Mở cửa để "bình thường mới", nhiều người bệnh từ vùng dịch trở về, liệu Hà Nội có thực sự an toàn?
Mở cửa để "bình thường mới", nhiều người từ vùng dịch trở về, liệu Hà Nội có thực sự an toàn?
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 17/10/2021 10:22 AM (GMT+7)
Trước việc ghi nhận nhiều ca dương tính từ vùng có dịch trở về ở Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng việc thành phố "mở cửa" dần chuyển sang trạng thái "bình thường mới" quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân trong khai báo, cách ly tại nhà.
Lo ngại ca phát sinh thứ phát từ khu vực có dịch trở về
Chiều tối 16/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, thành phố ghi nhận 12 ca dương tính, trong đó có 10 trường hợp từ vùng dịch trở về.
Trước đó, từ ngày 14/10, hàng loạt hoạt động ở Hà Nội như xe buýt, taxi chạy lại, bảo tàng, công viên mở cửa đón khách, khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được mở lại, nhà hàng bán đồ ăn uống tại chỗ, công sở làm việc bình thường... Các hoạt động này đã bị ngưng trệ từ hơn 3 tháng qua.
Việc mở cửa để "bình thường mới" đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người bệnh từ vùng có dịch trở về, Hà Nội cần làm gì để đảm bảo an toàn?
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, không chỉ Hà Nội mà toàn quốc thực hiện mở cửa để dần chuyển sang trạng thái "bình thường mới". Việc Hà Nội có thể xuất hiện ca bệnh là điều đã được dự báo từ trước.
"Quan trọng trường hợp nào từ vùng dịch trở về phải theo dõi giám sát, xét nghiệm ngay. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào ý thức người dân. Nếu họ đi theo đường hàng không, tất cả danh sách sẽ được giám sát rất tốt. Nhưng hiện nay vẫn có trường hợp xác minh dịch tễ bị lọt, về địa phương không khai báo y tế đến khi có triệu chứng, bệnh mới đi khai báo thì đó là những người có nguy cơ", ông Tuấn nêu.
Ông Tuấn cho biết, theo quy định của Bộ Y tế có 2 đối tượng, một là tự theo dõi, hai là cách ly tại nhà với người chưa tiêm hoặc tiêm 1 mũi vaccine.
"Chính quyền đã tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi không bắt buộc cách ly tập trung, thì mọi người cần nâng cao ý thức chấp hành. Giờ gọi những ca từ khu vực có dịch là ca xâm nhập, giống như ca nhập cảnh. Tại Hà Nội hiện chưa ghi nhận ca nào không rõ nguồn lây. Điều chúng tôi lo ngại nhất đó là những ca thứ phát như ca từ TP.HCM hay nơi khác về lây cho người nhà, hoặc những người tiếp xúc sẽ nguy hiểm", ông Tuấn chia sẻ.
Phó giám đốc CDC Hà Nội đưa ra lời khuyên, mọi người khi từ khu vực khác trở về địa phương cần khai báo y tế, cách ly tại nhà ngay để chính quyền giám sát. Điều này sẽ tránh lây lan cho chính người nhà mình và cộng đồng.
Xuất hiện ca nhiễm từ vùng có dịch về có "đe doạ" đến công tác chống dịch ở Hà Nội?
Đồng quan điểm với ông Tuấn, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, việc xuất hiện ca bệnh đặc biệt, những ca chưa tiêm vaccine từ vùng dịch trở về sẽ có nguy cơ lây lan nếu không thực hiện tốt 5K và cách ly tại nhà.
"Những trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến trẻ em, người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19, có thể tạo thành chuỗi lây nhiễm những trường hợp chưa tiêm vaccine hay người đã tiêm nhưng sức đề kháng yếu, người cao tuổi cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khó có khả năng bùng phát mạnh như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam bởi thủ đô đã triển khai gần 100% tiêm mũi 1, 50-60% tiêm mũi 2", ông Nga chia sẻ.
Ông Nga đánh giá, việc mở cửa "bình thường mới", có thể bùng phát cụm lây nhiễm nhưng không đe doạ đến công tác phòng chống dịch tại Hà Nội.
"Những trường hợp từ vùng có dịch trở về phải tuân thủ quy định phòng chống dịch. Nếu ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hôm qua tôi có theo dõi trên báo chí thông tin về trường hợp bệnh nhân ở số 8 Đình Ngang, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm. Người này từ vùng dịch trở về còn đi làm tóc, làm móng. Chính quyền thành phố cần giám sát chặt chẽ những người từ khu vực khác đi đến", ông Nga nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.