Mở cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, rút ngắn thời gian đi Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên
Mở cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, rút ngắn thời gian đi Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên
Nha Mẫn
Thứ sáu, ngày 21/01/2022 07:22 AM (GMT+7)
Để rút ngắn thời gian đến Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai đang lên kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để mở đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Ngày 21/1, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương đang lên phương án về việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng nhằm thực hiện dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Đây là tuyến đường giúp việc lưu thông từ Đồng Nai, TP.HCM đi Lâm Đồng và nhiều tỉnh Tây Nguyên nhanh hơn so với trước. Bên cạnh đó khi tuyến cao tốc này đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm lưu lượng xe lưu thông trên QL20.
Theo ông Phi, dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66 km, đi qua địa phận huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai, đoạn này dài 11km) và các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻ, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng, dài 55km).
Kinh phí thực hiện dự án tuyến cao tốc này được chia làm nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn phân kỳ đầu tư, tính toán ban đầu là hơn 16.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 6.500 tỷ đồng, hoàn vốn trong hơn 20 năm.
Còn ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được bổ sung thêm 7.300 tỷ đồng để nâng lên 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp. Đây là dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ.
Phương án đầu tư được lựa chọn, tuyến cao tốc đi cắt ngang phần diện tích đất rừng phòng hộ cũng như đất rừng sản xuất. Do đó sẽ giảm được chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Theo ông Phi, hiện có 49,8 ha rừng bị ảnh hưởng, trong đó cần chuyển đổi hơn 41,4 ha đất rừng sang mục đích sử dụng khác để phục vụ việc triển khai tuyến cao tốc này. Do đó, tỉnh đã đề nghị phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả phải nghiên cứu rõ hơn phương án tối ưu về hướng tuyến của đường.
"Chúng tôi xem xét kỹ việc giảm diện đất rừng để làm đường và chi phí giải phóng mặt bằng, tìm giải pháp tối ưu. Ngoài ra chúng tôi cũng làm việc với sở ngành liên quan tìm phương án trồng rừng thay thế cho diện tích đất rừng hiện hữu khi nhường cho việc làm đường và yêu cầu sở ngành liên quan thẩm định, đóng góp ý kiến để sớm trình các cơ quan Trung ương xem xét”, ông Phi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.