Mở cửa du lịch 15/3: Thời kỳ “rã đông” của ngành du lịch

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 18/02/2022 18:35 PM (GMT+7)
Ngày 15/3 mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa, đây là tín hiệu tích cực, tin vui cho ngành du lịch. Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá đây mới là thời kỳ "rã đông" của ngành du lịch, để du khách đến Việt Nam đông, phải ít nhất mất từ 6 tháng tới một năm sau đó.
Bình luận 0

Không nên tạo nhiều rào cản cho du khách khi đã quyết định mở cửa du lịch quốc tế và du lịch nội địa

Mở cửa du lịch 15/3: Thời kỳ “giã đông” của ngành du lịch - Ảnh 1.

Du khách Nga đến Khánh Hòa trong chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn1. Rất nhiều chuyên gia du lịch đánh giá mở cửa du lịch là tín hiệu tích cực trong việc phục hồi ngành du lịch. Ảnh: Công Tâm

Vừa qua, sau khi Văn phòng Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa vào thời điểm là ngày 15/3. Cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức thực hiện.

Bộ VHTTDL đã gửi bản dự thảo lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn 2 gửi Bộ Y tế; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Thứ trưởng Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTTDL ban hành.

Theo đó nội dung chương trình đối với đối tượng khách du lịch là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên đối tượng khách du lịch phải đảm bảo đủ các yêu cầu như tham gia chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành với thời gian ít nhất 03 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 vào ngày thứ 3, khách du lịch có thể thực hiện các hoạt động sau:

+ Tiếp tục tham gia chương trình du lịch theo chương trình du lịch đã đăng ký (trường hợp chương trình dài hơn 03 ngày).

+ Tham gia các chương trình du lịch và sử dụng các dịch vụ tại địa phương cho phép đón khách du lịch quốc tế.

+ Về các địa phương theo nơi cư trú, thăm thân đã đăng ký. Khách du lịch phải có văn bản đăng ký với doanh nghiệp lữ hành để thông báo với chính quyền địa phương nơi đến phối hợp theo dõi sức khỏe, quản lý theo quy định.

Khách có thể xuất cảnh về nước trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang khai thác hoặc các chuyến bay thuê chuyến được cấp phép.

Ngoài ra, yêu cầu tiếp theo đối với khách du lịch là có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. 

Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 06 tháng.

Đối với khách du lịch dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin được đi cùng bố mẹ, người giám hộ hợp pháp hoặc người chăm sóc đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi); Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid19 với mức trách nhiệm tối thiểu 20.000 USD; Đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh.

Mở cửa du lịch 15/3: Thời kỳ “giã đông” của ngành du lịch - Ảnh 2.

Du khách Nga làm thủ tục nhập cảnh. Ảnh: Công Tâm

Chia sẻ về quy định và yêu cầu tại lộ trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2 này, ông Vũ Minh Thọ - Giám đốc Asia Top Travel đã cho Dân Việt biết: "Trước tiên, việc Chính phủ đồng ý cửa hoàn toàn đường bay quốc tế, mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch ngày 15/3 thì đó là những tín hiệu tích cực, đáng mừng cho ngành du lịch. Tuy nhiên nhìn vào dự thảo lộ trình thì thấy một chút lấn cấn về yêu cầu và quy định. 

Ví dụ với quy định du khách đã tiêm đủ vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì phải tham gia chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành với thời gian ít nhất 03 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Như vậy du khách vẫn phải thực hiện tour trọn gói, bó hẹp theo chương trình mà chưa thể được phép đi lại như du khách nội địa.

Nếu theo quy định này thì vô hình chung, chúng ta đang tạo ra rào cản, gây khó cho du khách. Nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia... họ cũng mở cửa nhưng không có nhiều quy định, yêu cầu đối với du khách quốc tế. Họ chỉ yêu cầu khi du khách nhập cảnh, test nhanh, nếu âm tính thì du khách có thể thoải mái đi du lịch mà không cần phải trọn gói theo tour chương trình hay một địa điểm du lịch nào đó.

Chúng ta cũng đã có quy định đối với khách đã tiêm đủ vắc xin khi nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, vậy là đủ rồi, đâu cần phải đi theo tour trọn gói 3 ngày nữa.

Hơn nữa, việc chúng ta công bố ngày mở cửa là để các thị trường du lịch quốc tế biết, Việt Nam đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch. Chúng ta chưa thể hy vọng thời điểm đó, khách sẽ ồ ạt đến Việt Nam. Bởi du khách nước ngoài khi họ đi du lịch họ thường lên kế hoạch ít nhất trong vòng 3 đến 6 tháng. 

Tôi trộm nghĩ, ngày 15/3 mở cửa du lịch hay trước đó mở cửa đường bay quốc tế có thể nói đó là động thái phá băng hay còn gọi là "rã đông" cho ngành du lịch, vậy nên tôi mong muốn giảm thiểu tối đa nhưng yêu cầu, quy định để không tạo thành rào cản, khiến khách quốc tế e ngại. 

Hãy để du lịch được trở lại bình thường, áp dụng những quy định bình thường của du lịch có như vậy mình mới thu hút được khách. Đồng thời mình nên có những hành động mạnh hơn nữa, thúc đẩy hơn nữa về truyền thông, quảng bá trên các trang báo nước ngoài như CNN…

Tôi mong muốn mình nên tạo một tâm thế thoải mái, bởi Việt Nam giờ gần như đã ở mức miễn dịch cộng đồng, mình đã sẵn sàng cho việc khôi phục nền kinh tế, cho du lịch. Hơn nữa mình không còn là nước đi đầu trong lĩnh vực mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Mình đi sau Thái Lan, Campuchia. Nước Campuchia đã lên kế hoạch đón khách quốc tế trước đó từ rất lâu rồi"


Mở cửa du lịch 15/3: Thời kỳ “giã đông” của ngành du lịch - Ảnh 3.

Đoàn du khách đầu tiên đến Việt Nam, nghỉ dưỡng tại đảo Phú Quốc trong chương trình Thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn 1.

Chia sẻ thêm về quy định, ông Vũ Minh Thọ cho hay, với yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid19 với mức trách nhiệm tối thiểu 20.000 USD; Đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh.

"Theo tôi điều này không cần thiết, bởi khi khách đi du lịch thì quy định của ngành du lịch là khách đã phải mua bảo hiểm. Còn việc nếu khách có bị mắc Covid-19, đương nhiên du khách sẽ phải tự trả chi phí điều trị. Vậy mình đề ra yêu cầu kia có vẻ như hơi không thuận tiện, không tạo được sự thoải mái cho du khách", ông Vũ Minh Thọ nói.

Giải thích thêm, ông Vũ Minh Thọ cho rằng, thời điểm này, những du khách quyết định đi du là những du khách đã chấp nhận rủi ro và mạo hiểm. Còn những du khách họ không đi, tức là những du khách đó thận trọng, họ sẽ không mạo hiểm thời điểm này. Theo ông Vũ Minh Thọ, bạn bè ông ở nước ngoài cũng trao đổi thẳng thắn với ông, họ sẽ không đi du lịch vào thời điểm này, họ sẽ lên kế hoạch và đi du lịch sau ít nhất một năm nữa.

Cũng nhìn vào tiêu chí, ông Vũ Minh Thọ cho rằng, nên xem xét việc cách ly 7 ngày đối với du khách không may mắc Covid-19.

Theo ông Thọ: "Tôi mong muốn việc cách ly 7 ngày nên xem xét và giảm bớt hơn nữa. Bởi có những du khách họ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin, họ chỉ bị rất nhẹ như cúm và họ đã điều trị khỏi, test liên tục 3 ngày đều âm tính thì không nên bắt họ cách ly đúng 7 ngày. Bởi nếu vẫn yêu cầu họ cách ly đúng 7 ngày thì chuyến đi du lịch của họ coi như đổ bể. Mà chuyến đi của họ đổ bể thì cũng liên quan tới đơn vị tổ chức tour.

Tôi ví dụ đặt tour cho khách đi du lịch 10 ngày từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, nhưng khi khách bị dương tính ở Hà Nội, bắt cách ly hết 7 ngày ở Hà Nội thì những dịch vụ liên quan từ Hà Nội vào Sài Gòn công ty tổ chức tour sẽ phải hủy hết và như vậy phát sinh rất nhiều rắc rối, phiền phức, thậm chí bị phạt, tăng chi phí…điều này sẽ khiến khách hàng rất khó chịu và công ty thì chịu nhiều thiệt hại"

Mở cửa du lịch quốc tế, nội địa tín hiệu tích cực nhưng cũng là điều lo âu cho các doanh nghiệp

Mở cửa hoàn tòa du lịch ngày 15/3: Đây mới chỉ là thời kỳ “giã đông” của ngành du lịch - Ảnh 3.

Nhấn mạnh thêm về yêu cầu và quy định, ông Vũ Minh Thọ cho rằng, điều ông và các doanh nghiệp lữ hành khác băn khoăn là khi khách du lịch sang Việt Nam chẳng may mắc Covid-19 thì sẽ được điều trị ra sao, có được điều trị như du khách nội địa không. Cách ly tập trung hay tại khách sạn, điều trị trong một tuần âm tính thì du khách đó đã được đi lại bình thường chưa?

"Dù mở cửa là tin vui cho toàn ngành du lịch nhưng đi kèm đó cũng là những lo âu của các anh em doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ. Bởi nhìn thấy trước mắt là những vấn đề khó khăn, thử thách. Chúng tôi cũng đang phải cân nhắc xem như thế nào. Chờ sự thống nhất về lộ trình, những quy định cụ thể, chi tiết từ cấp trung ương tới địa phương để tránh mỗi nơi vẫn có các quy định phòng chống dịch khác nhau. Chúng tôi cũng không thể nhắm mắt làm bừa, làm việc theo kiểu chộp giật, cứ bán tour còn đầu kệ khách hàng. Chúng tôi không thể làm như thế bởi vì uy tín của doanh nghiệp và vì uy tín của ngành du lịch nói chung. Những người có trách nhiệm không thể làm như vậy được", ông Vũ Minh Thọ nói.

Ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc APT Travel thì chia sẻ, ngày 15/3 mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa là thông tin được mong chờ nhất với các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch. Hai năm qua, đại dịch đã khiến cho hoạt động của toàn ngành bị đình trệ, tê liệt, không có từ nào có thể diễn tả hết thiệt hại mà các đơn vị kinh doanh du lịch phải gánh chịu. Việc mong chờ thông tin mở cửa du lịch như "sa mạc đợi từng giọt nước".

Chỉ có mở cửa toàn bộ mới có thể cứu được doanh nghiệp, cứu được người lao động. Đây là thời điểm thích hợp để mở cửa đón khách quốc tế. Bởi nếu không tranh thủ, tận dụng thời cơ, Việt Nam sẽ bỏ lỡ "mùa du lịch quốc tế 2022.

Bà Phương Anh, đại diện một doanh nghiệp du lịch có trụ sở ở Hà Nội chia sẻ với báo chí, lộ trình được thống nhất từ các bộ ban ngành càng sớm càng tốt. Nếu không, "việc mở cửa sẽ vẫn chỉ là hình thức".

Theo bà Phương Anh, để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, chúng ta cần có chính sách phải thông thoáng, tạo thuận lợi cho du khách. Bởi du lịch là nghỉ dưỡng, thư giãn nếu có quá nhiều thủ tục, quy định thì khách sẽ không mặn mà, họ sẽ chọn một địa điểm khác có thể không đẹp, hấp dẫn bằng Việt Nam nhưng mang lại trải nghiệm thoải mái.

Nhấn mạnh hơn, bà Phương Anh cho rằng, điều quan trọng là cần áp dụng các quy định phòng chống dịch thống nhất trên phạm vi toàn quốc, không để tình trạng mỗi địa phương ra một quy định làm khó du khách như vừa qua.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem