Các Ủy viên đã tập trung cho ý kiến 2 nội dung lớn là quyền yêu cầu GĐTP của đương sự và mô hình tổ chức GĐTP về pháp y cấp tỉnh.
Về quyền yêu cầu GĐTP của đương sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác tán thành việc mở rộng quyền của đương sự được tự mình yêu cầu GĐTP. Quy định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ của đương sự trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.
|
Nhiều ý kiến đề nghị hợp nhất hoạt động giám định pháp y của công an và y tế tại địa phương. |
Về mô hình tổ chức GĐTP về pháp y cấp tỉnh, kết quả khảo sát tại 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bến Tre, Trà Vinh và Hậu Giang cho thấy, mỗi nơi quản lý một kiểu. Nghệ An và Bến Tre có cả giám định viên pháp y ngành y tế và bộ phận pháp y trong công an tỉnh. Còn Thanh hóa, Trà Vinh lại tổ chức phòng giám định pháp y thuộc bệnh viện tỉnh. Điều đó cho thấy lĩnh vực này không chỉ thiếu thống nhất, mà còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cấp tỉnh không nên để giám định viên pháp y thuộc công an tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y thuộc ngành y tế để thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hiện đại chuyên nghiệp…
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc quản lý tập trung về một đầu mối thuộc Sở Y tế là hợp lý. Tuy nhiên, việc đầu tư cho một trung tâm cấp tỉnh chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại là đúng, nhưng duy trì giám định ở công an tỉnh trong một thời gian nhất định cũng là cần thiết. Việc hợp nhất cần có lộ trình, trong đó phân định rõ trách nhiệm hai ngành.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.