Mở rộng ứng dụng chữ ký số để đảm bảo mọi giao dịch trên mạng an toàn hơn

Thủy Lê Thứ sáu, ngày 17/12/2021 11:50 AM (GMT+7)
Hiện nay, tại Việt Nam còn ẩn chứa nhiều rủi ro trong các giao dịch điện tử. Việc đẩy mạnh sử dụng chữ ký số từ Chính phủ tới người dân sẽ giúp mọi giao dịch trên môi trường mạng an toàn và tin cậy hơn.
Bình luận 0
Mở rộng ứng dụng chữ ký số để đảm bảo mọi giao dịch trên mạng an toàn hơn - Ảnh 1.

Những nguy cơ khiến giao dịch điện tử thiếu an toàn

Trong bối cảnh dịch COVID-19, hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp bị đứt gãy, các giao dịch điện tử gia tăng mạnh. Tuy nhiên theo dòng chảy xu hướng đó, nước ta còn tồn tại nhiều rủi ro trong giao dịch điện tử. Có thể hình dung 2 loại rủi ro đáng chú ý là rủi ro do giả mạo và rủi ro do kỹ thuật. Tội phạm sử dụng công nghệ cao luôn hiện hữu và đặc biệt gia tăng trong bối cảnh công nghệ thông tin và kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tình hình giả mạo diễn ra ngày càng tinh vi và là hoạt động đã có tính tổ chức. Không chỉ có tội phạm ở trong nước mà còn có sự tham gia của các tội phạm nước ngoài. Giả mạo phát sinh tại các đơn vị chấp nhận thẻ (POS) và các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử là hai loại rủi ro chính của các ngân hàng và có xu hướng tăng nhanh. Mặc dù số lượng vụ việc giả mạo không tăng nhanh nhưng quy mô của mỗi vụ việc lại ngày càng tăng với số tiền lớn là một rủi ro tiềm ẩn với các ngân hàng.

Còn những rủi ro do kỹ thuật xảy ra khi công nghệ hỗ trợ chưa cao. Thẻ là lĩnh vực khá mới mẻ với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp luật nên chưa có đầy đủ các chế tài xử lý. Bên cạnh đó, thức phòng tránh giả mạo của người dân và các đơn vị chấp nhận thẻ còn thấp cùng sự phối hợp của các ngân hàng trong hoạt động quản lý rủi ro còn hạn chế, chưa quan tâm sát sao đến việc thường xuyên thông tin cập nhật các hình thức lừa đảo đến khách hàng và đưa ra các cảnh báo đề phòng.

Chính vì thế, việc sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử là một giải pháp định danh, chống chối bỏ giúp các giao dịch điện tử được bảo mật, nhanh chóng, tiện lợi và an toàn hơn.

Chữ ký số đã và đang được ứng dụng trên diện rộng

Đánh giá tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020 của khối An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2019, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống kỹ thuật RootCA ổn định, thực hiện việc cấp chứng thư số cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) công cộng, đảm bảo an toàn, ổn định. Các hệ thống kỹ thuật của Trung tâm được kiểm tra, đánh giá định kỳ, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn.

Năm 2020, số lượng chứng thư số cấp cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng 128,26% so với năm 2019, đạt 32.520 chứng thư số. Số lượng chứng thư số cấp cho các địa phương tăng 4,19% so với năm 2019, đạt 62.103 chứng thư số.

Giai đoạn 2020 - 2021, các CA công cộng tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động cấp chứng thư số cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng dịch vụ của các lĩnh vực ứng dụng chính như Thuế điện tử, Hải quan điện tử và Bảo hiểm xã hội điện tử. Theo số liệu thống kê đến 31/12/2020, các CA công cộng đã cấp 3.942.074 chứng thư số, thu hồi 383.052 chứng thư số, số lượng chứng thư số đang hoạt động là 1.570.039 (chiếm 39,83%).

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số và xác thực điện tử cũng sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. NEAC đã xây dựng, nâng cấp, quản lý, vận hành các hệ thống kỹ thuật RootCA quốc gia; hệ thống định danh và xác thực điện tử; hệ thống kỹ thuật kết nối CA công cộng để thu thập số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về CKS, kết nối với hệ thống Dashboard của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đồng thời, NEAC tập trung xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực chữ ký số và xác thực điện tử giai đoạn 2020 - 2025; Khung danh tính số quốc gia; phối hợp chặt chẽ với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) trong quá trình khảo sát và đánh giá Chỉ số an toàn, an ninh mạng lần thứ tư, bảo đảm nâng cao thứ hạng của Việt Nam; tổ chức giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử…

Mở rộng ứng dụng chữ ký số để đảm bảo mọi giao dịch trên mạng an toàn hơn - Ảnh 2.

Trung tâm đã xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BTTTT ngày 05/7/2019 quy định về việc liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Thông tư được ban hành đã giải quyết về pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Điều này góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử, giải quyết về pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động và số từ xa. Các giải pháp này tích hợp ứng dụng ký số trên SIM điện thoại di động hoặc trên thiết bị của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, góp phần giảm đáng kể chi phí sử dụng chữ ký số, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.

Năm 2020, NEAC tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số và xác thực điện tử; Xây dựng, nâng cấp, quản lý, vận hành các hệ thống kỹ thuật RootCA quốc gia; hệ thống định danh và xác thực điện tử; hệ thống kỹ thuật kết nối CA công cộng để thu thập số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về chữ ký số, kết nối với hệ thống Dashboard của Bộ. Đồng thời, NEAC tăng cường kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để trao đổi, học hỏi về công nghệ, phối hợp triển khai đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số , xác thực điện tử trong xã hội

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đang hoạt động gồm: VNPT-CA, Viettel-CA, CA2, BkavCA, FPT-CA, Newtel-CA, Safe-CA, Smartsign-CA, EFY-CA, Trust-CA, MISA-CA, CMC-CA, NC-CA, LCS-CA, Easy-CA, Fast-CA, I-CA, Hilo-CA, One-CA và Mobifone-CA.

Với những nỗ lực như việc giảm chi phí cấp, duy trì hoạt động chứng thư số mới thực sự đi vào đời sống và phổ biến hơn nữa trong tương lai trong tương lai. Từ đó góp phần thúc đẩy sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử nói chung và trong dịch vụ công trực tuyến nói riêng; tạo điều kiện và góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của nền kinh tế số.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem