Miền Trung có nguy cơ xảy ra mưa lũ trái mùa. Ảnh minh họa NLĐ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay (29/3), một vùng áp thấp xuất hiện trên biển và có xu hướng hoạt động mạnh dần lên trong 1-2 ngày tới.
Rãnh áp thấp này có xu hướng dịch chuyển về phía đất liền nước ta, sau kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ ngày 30/3 đến ngày 2/4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Cụ thể:
- Nghệ An từ đêm 31/3 đến ngày 2/4 lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm;
- Hà Tĩnh, Quảng Bình từ đêm 31/3 đến ngày 2/4 mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm;
- Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 1-2/4 mưa phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 400 mm;
- Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ ngày 31/3 đến đêm 2/4 mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 400 mm;
- Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Tây Nguyên từ chiều 30/3 đến ngày 1/4 mưa phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm;
- Bình Thuận, Ninh Thuận từ ngày 30/3 đến ngày 1/4 mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 100 mm.
Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đánh giá, đây là đợt mưa lớn trái mùa, nguy cơ xảy ra tình huống mưa lũ tương tự như cuối tháng 3 năm 2015. Do đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Ban chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệtlà hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn kèm dông, lốc, sét, gió giật mạnh và ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.