Mệt mỏi vì chồng suốt ngày “nghe lời bố mẹ”

Thứ bảy, ngày 20/12/2014 06:30 AM (GMT+7)
Mọi người đừng nghĩ tôi là đứa con bất hiếu, phản đối việc chồng nghe lời bố mẹ. Tôi chỉ nghĩ chúng tôi bây giờ đã lớn, đã đều làm bố làm mẹ hết rồi nên cũng cần phải sống độc lập tự quyết, dám làm dám chịu.
Bình luận 0

Chồng tôi là con trai duy nhất của gia đình. Anh có ưu điểm là rất hiền lành, tốt tính, ngoan ngoãn, kính trên nhường dưới. Nhưng, sự “ngoan ngoãn” của anh lại bị đẩy tới mức quá đà khiến anh trở thành con người nhu nhược, luôn bị lệ thuộc.

Sau cưới, tôi và chồng ở cùng với bố mẹ chồng. Vì thế, tôi càng có điều kiện “chứng kiến” cách sống “luôn vâng lời” của anh hơn. Bất cứ việc gì anh cũng phải hỏi ý kiến bố mẹ. Anh có quan điểm rằng, bố mẹ luôn đúng, con cái luôn sai. Và dù ở vào tuổi nào thì với bố mẹ, con cái cũng chỉ là đứa trẻ. Mà đã là trẻ thì lúc nào cũng cần sự chỉ bảo của người lớn.

Không ít lần, tôi bị anh bỏ mặc trong sự ấm ức dù anh thừa biết tôi không sai. Đơn cử như sau khi tôi sinh con, thì tôi và mẹ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Mẹ chồng tôi đã lớn tuổi nên bà quen cách sống từ thời xưa. Còn tôi thì sống theo kiểu hiện đại, chủ trương nuôi con theo khoa học.

Còn nhớ, sau khi tôi từ viện về, sợ cháu lạnh, mẹ chồng tôi đon đả mang ngay một lò than đã cháy rừng rực vào phòng để… sưởi cho hai mẹ con. Ý của bà là tốt, nhưng phương pháp của bà là sai vì sưởi bằng than rất nguy hiểm, không ít trường hợp phải bỏ mạng vì ngạt thở khí độc trong phòng đóng kín. Dù rất yếu nhưng tôi vẫn phải chồm dậy, nói bà mang lò sưởi ra ngoài. Mẹ chồng tôi ngẩn người rồi chuyển sang dỗi. Rồi bà bảo tôi lắm chuyện: "Ngày trước, tôi sinh chồng cô cũng nằm sưởi bằng lò than mà có sao đâu. Chị cậy mình lắm tiền nhiều của nên chê cách làm truyền thống”.

Khi hai mẹ con tôi cự cãi thì chồng tôi cũng chứng kiến. Nhưng anh tuyệt nhiên không nói lời nào để giải thích cho mẹ hiểu. Bởi, anh sợ làm vậy là trái ý của mẹ. Anh bất chấp nguy hiểm cho vợ con vì muốn giữ đúng hình ảnh con ngoan, luôn biết nghe lời. Mẹ anh thấy con trai như vậy nên rất là “đắc chí”.

Chỉ đến khi bà đã đi khuất, chồng tôi mới khẽ khàng chạy lại ôm tôi, nói tôi hãy cố gắng, đừng làm mẹ buồn. Rồi anh len lén giấu mẹ mở cửa sổ để gió lùa vào phòng tôi coi như cách để “chống ngộ độc” khí than.

Cứ như vậy, còn rất nhiều chuyện nữa lẽ phải thuộc về tôi nhưng chồng tôi cứ “mũ ni che tai” vì sợ bố mẹ đau lòng. Khi con tôi đến lúc ăn dặm, mẹ chồng tôi nói ăn bột ăn liền có hóa chất, tốt nhất là cho ăn cơm nhá. Đến bữa, bà bê bát cơm to đùng ra, bỏ vào môm nhai ngon lành rồi nhè ra, đút cho con tôi ăn trong sự kinh hãi của tôi. Tôi bảo mẹ, bây giờ nhiều bệnh tật, khoa học không còn khuyến khích kiểu “ăn cơm nhá” nữa vì hại nhiều hơn lợi. Mẹ tôi vẫn khăng khăng mình đúng.

Chồng tôi ở đó, lúng túng kéo tôi vào buồng, rồi lại nói khó mong tôi thông cảm, thôi thì khuất mắt trông coi. Khi nào mẹ con bế nhau vào phòng thì tôi tha hồ tự quyết cách nuôi dạy.

Con mình đẻ ra mà mình không được chọn cách nuôi con tốt. Tuy nhiên, vì không muốn gia đình bất hòa, tôi đành nín nhịn. Trong lòng tôi chỉ ước, giá chồng tôi có bản lĩnh hơn. Tôi không đòi hỏi anh phải bênh vực tôi trong mọi việc. Nhưng, điều gì tôi đúng thì anh phải bảo vệ và tìm cách giải thích cho mẹ hiểu. Điều gì tôi sai, mẹ đúng thì anh mắng tôi nào có ý kiến gì.

Chồng tôi cũng có quan điểm rất lạ, đã là con thì phải sống cùng với bố mẹ. Nhà chồng tôi ở vùng ngoại thành Hà Nội trong khi cả hai vợ chồng tôi cùng làm trong nội thành. Mỗi ngày, tôi phải đi đi về về tới hàng chục km để đi làm. Trong khi đó, chúng tôi đã mua được nhà riêng ở ngay gần cơ quan tôi nhưng anh không cho ở. Anh bảo nếu dọn đi thì bố mẹ sẽ đau lòng lắm. Tôi nói hoài, nói mãi, giải thích cho anh hiểu rằng đâu phải ở riêng là từ bỏ bố mẹ. Chúng tôi vẫn có thể về thăm bố mẹ hàng tuần mà.

Chỉ đến khi con tôi vào lớp 1, do ở quê không có trường học tốt nên anh mới miễn cưỡng xin phép bố mẹ “dọn vào nội thành” để tiện cho việc học tập của con. Tôi rất mừng và hy vọng khi ở riêng rồi thì chồng tôi sẽ “trưởng thành hơn”. Ngờ đâu, ở chung thì anh “nghe lời” bố mẹ kiểu khác, ở riêng thì lại thể hiện hiếu thảo kiểu khác. Đó là trong mọi việc, anh luôn gọi điện về nhà để hỏi ý kiến bố mẹ, khi bố mẹ đồng ý rồi thì anh mới làm.

Chẳng thế mà có những việc rất đơn giản, và là chuyện riêng trong gia đình nhỏ của tôi thôi cũng trở thành “việc chung”, được “đem ra bàn cãi” rất gay gắt. Dọn về nhà mới, con gái tôi có điều kiện ở một phòng riêng. Tôi muốn đóng cho con gái giường, tủ mới. Chỉ vậy thôi mà chồng tôi cứ loanh quanh không quyết.

Hóa ra, anh muốn gọi về cho bố, để hỏi xem nên đóng cho giường cho con gái kích thước bao nhiêu, giường đơn hay giường đôi. Bố tôi thì nói nên đóng giường đơn, nhưng chồng tôi thì thích đóng giường đôi cho rộng vì con gái mỗi năm mỗi lớn. Nhưng, không xin ý kiến thì thôi, xin rồi mà không đúng ý anh thì anh băn khoăn, day dứt. Anh cứ phân trần, tâm sự với tôi là không biết làm cách nào để bố đổi ý. Rồi anh cứ nói mãi cái lý của anh khi muốn đóng giường đôi, tại sao bố không hiểu nhỉ.

Tôi bảo: “Đây là việc của con mình nhà mình, ý kiến ông nếu có chỉ mang tính tham khảo. Miễn là anh thấy làm sao hợp nhất với hoàn cảnh gia đình thì làm. Anh than với em nào có ích gì. Chi bằng anh cứ tự làm, bố mẹ rồi cũng hiểu”. Nghe vậy thôi nhưng chồng tôi cũng chẳng dám làm trái ý bố. Cuối cùng, anh miễn cưỡng đóng giường nhỏ cho con gái mà chẳng vui vẻ gì.

Cứ như vậy, dù ở riêng nhưng tôi có cảm giác, bố mẹ chồng vẫn luôn can thiệp và hiện diện trong gia đình tôi. Chúng tôi muốn mua một chiếc tủ mới trong phòng ngủ, chồng tôi cũng lật bật đi hàng chục km về nhà, rồi chở bố đi chọn tủ cùng. Bố ưng tủ nào thì anh mua tủ đó để chiều ý bố. Trong nhà tôi, ngay cả phòng ngủ riêng tư của vợ chồng, nhưng từng đồ nào kê ở đâu, góc nào cũng là do bố chồng tôi chỉ đạo. Anh thì “bố đặt đâu răm rắp nghe theo”. Ngay cả những việc nằm ngoài “hiểu biết” của bố mẹ, anh cũng hỏi ý kiến. Khi thì hỏi xem nên cho con gái vào trường nào, công hay tư (bố mẹ tôi già rồi đâu có thể cập nhật tin tức và hiểu biết về các trường như chúng tôi), khi thì hỏi về việc anh có nên học lên tiến sĩ không (việc này lẽ ra anh phải tự quyết định vì liên quan đến cuộc đời của anh), rồi thậm chí cả khi anh muốn đến thăm ông cậu bà bác nào đó cũng hỏi bố mẹ có đồng ý không. Có những việc, đáng lý chúng tôi có thể thực hiện ngay nhưng vẫn nhùng nhằng hết tuần này tháng khác, vì còn phải đợi bố mẹ “chốt” đã.

Tôi nghĩ vâng lời bố mẹ cũng tốt. Nhưng, vâng lời như cái máy như chồng thì tôi thực sự khiến tôi mệt mỏi.

 
(Theo Thu Hiền/ Phụ nữ thủ đô)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem