lòng như cháo. Lớp học biến thành một dàn đồng ca. Cô hỏi:
- Châu Mỹ được tìm ra năm nào? – Năm 1492 ạ! – Chúng tôi đồng thanh gào lên…
- Ai đã chinh phục thành Istanbul? Cô hỏi tiếp. – Vua Mehmed vô địch ạ! […]
Cứ như vậy hai ngày liền chúng tôi học các câu hỏi và câu trả lời.
|
Thái Thảo (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.