Mở đường cho cá tra “vượt sóng”

Vĩnh Hoàng Thứ sáu, ngày 13/06/2014 10:06 AM (GMT+7)
Không còn là “nhìn chung” nữa, ngành cá tra đã rơi vào cảnh bấn loạn do lòng tin và “chữ tín” giữa các thành phần tham gia sản xuất – chế biến – tiêu thụ đang vơi dần.
Bình luận 0

Tình trạng này làm cho sự phát triển mang tính tổng lực bị trượt tiêu như: Diện tích nuôi cá bị tuột dốc, tỉnh Vĩnh Long giảm 37,6% về diện tích, 27,8% về sản lượng; tỉnh An Giang giảm 38,9% về diện tích và 30,8% về sản lượng. Các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… cũng trong tình trạng tương tự. 

Mặc dù xuất khẩu cá tra quý I/2014 đạt 409 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2013; giá mua cá nguyên liệu ổn định 24.500-26.000 đồng/kg, người nuôi cá tra đã có lãi 2.000-3.000 đồng/kg. Tiếp đến là các hộ nuôi cá tra phân tán, nhỏ lẻ, thua lỗ trước đây đã hết vốn, không còn sức mở rộng sản xuất. Những hộ có khả năng thì cho rằng, đợt giá này có tăng nhưng không bền vững, nên không thả nuôi. Chủ trương khoanh nợ, tái cấp vốn cho người nuôi cá, tổ hợp tác, hợp tác xã và khoản cho vay ưu đãi 8% chưa đến tay người dân do thiếu quyết tâm của các ngân hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến đang có sự phân hóa mạnh về sản xuất, khả năng cạnh tranh, xu hướng phân khúc và chọn thị trường ngày càng rõ nét.

Rõ ràng con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang bị “trói buộc” với 5 vấn đề lớn: Quan hệ cung – cầu, chất lượng, giá cả, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vốn tín dụng cho nông dân. Phải mở đường cho cá tra vượt sóng!

Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam như Mỹ, khối thị trường chung châu Âu (EU) và Hàn Quốc vẫn rộng mở…, vấn đề đặt ra là chất lượng cá nguyên liệu, chủng loại hàng sau chế biến…Trong “mớ” bộn bề đó, giải pháp liên kết doanh nghiệp với nông dân giữ vai trò quyết định cho toàn bộ ngành hàng: Từ khâu quy hoạch, kiểm soát nguồn nước, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, chỉ dẫn nguồn gốc ngay tại các đầm nuôi. Để tránh việc “bẻ kèo” khi giá cả biến động, doanh nghiệp cần ứng vốn; người nuôi cá phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cam kết thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp – việc làm này tuy không mới nhưng đó là điều kiện nền tảng của kế hoạch sản xuất, xác định mức giá bán, mua và duy trì sự cân đối cung – cầu. Một lối mở đường khác cho cá tra “vượt sóng” đó là tạo ra mặt hàng mới sản phẩm Collagen đã được Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn nghiên cứu, đầu tư sản xuất sản phẩm này từ phụ phẩm cá tra, lợi nhuận thu về cao gấp 8-10 lần so với sản phẩm cá fillet hiện đang xuất khẩu.

Cá tra của Việt Nam là ưu thế lớn, chiếm trên 90% thị phần thế giới. Việc tháo gỡ về cơ chế chính sách của Nhà nước, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân có lợi ích hài hòa sẽ là động lực mở đường cho cá tra “vượt sóng” đi ra và đi lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem