“Mô hình ra đi, người nghèo ở lại”

Phương Vy Thứ sáu, ngày 06/02/2015 11:35 AM (GMT+7)
Để góp phần giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS), cần đổi mới công tác khuyến nông, giúp đồng bào chủ động đón nhận, từ đó gia tăng hiệu quả sản xuất bền vững.
Bình luận 0

Đây là ý kiến chung của các chuyên gia, nhà quản lý trong cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS, tổ chức ngày 3.2 tại Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT), đại diện của Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức Oxfam và Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam.

img
Mô hình trồng cỏ, nuôi trâu ở huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. Ảnh: Phương Vy

Theo ông Phan Văn Thum – Phó phòng kế hoạch dự án Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm gần 25% trên tổng số 310.911 hộ, riêng đồng bào dân tộc Khmer chiếm 35% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong một dự án giảm nghèo bền vững, tỉnh này đang hỗ trợ cho 28 hộ nghèo ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành sản xuất nấm bảo ngư và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra. Qua triển khai, các hộ nghèo này đã có thu nhập trung bình 1 triệu đồng/tháng từ trồng nấm. Dự án đã rất thành công và tiếp tục được nhân rộng cho các hộ dân khác”.

 

Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có được những mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả như thế. Một số nơi, mô hình triển khai hỗ trợ bò giống cho đồng bào dân tộc chưa kịp phát triển thì bò đã bị giết thịt, hoặc bị dịch bệnh, teo tóp dần.

Quan điểm

Ông Ngô Trường Thi
  Hiện nay chúng ta có quá nhiều chương trình, quá nhiều dự án hỗ trợ cho một đối tượng, nhưng mục tiêu lại chồng chéo... Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ là sẽ có chính sách chung để thống nhất, trong đó hộ nghèo và DTTS được hỗ trợ nhiều nhất, sau đó tới hộ cận nghèo”.  
Phát biểu tại diễn đàn này, ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) nhận định: Một số chính sách hỗ trợ hiện nay chưa khuyến khích được sự chủ động của người nghèo, thậm chí còn lãng phí. Về giải pháp, giai đoạn tới cần hạn chế hỗ trợ kiểu cho không để tránh sự ỷ lại, tạo sự công bằng. Hỗ trợ đồng bào cần dựa trên sản xuất, nhưng phải gắn sản phẩm với thị trường.

“Kinh phí của Nhà nước không nhiều, một miếng bánh cứ cắt nhiều thì sẽ càng nhỏ và không có hiệu quả. Do đó, giảm nghèo cần phải có một chính sách chung, cần phải thay đổi cơ chế thực hiện. Nếu cứ làm thay cho cơ sở, cho người nghèo, thì người nghèo sẽ ở lại và mô hình sẽ ra đi…” – ông Thi nói.

Cơ chế hỗ trợ mới, theo ông Thi, phải tiếp cận ở góc độ kinh tế. “Chúng ta hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế… nhưng cái gốc là phát triển kinh tế mới xóa đói giảm nghèo cho đồng bào được bền vững” - ông Thi nêu ý kiến.

Chung nhận định trên, một số đại biểu phân tích thêm, trong hoạt động khuyến nông có 3 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ tuyên truyền để người dân hiểu, tiếp đến là đào tạo. Đây phải được coi là 2 nhiệm vụ trụ cột thì lại chưa được coi trọng. Trong khi, nhiệm vụ thứ 3 là xây dựng mô hình, hiện nay lại chiếm tới 85% kinh phí khuyến nông. Nếu người dân không hiểu, không được đào tạo và không thay đổi cơ cấu này, thì câu chuyện “dự án ra đi, người nghèo ở lại” sẽ khó tránh khỏi.

Ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Phân biệt rõ 2 nhóm khuyến nông

Về chính sách đầu tư, mảng nông nghiệp và giảm nghèo rất quan trọng nhưng đầu tư còn ít và dàn trải. Kinh phí đầu tư khuyến nông mỗi năm chỉ khoảng 500 tỷ đồng, trung bình mỗi tỉnh chỉ có khoảng 200-300 triệu đồng dành cho công tác khuyến nông, nếu chia ra đầu người thì rất thấp. Trong khi, cách phân bổ kinh phí cũng còn chồng chéo, có khi thuộc về phòng nông nghiệp hoặc ở cấp xã chứ không phải do khuyến nông thực hiện”.

… Để hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, cần phân biệt rõ thành 2 nhóm đối tượng, thứ nhất là người nghèo, cận nghèo ở vùng khó khăn; đối tượng thứ 2 là sản xuất hàng hóa. Hiện mức hỗ trợ của Nhà nước có quy định với 2 đối tượng này nhưng không phân biệt rõ được 2 nhóm này, nên cái hỗ trợ đến được với nông dân vẫn chủ yếu là hiện vật.  Do đó, chúng tôi đã đề xuất phải phân biệt rõ 2 đối tượng gồm nhóm “khuyến nông sinh kế” và nhóm “khuyến nông khuyến khích sản xuất hàng hóa”.

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chánh văn phòng Chương trình 135 (UB Dân tộc): Khuyến nông cần lấy được niềm tin đồng bào

 Nếu đồng bào tin tưởng, việc tuyên truyền, hướng dẫn họ sẽ dễ hơn, ngược lại, nếu đồng bào không tin sẽ rất khó khăn. Cán bộ khuyến nông ở các xã đặc biệt khó khăn là rất quan trọng đối với đồng bào. Việc xây dựng niềm tin và vai trò của cán bộ khuyến nông phải được thể hiện ngay từ đầu như lập kế hoạch, phát triển sản xuất, gắn với quy hoạch.

Phi Long (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem