Mở cửa du lịch: "Chúng ta rụt rè, cầu toàn dẫn tới chậm chạp"

A.Thư Thứ tư, ngày 16/03/2022 15:27 PM (GMT+7)
"Việc khẩn cấp nhất là phục hồi nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Sau 3 năm Covid-19, giờ phải đào tạo lại. Chúng ta không thể có dịch vụ tốt nếu không có nguồn nhân lực có chất lượng, có năng lực và yêu nghề", ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group chia sẻ với Dân Việt sau khi Việt Nam mở cửa du lịch ngày 15/3.
Bình luận 0

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc gặp về mở cửa du lịch quốc tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Ngoại giao tổ chức tối qua, nói rằng "chúng ta không chỉ mở cửa du lịch mà còn mở cửa giao lưu, giao thương quốc tế từ 15/3 như trước dịch Covid-19, với tinh thần không phân biệt khách quốc tế với người Việt trên phương diện chống dịch". Vậy ông có thể nói gì về tình hình du lịch lúc này, sau khi Việt Nam vừa có quyết định mở cửa du lịch?

- Chúng ta vẫn rất chậm so với các nước về thông tin. Cho đến hôm 15/3 chúng ta mới công bố mở cửa chính thức, khôi phục chính sách visa và hướng dẫn y tế ngày 16/3, như vậy doanh nghiệp và khách du lịch mới có đầy đủ thông tin. Do vậy chúng ta không có khách ngay được mà phải còn truyền thông ra bên ngoài. 

Là người làm du lịch, chúng tôi rất vui mừng đón nhận việc Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế, giao thương với thế giới sau 2 năm đóng băng. Du lịch dần phục hồi, các hoạt động đi lại kinh doanh sẽ phục hồi trước, sau đó đến khách du lịch. Chúng tôi không kỳ vọng có lãi mà khôi phục kinh doanh tạo việc làm cho toàn bộ nhân viên.  

Là một trong những doanh nghiệp trông chờ nhiều vào mở cửa du lịch quốc tế, ông có gặp vướng mắc gì khi làm việc với các đối tác nước ngoài?

- Từ năm 2019, chúng tôi đã có khoảng 80 đoàn khách từ Châu Âu đặt tour tới Việt Nam. Trong suốt hơn hai năm Covid-19 với những đợt giãn cách, đóng biên, chúng tôi đã nỗ lực tận dụng mọi tín hiệu để thuyết phục họ không hủy tour. Mãi cho tới 14/3, một ngày trước khi khách quốc tế được bay vào Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch chúng tôi vẫn chưa có trong tay văn bản hướng dẫn chi tiết đón khách như thế nào. Trong khi khách cần câu trả lời hàng ngày, càng cụ thể, chi tiết càng tốt, chúng tôi vẫn chỉ có thể cung cấp thông tin chung chung. 

Mở cửa du lịch: "Chúng ta rụt rè, cầu toàn dẫn tới chậm chạp" - Ảnh 1.

Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group.

Chúng ta rụt rè, cầu toàn dẫn tới chậm chạp, chậm cả truyền thông ra quốc tế. Trong khi Campuchia, Thái Lan đã mở cửa cả năm qua, thì Việt Nam cần có sự vào cuộc thực sự. 

Ông đánh giá thế nào về triển vọng phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế sau khi chúng ta mở cửa, có điều gì khả quan? 

- Với bối cảnh hiện nay vừa có chiến tranh giữa Nga và Ukraine, vừa dịch bệnh, sự chậm chễ và không thống nhất giữa các bộ ngành, chậm truyền thông và chuẩn bị không tốt cho sự mở cửa du lịch toàn diện thì tôi thấy quan ngại về khả năng phục hồi. 

Thực tế cho thấy rằng, chúng ta mở cửa du lịch từ ngày 15/3 nhưng không phải cứ nói mở cửa là khách có thể tới ngay được. Trong ngắn hạn, muốn chiến lược mở cửa thành công thì chúng ta cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch của khách vào mùa hè như khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), Mỹ, Trung Đông và Úc. 

Gần với chúng ta hơn là thị trường khách trong ASEAN, có thể phục hồi nhanh, và thường có nhu cầu du lịch gần. Trung Quốc có thể lâu hơn, có chăng chúng ta nên tập tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch và Tổng cục Du lịch cần chia thị trường mục tiêu theo ngôn ngữ hiểu văn hoá và hành vi tiêu dùng. Hàng không, lữ hành và điểm đến cùng xúc tiến sẽ tạo hiệu ứng tốt tại thị trường mục tiêu, có khách ngay hè này từ tháng 5-6. Chuẩn bị tốt cho mùa du lịch quốc tế đến từ tháng 9.

Chúng ta có các điểm nghẽn cần khơi thông để phát triển kinh tế du lịch là cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến truyền thông. Cơ hội cho các quốc gia là như nhau hậu Covid-19, các tỉnh thành trong một nước cũng như nhau, nên tỉnh thành nào nhanh chóng thích ứng nhanh sẽ phục hồi và phát triển nhanh chóng và được truyền thông tốt. 

Có lẽ Việt Nam phải mất ít nhất vài năm mới có thể phục hồi như năm 2019, tuy nhiên chúng ta nên tập trung vào chất lượng, hơn là số lượng. Lấy khách hàng làm trung tâm, sự thỏa mãn họ, lắng nghe họ, tạo nhiều trải nghiệm, cơ chế chính sách mới thông thoáng, nhiều chỗ tiêu tiền, để du khách rộng hầu bao chi tiêu nhiều hơn.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, xu hướng, tâm lý của khách du lịch cũng có nhiều sự thay đổi. Yếu tố nào sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho ngành du lịch Việt Nam, theo ông?

-  So với các nước trong khu vực, du lịch Việt Nam cần xác định sức hút du lịch Việt, điểm khác biệt độc đáo là gì, khách hàng chúng ta là ai, ở đâu, họ thích gì, làm sao thỏa mãn họ. Chúng ta không bán cái mãi chúng ta có mà cái khách hàng cần. Muốn vậy phải định vị cho được thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam trong mắt khách hàng tiềm năng. Khách hàng ở đâu marketing ở đó, có vậy mới trúng và đúng.

Theo tôi, 4 điểm mạnh và khác biệt du lịch Việt Nam: Văn hóa, thiên nhiên, ẩm thức và con người. 4 điểm yếu là cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá. Cần định vị du lịch Việt Nam là điểm đến di sản, nâng tầm, sáng tạo thu hút khách sang trọng. Giờ là lúc cần làm mới du lịch Việt Nam, nhận diện lại thương hiệu, thực hiện tầm nhìn mới, du lịch thành thực sự là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Thời hậu Covid-19, cơ hội cho các quốc gia là như nhau, nước nào thích ứng nhanh, chuẩn bị tốt thì sẽ có nhiều cơ hội. Chúng ta đang quá chậm so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tự đặt ra quá nhiều rào cản và chưa thống nhất được các bộ, ban, ngành để phát triển du lịch như một nghành kinh tế thực sự. 

Mở cửa du lịch: "Chúng ta rụt rè, cầu toàn dẫn tới chậm chạp" - Ảnh 2.

Ông Phạm Hà cho biết, Việt Nam có thể trở thành quốc gia du lịch hàng đầu châu Á, về di sản và du lịch biển.

Việt Nam chúng ta có quá nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn, hạ tầng thay đổi và cải thiện rất nhiều theo hướng thuận tiện và cao cấp, như sân bay, cảng biển, đường xá, máy bay thuê riêng, khách sạn, du thuyền sang trọng, nhiều khu thương hiệu quốc tế đến và nhiều điểm đến mới nổi trong 2 năm qua như Phú Quốc, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Vịnh Lan Hạ, khu bảo tồn Pù Luông. Du khách luôn có nhu cầu tìm về những điểm đến mới, xanh hơn, thuận thiên, thuận tiện, vui hơn, nhiều trải nghiệm, giàu cảm xúc cho thân, tâm và tuệ.

Khách du lịch hiện nay cũng có xu hướng chậm lại, họ tìm tòi, mộng mơ, khám phá, thư giãn, tận hưởng, trải nghiệm giầu cảm xúc và hòa mình vào văn hóa và thiên nhiên. Chúng ta phải đặt khách hàng làm trung tâm, thoả mãn họ mọi điểm chạm để khách đi rồi muốn quay lại thay vì một đi không trở lại. Muốn vậy khách đến Việt Nam phải thực sự dễ dàng hơn, đến rồi được tiêu nhiều tiền hơn, thỏa mãn hơn, vui hơn.

Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Du lịch Việt Nam hậu Covid-19 cần chất hơn lượng, hướng tới khách cao cấp, khách sang trọng, quan tâm tới di sản văn hoá, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn như khách châu Âu, Úc, Mỹ. 

Du lịch Việt Nam cần phải làm gì để có thể phục hồi và có cơ hội bứt phá?

- Việt Nam có thể trở thành quốc gia du lịch hàng đầu châu Á, về di sản và du lịch biển. Về lâu dài, du lịch Việt Nam cần giải quyết bốn điểm yếu, nút thắt như thể chế chính sách (trong đó phải có Bộ Du Llịch, coi du lịch là nghành kinh tế, có vấn đề visa thân thiện, không quá phụ thuộc quá nhiều vào một vài nguồn khách), nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và định vị thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam. Cần có nhận diện lại thương hiệu trong du khách quốc tế, nhất là sau Covid, các nước đang làm mới lại thương hiệu quốc gia của họ. 

Covid-19 đã làm đứt gẫy và sụp đổ nhiều mắt xích quan trọng của ngành du lịch. Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng như vận chuyển (nhà xe cần bảo dưỡng, sửa chữa sau hai năm đắp chiếu), khách sạn (không phải tất cả đều mở cửa), hướng dẫn viên, nhân sự du lịch không có... khiến việc hồi phục khó có thể nhanh được, mà chỉ có thể từ từ.

Có lẽ việc khẩn cấp nhất trong ngắn hạn là phục hồi nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch. Sau 3 năm Covid-19, giờ phải đào tạo lại, đưa họ trở lại làm việc, giúp họ về tài chính và công việc ổn định khi tương lai chưa sáng sủa. Vì du lịch tất cả là con người, chúng ta không thể có dịch vụ tốt nếu không có nguồn nhân lực có chất lượng, có năng lực và yêu nghề.

Vấn đề tiếp theo xác định được điểm mạnh của du lịch Việt, sản phẩm nào đặc trưng để du khách nghĩ tới là muốn đến Việt Nam. Từ đó nhận diện lại thương hiệu, cần những chuyên gia thương hiệu. Làm mới lại mình, xác định lại chân dung khách hàng mục tiêu, nguồn khách để có chiến lượng tiếp thị hiệu quả. Khách hàng ở đâu thì marketing ở đó. Trong nước cần truyền thông nhận thức của du khách và xã hội đối với nghành du lịch. 

Xin cảm ơn ông. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem